Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa - ảnh 1
Cụ Đỗ Thị Vấn đưa con cháu đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – nơi lưu giữ những hiện vật, câu chuyện về những nữ chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày xưa bà tham gia đánh giặc
Năm nay đã 94 tuổi, nhưng những ký ức hào hùng của 70 năm về trước vẫn còn chảy mãi trong trái tim cụ Đỗ Thị Vấn, nguyên chiến sĩ Đội điều trị 3 (tiền thân Bệnh viện Quân y 103). Khi đó, cụ Vấn mới 24 tuổi, làm nhiệm vụ hậu cần, chăm sóc các thương bệnh binh. “Thời điểm ấy là cuối tháng 3/1954, trong 10 ngày, bộ đội ta đã hoàn thành gần 100km đường hào trục, bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiến sát căn cứ của địch”.

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng quân y bao gồm các Đội điều trị 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 đóng tại Bản Tấu, Mường Ảng và các trạm chuyển thương dọc theo tuyến đường từ Cò Nòi đến Tuần Giáo. Tỷ lệ chị em y sĩ, y tá, dược tá ở các đội điều trị xấp xỉ 1/3 quân số. Đa số chị em đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu từ 19 đến 23 tuổi, đều là sinh viên y khoa những khóa đầu tiên. Cụ Vấn ở đội điều trị 3, khi đó phục vụ trực tiếp các trận đánh ở đồi Độc Lập, Bản Kéo, Nà Tấn, Mường Phăng. 

Cụ Vấn kể: “Đội được chia làm 3 khu: Trọng thương, trung thương và kinh thương. Tôi làm việc ở khu trọng thương, nơi tiếp nhận những thương binh đầu tiên được chuyển về từ chiến trường, sau đó mới phân loại chuyển sang các khu khác”.

Dù đã ngoài 90, cụ Vấn vẫn nhớ mãi những ngày mang sữa, cháo, nhường chăn đắp, quần áo cho thương binh, khi lại băng rừng tìm rau xanh. Không những thế, trang thiết bị y tế thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ, lực lượng quân y làm việc trong môi trường khó khăn trăm bề, không đảm bảo điều kiện ánh sáng. Công tác cứu chữa thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đòi hỏi các đội điều trị phải cố gắng chăm sóc để thương binh mau chóng hồi phục sức khỏe, sớm trả lại quân số chiến đấu cho các đơn vị. Càng trong hoàn cảnh ác liệt của chiến trường thì càng thấu hiểu được những thiếu thốn khó khăn, vất vả mà chị em đã trải qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điên Biên Phủ, cụ Vấn đã đưa con cháu đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nơi lưu giữ những hiện vật, câu chuyện về những nữ chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ muốn con cháu mình sẽ tiếp nối truyền thống năm xưa của các bà, các mẹ, viết tiếp những trang sử  hào hùng trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. 

Con cháu nguyện viết tiếp truyền thống 
Bà Nguyễn Thị Thuý Nga, con gái Đại uý hậu cần Đỗ Thị Vấn kể rằng, bà cùng các anh chị em sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ đều là những chiến sĩ Điện Biên. “Bố tôi đi bộ đội năm 1947. Năm 1951, cụ được sang Trung Quốc học sử dụng vũ khí, sau đó cụ kéo pháo từ Trung Quốc về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lớn lên trong truyền thống ấy, chúng tôi được mẹ dặn rằng, dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn tới mấy, cũng phải cố gắng học hành, không được chây lười để sau này tiếp tục dạy các con, các cháu mình nên người. Chúng tôi hiểu rằng, hoà bình tươi đẹp như ngày hôm nay, là bởi được đánh đổi bằng những sự hy sinh không thể đong đếm. Chúng tôi rất tự hào vì đóng góp của cha mẹ mình đã góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Khi được hỏi đâu là trận chiến ấn tượng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, em Nguyễn Thu An, học sinh lớp chuyên Lịch sử Trường trung học phổ thông Hà Nội - Amsterdam, quản trị viên (admin) dự án lịch sử “Le Retour Nostalgique” (Tạm dịch: “Sự trở lại đầy hoài cổ) không ngần ngại trả lời ngay, đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, một sự kiện em tự tìm hiểu từ năm lớp 8. Dự án được hoạt động theo hình thức, các thành viên tự tìm hiểu và tổng hợp kiến thức từ nguồn thông tin uy tín, sau đó diễn đạt lại theo cách hiểu của bản thân bằng ngôn ngữ dễ hiểu. “Ánh sao vàng trên đồng cỏ xanh” là một trong những bài viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được đăng trên facebook của nhóm. 

Thu An cho hay, chiến dịch Điện Biên Phủ là một mốc son đặc biệt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, vì thế năm nào nhóm cũng xem dịp kỷ niệm là dịp quan trọng để đăng tải các bài viết. Cách thức viết bài cũng không đơn thuần là liệt kê những con số, ngày, tháng, năm..., mà còn dưới nhiều góc nhìn đa chiều, dựa trên sự tìm tòi học hỏi trong sách vở, chuyến đi đến các bảo tàng, tham vấn của các thầy cô, chuyên gia... 

Thu An chia sẻ: “Là thế hệ sinh ra trong thời bình, nhưng được chứng kiến các cụ, bà đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, chúng cháu luôn tự nhủ hãy tiếp bước truyền thống hào hùng ấy. Với cháu, đó là cách đưa lịch sử đất nước đến với các bạn trẻ khác một cách thật nhẹ nhàng, giống như lời của cụ, của bà đang kể cho con cháu”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ beauty blogger nổi tiếng Hannah Olala quyên góp 1 triệu USD cho UNICEF Việt Nam

Nữ beauty blogger nổi tiếng Hannah Olala quyên góp 1 triệu USD cho UNICEF Việt Nam

(PNTĐ) - UNICEF chính thức gửi đi thông tin ngày 17/5 về việc bà Hannah Nguyễn – hay còn được biết đến với tên Hannah Olala – chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhà Tài trợ Toàn cầu của tổ chức này. Hannah Olala là một CEO kiêm KOL - beauty blogger, người truyền cảm hứng rất thành công ở Việt Nam.
Quận Tây Hồ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quận Tây Hồ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), ngày 16/5, đoàn đại biểu do đồng chí Nguyễn Lê Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ làm trường đoàn đã tới dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng).
Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông

Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông

(PNTĐ) - Phố Lãn Ông là con phố nổi tiếng tại Hà Nội, với bề dày lịch sử lâu đời và nghề truyền thống chủ đạo là kinh doanh thuốc Đông y. Đây cũng là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội vẫn giữ được nghề truyền thống. Sau hàng trăm năm lịch sử, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc Đông y nổi tiếng tại Thủ đô.