Hà Nội: Hàng hóa dồi dào trong giãn cách xã hội đợt 3

Chia sẻ

Trong thời gian tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9/2021 (đợt 3 tính từ ngày 24/7), theo Sở Công Thương TP Hà Nội, Hà Nội sẽ đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đầy đủ, hình thức phân phối linh hoạt. Vì vậy, người dân không cần tích trữ, gây khan hiếm cục bộ trong thời điểm dịch bệnh.

Người dân ở đâu, mua thực phẩm ở đó

Thực hiện giãn cách xã hội, một số chợ tạm, cửa hàng kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm tạm dừng hoạt động. Để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, theo ông Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng Kinh tế quận, 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã kích hoạt, kiện toàn Tổ cung ứng sẵn sàng các nguồn lực đảm bảo cung ứng hàng hóa, nông sản thiết yếu cho người dân. Ngoài 6 phường đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh… những địa bàn còn lại, phòng Kinh tế đã tham mưu UBND quận tổ chức các điểm bán hàng, xe cung ứng nhu yếu phẩm lưu động, điểm bán hàng dã chiến tại các địa bàn dân cư phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của từng địa phương, không để người dân vì thiếu thực phẩm, vượt chốt, sang khu vực khác mua hàng.

Cán bộ Hội Phụ nữ phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm tiếp nhận đơn hàng và chuyển cho các gia đìnhCán bộ Hội Phụ nữ phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm tiếp nhận đơn hàng và chuyển cho các gia đình (Ảnh: Hạnh Lê)

Tại phường Hàng Bồ, nhiều năm nay, người dân ở các phố Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Mã… thường mua thực phẩm của các hộ kinh doanh trên phố Hàng Vải. Thực hiện giãn cách xã hội, các hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động nhưng việc cung ứng thực phẩm cho nhân dân trong phường không bị gián đoạn nhờ mô hình xe cung ứng nhu yếu phẩm lưu động do quận Hoàn Kiếm phối hợp với một đơn vị phân phối thực phẩm thực hiện. Bà Phạm Huyền Anh - Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: Trên địa bàn phường có 6 chi hội, qua các nhóm zalo, các chi hội trưởng cung cấp tới hội viên và các gia đình danh sách lương thực thực phẩm cung ứng, hướng dẫn cách thức đặt hàng qua mạng xã hội. Sau đó Hội phụ nữ phường tổng hợp đơn hàng, gửi thông tin đặt hàng tới đơn vị cung ứng. Một tuần ba lần, hàng hoá thực phẩm theo đơn hàng của bà con đặt trước được chuyển đến các khu phố, các chi hội trưởng tiếp nhận hàng hóa và chuyển đến cho hộ gia đình tại điểm giao nhận. Đến nay, Hội LHPN phường tiếp nhận và chuyển 40 đơn hàng với nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu đến các gia đình hội viên và nhân dân. Các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả đều được bao gói sạch sẽ, tem nhãn đầy đủ thông tin và giá thành sản phẩm, vận chuyển bằng xe chuyên dụng nên chất lượng hàng hoá đảm bảo.

Tại phường Hàng Mã, người dân mua thực phẩm hàng ngày có thể đến “điểm bán hàng dã chiến” tại số nhà 90 phố Hàng Mã. Cửa hàng nhỏ, chủ yếu bán lương thực thực phẩm thiết yếu, được đóng gói sẵn, có gắn tem mác đầy đủ. Phía ngoài cửa hàng có lắp vách ngăn trong; người bán đặt hàng và người mua trả tiền trên chiếc bàn nhựa, hạn chế tối đa tiếp xúc. Tại điểm bán hàng này, thực phẩm tươi sống được giao hàng ngày; còn hàng khô giao 1 tuần/lần. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở phố Hàng Khoai cho biết: Các loại thực phẩm hàng ngày được bán tại đây cung cấp đủ cho nhu cầu của người dân, quầy hàng sạch sẽ, văn minh, giá bán cao hơn so với chợ dân sinh khoảng 10% nhưng ở mức chấp nhận được trong mùa dịch. Trên địa bàn quận, 2 điểm bán hàng dã chiến tương tự được mở tại 63 Hai Bà Trưng và 36 Trần Hưng Đạo.

