Đổi mới mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Chia sẻ

Bước vào phục hồi và phát triển kinh tế, nhiều nghệ nhân ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đã chủ động sáng tạo, đổi mới mẫu mã sản phẩm, mở rộng khai thác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, trong đó chuẩn bị các điều kiện để gắn phát triển sản phẩm làng nghề với hoạt động du lịch.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Thị Hân (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm nhờ các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu… và hệ thống nhà hàng, khách sạn, cửa hàng trang sức, phụ kiện thời trang trong nước.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hân, sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, một số đối tác nước ngoài đã chuyển đổi kinh doanh; trong khi ở trong nước, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cạnh tranh quyết liệt và gắn liền với hoạt động du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. Đến giữa tháng 3, du lịch mới hoạt động trở lại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Đây là khó khăn trước mắt và là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề.

Các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phú Vinh, huyện Chương Mỹ không ngừng đổi mới mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường 	Ảnh: PVCác cơ sở sản xuất tại làng nghề Phú Vinh, huyện Chương Mỹ không ngừng đổi mới mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường Ảnh: PV

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh đã khiến các cơ sở sản xuất tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) phải hoạt động cầm chừng do thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu vốn chiếm hơn 60% tổng sản phẩm của làng nghề bị ảnh hưởng. Các dòng sản phẩm sơn mài đặc trưng của làng nghề là khay, hộp, lọ, tranh ảnh, hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh vốn là không phải là đồ dùng thiết yếu hàng ngày nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ của làng nghề bị ảnh hưởng.

Tận dụng khoảng thời gian này, bà Nguyễn Thị Hồi - Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: Tất cả các hộ gia đình và hội viên đều tập trung nghiên cứu, đổi mới mẫu mã sản phẩm, khắc phục khó khăn để duy trì và phát triển nghề, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hùng, Duyên Thái là một trong số ít những điểm du lịch làng nghề của TP Hà Nội nên xã đã quy hoạch gắn liền việc trưng bày sản phẩm đối với cơ sở sản xuất.

Hiện tại cụm công nghiệp làng nghề có 14 cơ sở có điểm trưng bày phục vụ du khách tham quan trên diện tích hơn 2.000m2; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề, phổ biến và cập nhật xu hướng mới trong thiết kế sản phẩm, các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế để các cơ sở sản xuất nắm bắt cơ hội.

“Trong cái khó ló cái khôn”, nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh, tại làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông, nhiều đơn vị cơ sở sản xuất đã xây dựng trang thông tin trên mạng xã hội để phát trực tiếp (livestream), giới thiệu quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội hoặc đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch tổ chức tour tham quan làng nghề và bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ, tiếp cận với nhiều đối tác trong nước đặt hàng, góp phần mang lại doanh thu, duy trì sản xuất.

Là địa phương có số lượng làng nghề rất lớn với 126 làng có nghề, trong đó 48 làng nghề truyền thống, ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: Hoạt động kinh doanh làng nghề hiện khôi phục từ 40-50%, thậm chí có nơi đã khôi phục 70% so với trước khi có dịch. Mục tiêu hiện nay của huyện là khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu cho các làng nghề và phòng chống dịch hiệu quả.

Để hỗ trợ các làng nghề, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, huyện Thường Tín cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành TP triển khai các biện pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề phát triển; tập trung quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, xây dựng khu vực giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch để phát triển bền vững các làng nghề truyền thống độc đáo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, nhiều làng nghề đã cố gắng thay đổi mẫu mã, sản xuất các mặt hàng mang tính nghệ thuật tinh xảo, độc đáo thích ứng với từng đối tượng khách hàng. Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội sẽ tạo điều kiện để các hội viên tham gia các chương trình hỗ trợ tư vấn thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường vừa cung ứng sản phẩm mới có tính cạnh tranh, nâng cao giá trị vừa gắn phát triển làng nghề với du lịch, dịch vụ.

NGUYỄN HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Công an thành phố Hà Nội phát động đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt

Công an thành phố Hà Nội phát động đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt

(PNTĐ) - Sáng 8/4/2025, Công an thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (2005 - 2025), với chủ đề “Công an nhân dân rèn đạo đức, luyện tác phong, trọng danh dự; đoàn kết, đổi mới, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Hội người Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Đại hội đại biểu năm 2025

Hội người Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Đại hội đại biểu năm 2025

(PNTĐ) - Chiều ngày 06/04/2025, tại hội trường Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức Đại hội đại biểu năm 2025 nhằm tổng kết hoạt động nhiệm kỳ năm 2023 - 2025, xây dựng phương hướng hoạt động và bầu ra Ban chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ mới.
Hơn 2.000 học sinh Hà Nội được tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trước mùa thi

Hơn 2.000 học sinh Hà Nội được tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trước mùa thi

(PNTĐ) - Tiếp tục chuỗi chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, sáng 5/4, chương trình thứ hai đã được tổ chức tại trường THPT Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) thu hút hơn 2.000 học sinh Hà Nội được đối thoại, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trước mùa tuyển sinh đại học năm 2025.