Gỡ khó để người dân mưu sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Sau khi lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, các quận nội thành tại Hà Nội đang tính đến các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh dựa vào vỉa hè bị ảnh hưởng.

 
Gỡ khó để người dân mưu sinh - ảnh 1
Vỉa hè phố Hoàng Hoa Thám thông thoáng, hàng hóa
được bày gọn trong cửa hàng
 
Xử lý mạnh tại các điểm nóng
 
Phố Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy nhiều năm trước, vỉa hè có cũng như không. Chợ Xanh nằm ngay đầu phố hoạt động tấp nập từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Ăn theo chợ, rất nhiều hộ thuê cửa hàng, bám mặt phố kinh doanh chiếm dụng lòng đường cho khách để xe, lấn hết vỉa hè bày hàng, thậm chí, một số hộ còn tận dụng cả biển số nhà, biển báo giao thông để treo đồ. Con phố này gần như mất đi chức năng lưu thông trong giờ cao điểm vì thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Người dân ở đây còn bức xúc hơn khi một bãi trông giữ xe trái phép ngày càng mở rộng và hoạt động công khai.
 
Thực hiện đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị, trật tự giao thông, phường Dịch Vọng Hậu đã tập trung lực lượng lớn (gần 200 người) xử lý dứt điểm hai tồn tại trên. Với điểm trông giữ xe trái phép, phường đã lập biên bản, xử lý hành chính, trường hợp cố tình vi phạm sẽ tạm giữ phương tiện. Với các hộ kinh doanh lấn chiếm không gian chung, lực lượng của phường đã yêu cầu ký cam kết đồng thời giải tỏa tất cả mái che, mái vẩy, kệ hàng… Đồng thời, ít có địa phương nào như Dịch Vọng Hậu phải bố trí lực lượng chốt trực tới 4 ca trong ngày tại điểm nóng vi phạm này (từ 6h30 - 11h, 11h – 14h, 14h - 19h và 19h - 22h) để giám sát cũng như dần dần tạo thói quen chấp hành các quy định của cơ sở kinh doanh và người mua hàng.
 
Vì vậy, phố Phan Văn Trường những ngày cuối tháng 3 đã thông thoáng và phong quang hơn, người dân đã có thể đi bộ, đi xe thoải mái hơn trong những giờ cao điểm. Một số hộ kinh doanh mấy ngày đầu còn nghe ngóng, tìm đủ cách đối phó, thấy bóng lực lượng chức năng là đẩy hàng vào trong, sau đó lại đẩy ra hè phố đã phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định.
 
Vỉa hè lòng đường trên phố Hoàng Hoa Thám, đoạn chợ Bưởi cũng đã từng bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh hoa cây cảnh và để phương tiện, nhất là trong những ngày cuối tuần, lượng người đổ về rất đông. Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay, đoạn phố này đã thông thoáng hơn rất nhiều. “Để có được kết quả này, chính quyền phường Bưởi, quận Tây Hồ và phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình đã triển khai thực hiện việc lập lại trật tự đô thị một cách bài bản và có lý có tình. Từng hộ kinh doanh ở mặt phố được rà soát diện tích nhà ở trên sổ đỏ rồi đối chiếu với thực tế, hộ nào lấn chiếm bao nhiêu, xử lý bấy nhiêu. Những đoạn vỉa hè trước đây bị chiếm dụng để bày hàng, lực lượng chức năng chốt trực thường xuyên, kể cả ngày cuối tuần để xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm.

Duy trì kết quả: cần giải pháp căn cơ
 
Những điểm nóng như trên với những vi phạm đã tồn tại nhiều năm tại các quận nội thành khác cũng đã cơ bản được xử lý. Các hộ kinh doanh đã chấp hành nghiêm quy định của TP, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ, lòng đường đã được “giải phóng” thông thoáng. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban chỉ đạo 197 TP, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội cũng đang vấp phải nhiều khó khăn khách quan. Nguy cơ tái lấn chiếm tại một số nơi vẫn còn cao, nhất là khi không có mặt lực lượng chức năng. Vì vậy, cùng với việc xử lý nghiêm các vi phạm,  các quận nội thành tại Hà Nội đang tính đến các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ chống tái lấn chiếm.
 
Tại quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, một số hộ nghèo kinh doanh nhỏ lẻ (hàng nước, bán hàng mang đi không cho khách ngồi ăn uống tại chỗ) được phép tạm tồn tại trên diện tích không quá 2m2 ở vỉa hè; những hộ còn lại nếu thuộc diện khó khăn thì sắp xếp vào kinh doanh tại phố đi bộ, khu phố cổ. Theo thống kê ban đầu, quận có trên 190 hộ nghèo, trong đó 33 hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu kinh doanh ở vỉa hè. Tại quận Ba Đình, một số phường đã yêu cầu các hộ khó khăn, bán hàng trên vỉa hè chuyển vào các ngõ có mặt bằng rộng, cam kết bày hàng gọn gàng, ngăn nắp, không ảnh hưởng đến đi lại của các hộ xung quanh.
 
Một số địa phương khác, nhu cầu xây dựng điểm trông xe cho người dân kinh doanh và mua sắm lại khá cấp bách. Tại phường Dịch Vọng Hậu, ông Tống Xuân Duy – Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: khu vực phố Phan Xuân Trường có hơn 250 hộ kinh doanh, điểm trông xe trái phép bị giải tỏa nhưng chưa bố trí được điểm trông giữ phương tiện mới nên người dân vẫn còn phải đi xe vào phố, dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường để mua hàng. Không thể căng mãi sức người để chốt 4 ca nên về lâu dài, các đơn vị có chức năng xem xét bố trí điểm trông giữ phương tiện trong khu vực để đảm bảo nhu cầu của người dân.
 
Theo khảo sát của PNTĐ, tại một số điểm trên phố Phan Văn Trường, người dân có diện tích nhà, đất rộng đã tổ chức trông giữ xe. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều điểm khác trên địa bàn, việc trông xe này là tự phát và có nguy cơ bị xóa bỏ do không thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ tài chính theo quy định. Vì vậy, đại diện các phường mong muốn, các sở ngành chức năng của TP sớm hoàn thiện có cơ chế tài chính, tạo thuận tiện cho các hộ trông giữ xe.

Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

(PNTĐ) - Hiện nay, ở nhiều thư viện ở các trường đại học vẫn thu hút được nhiều sinh viên đến phòng đọc, tuy nhiên hình ảnh lật giở từng trang sách giấy như trước đây không còn nhiều mà thay vào đó sinh viên sử dụng laptop để đọc sách số, lướt web,...
Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

(PNTĐ) - Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, là  cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.
Phụ nữ huyện Thanh Trì đồng diễn dân vũ mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì đồng diễn dân vũ mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn 4.000 nghìn hội viên, phụ nữ 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì đồng loạt thực hiện màn đồng diễn dân vũ. Đây là những màn đồng diễn được thực hiện trên nền nhạc 3 ca khúc "Qua miền Tây Bắc", "Chiến thắng Điện Biên" và "Inh lả ơi".
Phụ nữ Ba Đình đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Ba Đình đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5, tại vườn hoa Vạn Xuân (Ba Đình, Hà Nội) Hội LHPN quận Ba Đình đã tổ chức đồng diễn dân vũ với sự tham gia của đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn quận. Dự chương trình có  đồng chí Nguyễn Thị Hiền Thúy - UVTV, Chánh Văn phòng Hội LHPN thành phố Hà Nội; đồng chí Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình và đại diện lãnh đạo hội phụ nữ cơ sở.