Mở rộng các điểm bán hàng lưu động, giá cả ổn định

Nhằm giãn cách tránh tập trung đông người đến chợ dân sinh, một số địa phương đang mở rộng các điểm bán hàng lưu động tại các khu dân cư. Địa điểm lựa chọn để tổ chức bán hàng thường là trường học, nhà văn hoá. Tại quận Ba Đình, hiện có 8 điểm bán hàng an toàn phục vụ nhân dân 14 phường trên địa bàn quận. Các điểm bán hàng an toàn đều được đặt tại các trường học, bán hàng vào các buổi sáng, tất cả hàng hoá cung cấp là lương thực thực phẩm đều được bao gói cẩn thận. Với khuôn viên trường học rất rộng, việc tổ chức bán hàng đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch 5K. Người dân tham khảo danh sách và giá bán sản phẩm trên các tấm bảng niêm yết, ghi các loại hàng hoá cần mua vào phiếu mua hàng, gửi ra quầy để nhân viên bán hàng chuẩn bị và ngồi chờ đến lượt nhận hàng để đảm bảo giãn cách. Sau mỗi buổi bán hàng, khuôn viên trường học đều được vệ sinh, phun khử khuẩn. Chị Nguyễn Bích Vân ở nhà B, khu tập thể Thành Công đánh giá mô hình là phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh do ở đây chỉ có chợ Thành Công, người dân ở các nơi thường tập trung mua hàng đông. Còn theo phòng Kinh tế quận, đến nay, đã có hơn 2.000 lượt người đến mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động.

Gian hàng 0 đồng phục vụ miễn phí cho người dân khó khănGian hàng 0 đồng phục vụ miễn phí cho người dân khó khăn (Ảnh: Vân Nga)

Khảo sát của phóng viên ngày 22/8, tại các hệ thống siêu thị tại Hà Nội như Mega Mart, BigC, Aeon, Coop.mart, các chợ Hà Đông, Nghĩa Tân, các cửa hàng tiện lợi… nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, và không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi. Tại chợ Hà Đông, giá thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, thịt thăn, sườn non 160.000 đồng/kg, thịt bò từ 260.000-350.000 đồng/kg, thịt gà 120.000-140.000 đồng/kg…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội (Hà Đông), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để bảo đảm nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông, thủy sản, 5 triệu khẩu trang và một lượng lớn nước rửa tay khử khuẩn. Giá các loại hàng hóa ổn định không tăng.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, lượng hàng thiết yếu đã tăng gấp 300 lần so với bình thường, sẵn sàng phục vụ người dân. Đối với hệ thống siêu thị Vinmart, theo ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vinmart miền Bắc với hệ thống 800 điểm bán hàng và 51 siêu thị lớn tại Hà Nội, Vinmart đang trữ kho tại chỗ không để xảy ra tình trạng trống kệ. 

Hệ thống phân phối trên toàn thành phố có 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, trên 20.000 cửa hàng hóa, 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân. Bưu điện Hà Nội tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu; các quận, huyện, thị xã; Viettel Post 41 điểm; sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố luôn chủ động chuẩn bị nguồn cung, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng. Các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5-2 lần. Một số cơ sở chế biến tiếp tục tăng công suất, có doanh nghiệp tăng 200%… 

Theo bà Trần Thị Phương Lan, toàn thành phố có 40 điểm bán hàng lưu động tại các quận: Ba Đình (8 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Hai Bà Trưng (6 điểm), Long Biên (4 điểm), Nam Từ Liêm (4 điểm), Thanh Xuân (3 điểm), Hoàn Kiếm (1 điểm), Cầu Giấy (1 điểm), Bắc Từ Liêm (1 điểm). Các hệ thống siêu thị cũng nhanh chóng thực hiện các điểm bán hàng lưu động. 

Tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình cung ứng hàng hóa phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân như: Ở khu nhà trọ đông dân cư, nhu yếu phẩm thiết yếu được mang đến tận nơi để công nhân thực hiện đúng nguyên tắc 1 cung đường, 2 điểm đến, chỉ đi làm và về nhà, không phải đến chợ mua hàng. Ở nhà văn hóa của các khu dân cư trở thành điểm cung ứng hàng để kiểm soát số lượng người đi chợ...

Sở Công Thương cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ trên địa bàn đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô. Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm bán hàng bằng xe buýt, đó là: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Mỹ Đức, Ứng Hòa; có 10 doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động bằng ô tô như: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong…

Để bảo đảm việc phân phối, lưu thông hàng hóa được thông suốt, Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã QR code đăng ký luồng xanh 2.192 xe ô tô vận chuyển hàng hóa, cấp mã xác nhận cho 9.822 xe mô tô, xe hai bánh phục vụ giao nhận hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp phân phối và thương mại điện tử.

ĐỨC HẠNH - HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.