Đón Tết ở phòng châm cứu thú y cộng đồng

Bài và ảnh: Tuệ Mẫn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở Hà Nội, có một địa chỉ chuyên chữa trị cho những chú mèo bị thương tật, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, đó là phòng châm cứu thú y cộng đồng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) thuộc khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tại đây, những bạn mèo đang gặp vấn đề về sức khỏe nhận được tình yêu thương và cưu mang của con người nhiều hơn bao giờ hết.

Ngôi nhà thứ hai của các bạn mèo

Nằm sâu trong ngõ 64 Ngô Xuân Quảng (Gia Lâm, Hà Nội), phòng châm cứu được PGS. TS Phạm Thị Xuân Vân - bà giáo gần 90 tuổi quản lý. Ở tuổi xưa nay hiếm, 10 năm qua, bà và các sinh viên khoa Thú y vẫn miệt mài chăm sóc, điều trị bằng châm cứu hoàn toàn miễn phí cho những chú thú cưng bị liệt hay mất khả năng vận động... 

Theo chia sẻ của bà giáo Vân, mỗi ngày, công việc đều bắt đầu từ 7h sáng. Cứ một em sinh viên được giao phụ trách chăm sóc 3-4 chú thú cưng; hàng ngày các em làm nhiệm vụ tắm sạch sẽ, cho chúng ăn uống, điều trị vận động, xoa bóp, châm cứu, quan sát mọi chuyển biến bệnh tình của vật nuôi để kịp thời điều trị. 

Đặc biệt, nơi đây không chỉ chữa trị cho thú cưng thương tật mà còn giống như ngôi nhà thứ hai đầy ắp yêu thương với những “người bạn bốn chân”. Thú cưng được chăm sóc rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Ngoài vận động, xoa bóp, châm cứu thì chế độ ăn của bạn mèo cũng được chú trọng rất nhiều. Ngày thường, các bạn mèo sẽ ăn cơm, thịt xay, các loại hạt, nhưng cũng có những bạn “khó tính” hơn, chỉ thích ăn lườn gà. Tại phòng khám có riêng phòng để chuẩn bị cơm cho mèo, với đầy đủ thiết bị như lò vi sóng, những chiếc nồi to, nhỏ đựng thức ăn đầy đủ dinh dưỡng. 

Đón Tết ở phòng châm cứu thú y cộng đồng - ảnh 1
   Bà giáo Phạm Thị Xuân Vân hướng dẫn các bạn sinh viên châm cứu sao cho hiệu quả

Từng hoạt động, bữa ăn của mèo được quan tâm như vậy, bởi lẽ chúng không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn đáng quý của con người. Năm nào cũng thế, thời điểm giáng sinh về cũng là lúc chỉ ít ngày nữa thời khắc chuyển giao sang năm mới cũng đến, phòng châm cứu lại tất bật chuẩn bị tổ chức một “buổi liên hoan” nhỏ cho những chú mèo đáng yêu. Người góp sức, người góp chút tiền tiết kiệm, mua sắm đồ đạc, thức ăn ngon để các bạn mèo đón một năm mới ấm no, bình an. 

“Những người bạn bốn chân không chỉ có quần áo mới, có đèn sưởi mới để mùa đông bớt giá rét, sẽ không bị ốm thêm hay bị lạnh nữa, mà dịp “liên hoan” như thế các bạn mèo còn được ăn ngon hơn thường ngày. Khi được quây quần bên nhau, những kỷ niệm ấy đối với chúng mình, phòng khám và các bạn mèo như ngôi nhà, gia đình thứ hai đang sum vầy đón Tết cùng nhau vậy” - Ngọc Hằng sinh viên khoa Thú y, người đã làm việc 3 năm tại phòng châm cứu tâm sự.

