Góc nhìn:

Đưa dịch vụ công trực tuyến đến tận nhà

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Khi người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ dễ dàng làm các thủ tục hành chính có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của công dân. Họ có thể làm thủ tục ở bất kỳ đâu, thậm chí là ở nhà mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan chức năng.

Dịch vụ công trực tuyến được phân làm 4 mức độ: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 (là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó); dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ).

Đưa dịch vụ công trực tuyến đến tận nhà - ảnh 1
Các thành viên trong Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà giải thích những thắc mắc của người dân. Ảnh: TN

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ).

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng).

Việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần hiện thực hóa Chính phủ điện tử là trong những mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết này tiếp tục xác định xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, đến năm 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Hiện nay, cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 80% thủ tục hành chính của thành phố đủ điều kiện để cung ứng trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 100% thủ tục hành chính được xác định đủ điều kiện theo quy định pháp luật và các điều kiện kỹ thuật được cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công điện tử.

Ngày 23/6, Hà Nội cho triển khai thí điểm mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà". Đây là mô hình hoạt động với quy mô cấp phường đầu tiên của Hà Nội trực tiếp "đến từng ngõ gõ từng nhà, gặp từng người" để hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà cho người dân. Mô hình này được triển khai thí điểm tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tưởng chừng như xa vời đối với những người cao tuổi, người ít kiến thức về công nghệ thông tin thì nay trở nên dễ dàng bởi sự tư vấn theo hình thức "cầm tay hướng dẫn" trực tiếp của đội cơ động hỗ trợ tại nhà.

Không ít người dân đã nhận ra sự tiện lợi và nhanh chóng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những thủ tục hành chính mà trước đây họ phải đến trực tiếp tại cơ quan chức năng, phải chờ đợi rất lâu, thì nay việc đó đã được chính quyền điện tử tối giản thời gian giải quyết. Và, họ chỉ cần ngồi nhà, thao tác đơn giản cũng có thể thực hiện được.

Trên thực tế, mô hình hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà không chỉ giúp đẩy nhanh việc triển khai, mang lại hiệu quả cao mà còn thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của người dân về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, hiểu hơn về lợi ích, ý nghĩa khi sử dụng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, người dân cũng hiểu hơn về chính quyền điện tử, Chính phủ số, về các nền tảng dữ liệu số mới hiện nay. Từ đó, giúp người dân tin tưởng và tiếp cận nhanh hơn với chính quyền điện tử.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.