Khám sức khỏe tiền hôn nhân:

Giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững

TRÂM ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội liên tục tổ chức các buổi truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đặc biệt là chăm sóc SKSS trước hôn nhân, nhằm tạo cho người dân, nhất là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ý thức và thói quen chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để có nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Để khởi đầu cuộc sống hôn nhân khỏe mạnh, an toàn

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 1/11, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã đề xuất ban hành quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân. Theo ông Thức, khám sức khoẻ tiền hôn nhân có tầm quan trọng lớn. Việc này sẽ giúp tìm ra được những bệnh lý truyền nhiễm hay viêm gan B, viêm gan C, giang mai… đặc biệt là các bệnh lý di truyền, tim. Trong thực tiễn hành nghề, ông cho hay từng chứng kiến những trường hợp tới khi đi sinh người phụ nữ mới biết được mình bị hẹp van tim nặng hoặc suy tim, suy thận, trong khi những vấn đề này hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khoẻ tiền hôn nhân.

Giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững - ảnh 1
Phường Thạch Bàn, quận long Biên tổ chức hội nghị truyền thông cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho đoàn viên thanh niên
 

Thực tế, theo các chuyên gia trong ngành dân số, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho đến nay vẫn còn chưa thực sự được chú ý. Rất nhiều cặp đôi đã bỏ ra không ít công sức để chuẩn bị cho một lễ cưới công phu. Tuy nhiên, khám sức khỏe tiền hôn nhân - một việc làm thực sự cần thiết thể hiện trách nhiệm đối với bản thân, với bạn đời và với con cái sau này – thì vẫn chưa được các cặp đôi coi trọng đúng mức. Một phần họ bận rộn hay chủ quan đối với sức khỏe, một phần cho rằng như vậy là… không tin tưởng đối phương. 

Song song với việc cung cấp thông tin, việc chuẩn bị mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng là một thách thức. Muốn làm tốt việc này, phải có nguồn nhân lực y tế có chuyên môn, trình độ trong lĩnh vực khám sức khỏe tiền hôn nhân, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.

Hà Nội tăng cường truyền thông, tư vấn về khám sức khỏe tiền hôn nhân

Theo thống kê của Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu được đặt ra trong năm 2023 là 50%.

Mới đây, Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tư vấn về khám sức khỏe cho các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn.

Các đơn vị này tuyên truyền, thông tin về nội dung khám sức khỏe trước khi kết hôn với nhiều hình thức như qua hội nghị, hội thảo, giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, hội thi, nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; phát thông điệp, phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình...

Giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững - ảnh 2
Năm 2023, quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai và nhân rộng 5 mô hình truyền thông thông nâng cao chất lượng dân số, trong đó có Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tại các trường học... và giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Trên cơ sở đó, ngành y tế quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có các bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh.

Có nhiều ví dụ cho thấy hiệu quả của mô hình nói trên tại các địa phương. Chẳng hạn, quận Thanh Xuân đã triển khai hiệu quả Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại 3 phường Khương Trung, Khương Mai và Thượng Đình. Đối tượng tham gia là thanh niên ở độ tuổi chuẩn bị kết hôn đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn quận. Tính đến nay, các phường triển khai mô hình này đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức 15 buổi truyền thông, giao lưu cho cho trên 1.500 thanh niên tham dự.

Thông qua các hoạt động tư vấn, các bạn trẻ nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh di truyền... Sau các buổi tuyên truyền, các cặp đôi đã được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống sau hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe thật tốt để chào đón những đứa con khỏe mạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cao tuổi quận Tây Hồ: Sáng mãi tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng“

Người cao tuổi quận Tây Hồ: Sáng mãi tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng“

(PNTĐ) - Tây Hồ - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa còn tự hào với những đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của lớp lớp người cao tuổi. Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ đã và đang khẳng định vai trò là tổ chức xã hội uy tín, nơi các bậc cao niên tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, Thủ đô.
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.