Bằng tấm lòng nhân ái, bà giáo Phạm Thị Xuân Vân và nhiều sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cùng nhau xây dựng một phòng khám đầy ắp tình yêu thương và chia sẻ như thế. Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đang góp phần giúp chúng ta có thêm lòng trắc ẩn, tình yêu thương, sự trân quý đối với thế giới quanh ta; để thấy rằng những chú mèo không chỉ là vật nuôi, mà còn là người bạn đáng quý của con người.

 

Mỗi chú mèo là một người bạn đáng trân quý

Những ngày cận Tết, công việc châm cứu của các sinh viên phòng khám đòi hỏi phải khéo léo và cần hiệu quả hơn bao giờ hết. Bởi nếu may mắn có thể hồi phục nhanh, các bạn mèo sẽ được chủ của mình đón về ăn Tết một cách trọn vẹn, không phải lo lắng về những vết thương chưa lành nữa. Và ai nấy ở phòng điều trị cũng mong sao các bạn ấy nhanh chóng khỏe mạnh trở lại, có thể vui đùa, chạy nhảy để sớm về với chủ dịp Tết sum vầy. Thật sự, các bạn mèo ốm, chủ của chúng buồn và mình cũng rất buồn.

Buồn hơn là một số chủ khi biết mèo không có khả năng hồi phục thì không quay lại nhận nữa. “Hiện tại có 3-4 chú chó, mèo trong tình trạng như vậy. Nhưng với những trường hợp đó, phòng khám vẫn tận tình, tiếp tục chăm sóc, thậm chí còn dành nhiều tình thương hơn. Bởi với chúng tôi, các bạn mèo cũng như một thành viên, người thân trong gia đình; và chẳng ai muốn người thân của mình không may bị thương, bị bệnh mà còn bị bỏ rơi. Còn nhớ Tết năm ngoái, có một bạn mèo bị chủ cũ gửi lại. Do bị thương nên rất khó tìm được chủ mới cho các bạn ấy. Nhiều người hay kiêng năm mới nuôi mèo vì quan niệm “mèo đến nhà thì khó”, nhưng các bạn trong phòng khám vẫn xung phong mang về nhà nuôi, để các bạn mèo cũng được đón Tết” - bà Vân xúc động nói.

Đón Tết ở phòng châm cứu thú y cộng đồng - ảnh 2
   Bạn sinh viên tại Phòng khám thú y cộng đồng đang châm cứu cho chú mèo
 

Năm nay, bạn Trần Thị Nguyên (SV năm thứ 4, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng tình nguyện nhận nuôi một bạn mèo không tìm được chủ mới. Nguyên bộc bạch: “Nếu Tết mà các bạn mèo không được ai cưu mang, em sẽ buồn lắm. Em muốn trở thành bạn và cũng là gia đình mới của các bạn ấy”. Tình cảm gắn bó này được Nguyên vun đúc bằng kỷ niệm từ những ngày đầu tiên làm việc tại phòng khám. Lúc ấy, có những bạn mèo vì lạ lẫm nên phản ứng bằng cách bỏ ăn, thậm chí cắn, cào vào người đang điều trị châm cứu nữa.

 “Nhưng chỉ cần dành thời gian quan tâm, dành tình yêu thương, giúp chúng cảm nhận được tình cảm của mình và xem đó là những người bạn thực sự… các bạn mèo sẽ không ngại ngần mà quấn quýt, xem ta là bạn và vui vẻ để cho ta điều trị, hơn thế còn biết trêu đùa, “mè nheo” với ta nữa” - Nguyên nhớ lại.

Những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh, các bạn sinh viên nơi đây lại cùng nhau góp tiền, tự tay đi chọn vải, đích thân lên ý tưởng, cắt may thành những bộ quần áo thật đẹp để các bạn mèo có đồ ấm diện Tết. 

“Bao nhiêu mảnh vải, bao nhiêu đường kim mũi chỉ là bấy nhiêu tình cảm của chúng mình dành cho “các em” mèo, mong sao Tết này, các em luôn ấm áp, hạnh phúc trong chính những bộ đồ handmade” - bạn Ngọc Hằng hào hứng chia sẻ. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.