Đưa nông sản sạch đến người tiêu dùng bằng chuỗi liên kết
(PNTĐ) - Xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản là hướng đi mà thành phố Hà Nội đang ưu tiên nhằm gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, đưa sản xuất theo nhu cầu của thị trường, từ đó nâng cao giá trị nông sản và an toàn thực phẩm. Liên kết còn giúp người sản xuất thuận lợi, tránh rủi ro “được mùa - mất giá”.
Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông dân không phải vất vả tìm đầu ra, giá trị sản phẩm tăng 10-20% so với sản xuất thông thường. Trong xu thế hội nhập phát triển, việc tạo ra sản phẩm, tiêu thụ nhanh chóng và nâng tầm giá trị sản phẩm đã trở thành niềm trăn trở đối với người nông dân. Những bài toán sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ vì nhiều vấn đề, trong đó việc liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản được quan tâm hơn cả.
Nhằm làm rõ nhiều vấn đề trong sản xuất tiêu thụ nông sản, đặc biệt là giúp nông dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Diễn đàn@Khuyến nông với chủ đề "Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp".
Chia sẻ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, bà Đào Thị Lương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh cho biết, thành lập từ năm 2018, đến nay HTX đã liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng tấn sản phẩm mỗi ngày, trong đó riêng Hà Nội liên kết với 14 hợp tác xã đưa sản phẩm cung ứng cho nhiều siêu thị, trong đó có hệ thống bán lẻ Winmart. Tại Phú Xuyên, gần như ngày nào HTX cũng xuất vài tấn chuối tươi sang thị trường Lào. HTX cũng liên kết sản xuất mì rau củ lục vị xây dựng độc quyền thương hiệu và xuất khẩu đi các nước Lào, Nga. Tuy nhiên, hiện nay HTX đang gặp khó khăn vì chưa có nguồn lực đầu tư kho lạnh, nhà máy chế biến sâu.
Do đó, bà Đào Thị Lương kiến nghị Thành phố và các sở ngành, huyện Phú Xuyên quan tâm, hỗ trợ để giảm giá thành sản xuất.
Còn với hộ kinh doanh cá thể, ông Lê Đình Khánh (xã Văn Hoàng), cho rằng trên địa bàn xã, người dân chủ yếu sống nhờ nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước sông Nhuệ đang rất ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng để sản xuất. Ông Khánh đề nghị các cấp chính quyền có giải pháp hỗ trợ người dân để tạo ra những sản phẩm sạch.
Tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng cũng đề xuất Thành phố và các sở ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nông sản của huyện Phú Xuyên tham gia nhiều hơn các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại. Cùng đó là tăng nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân…
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, nông nghiệp hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Với sự quan tâm hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các nông sản của huyện ngày một đa dạng; nhiều sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng 3 - 4 sao OCOP. Thẳng thắn nhìn nhận việc tiêu thụ nông sản hiện nay còn nhiều khó khăn, theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh đôi khi nông sản của người dân làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhưng vẫn khó tiêu thụ do chưa phát triển được chuỗi liên kết. Do đó, vấn đề quan trọng cần phải thực hiện trước mắt là đẩy mạnh liên kết, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và kênh tiêu thụ.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khẳng định rằng xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố (như Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hưng Yên…) phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (chiếm 57% số chuỗi trên toàn quốc) đưa về Hà Nội tiêu thụ, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người dân Thủ đô.
Hà Nội ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công về nông sản chủ lực như lúa gạo, rau màu, hoa, bưởi, dược liệu… Các chuỗi hoạt động hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực cho nông nghiệp.
Một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy của HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa); chuỗi rau của HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, thương hiệu trứng sạch Tiên Viên (huyện Chương Mỹ); chuỗi thủy sản của HTX thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì)…
“Hà Nội cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các mô hình liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản giúp người sản xuất thuận lợi, tránh rủi ro “được mùa - mất giá”, xác định doanh nghiệp là "đầu tàu" trong kết nối cung - cầu, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”- bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”