Hành động để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, cần nâng cao nhận thức, tạo ra môi trường an toàn và tin cậy cho trẻ em, đồng thời trang bị cho bậc cha mẹ những kiến thức cần thiết để nhận biết và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ xâm hại.

Hãy dũng cảm lên tiếng

Còn nhớ, năm 2024, một bé gái 15 tuổi ở một huyện ngoại thành Hà Nội có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, nhưng hơn 1 năm sau, vụ việc vẫn đi vào ngõ cụt vì thiếu chứng cứ.

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án này, cơ quan điều tra không đủ căn cứ xác định người bị tố cáo có hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, bởi đối tượng tình nghi không thừa nhận hành vi xâm hại tình dục cháu bé; các nhân chứng chứng kiến buổi gặp gỡ giữa vợ con của đối tượng tình nghi này với gia đình cháu bé chỉ xác nhận có buổi gặp mặt giữa hai bên, không nắm được nội dung trao đổi giữa hai gia đình.

Quá trình điều tra, cháu bé có lời khai không đồng nhất, kết luận giám định không tìm thấy các chứng cứ vật chất chứng minh đối tượng tình nghi đã xâm hại tình dục cháu...

Điều đáng nói trong vụ án này là sau khi sự việc xảy ra, gia đình đối tượng tình nghi đã đến gặp gỡ, xin lỗi gia đình bị hại và mong muốn được đền bù với số tiền 50 triệu đồng nhưng sau đó không thực hiện. Đến lúc đó, gia đình bị hại mới làm đơn tố cáo vụ việc lên cơ quan công an thì đã xảy ra đến… nửa năm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội kể, anh cũng từng nhận được vụ việc một cháu bé 12 tuổi bị xâm hại tình dục, nhưng mẹ cháu bé lại không dám tố cáo vì hung thủ chính là… bố của cháu bé. Theo đó, sau khi bị xâm hại tình dục nhiều lần, cháu bé  kể lại sự việc cho bạn học và cô giáo. Giáo viên chủ nhiệm đã rất bức xúc nên trình báo vụ việc cho cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, mẹ cháu bé lại phản đối quyết liệt vì sợ “ảnh hưởng đến danh dự gia đình” và xin được “giải quyết nội bộ”. Do đó, cơ quan tố tụng không thể đưa cháu bé đi giám định thương tật để đưa vụ việc ra điều tra, xét xử.

Hành động để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại - ảnh 1
Mô hình làng quê an toàn của Hội LHPN Hà Nội thành lập đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Luật sư Hùng lo ngại, nguyên nhân khiến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn trong bóng tối một phần do mọi người sợ xấu hổ và mang tiếng nên giữ kín. Hơn nữa, nạn nhân đa số là người yếu thế, nhận thức xã hội còn chưa cao, ngại va chạm với cơ quan tố tụng nên nếu thoả thuận được thì sẽ giải quyết trong im lặng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc phát hiện muộn, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì các bằng chứng đã bị xoá bỏ, không còn lưu giữ…

Theo Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an: Nguyên nhân dẫn đến vụ việc khó xử lý là nguồn thông tin về tội phạm đến với cơ quan điều tra thường bị chậm trễ, mất thời gian tính, mất cơ hội thu giữ được các chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm.

Lý do trước hết là bởi nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em là người dưới 16 tuổi, còn non nớt, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, khả năng nhận thức về xã hội và pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, trong nhiều vụ án trẻ không ý thức được việc mình đã bị xâm hại để kể với cha mẹ, thầy cô giáo hay trực tiếp đi báo án. Cũng có vụ nạn nhân bị thủ phạm đe dọa hay mua chuộc, dụ dỗ, nên càng không dám nói ra sự thật.

Có cháu do xấu hổ nên không dám kể chuyện đã xảy ra với mình cho người khác. Bản thân cha mẹ của trẻ, ở vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí thấp cũng không biết được thế nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em để trình báo với chính quyền. Những yếu tố này dẫn đến tình trạng khi thông tin tội phạm đến với cơ quan chức năng thì sự việc xảy ra đã qua nhiều ngày tháng, những dấu vết vật chứng quan trọng giúp cho việc truy nguyên thủ phạm không còn nữa.

Thượng tá Đào Trung Hiếu còn đưa ra số liệu thống kê: Có tới 73% số thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Đây là một trong những lý do chủ quan khiến loại tội phạm này khó hoặc chậm trễ khi xử lý. “Vì danh dự gia đình, dòng tộc, có những vụ người dân chọn cách “xử lý nội bộ”, hoặc “phạt vạ” bằng đồ vật, tài sản... rồi “xí xóa”, bỏ qua tội lỗi cho thủ phạm.

Điều này khiến thông tin vụ án không đến được cơ quan chức năng, tội phạm không được phát hiện và vẫn tồn tại trong cộng đồng, trở thành "tội phạm ẩn", chứa đựng nguy cơ tái phạm” – Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Hành động để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại - ảnh 2
Hội LHPN Hà Nội tổ chức phiên toà giả định phòng ngừa xâm hại, bạo lực cho học sinh.

Vai trò giám sát và bảo vệ con cái của bố mẹ phải được đặt lên hàng đầu

Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hội thi, sự kiện truyền thông về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên tòa giả định; nâng cao nhận thức, kỹ năng trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại và xây dựng, vun đắp giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Thủ đô; tập huấn phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em; phối hợp giải quyết đối với các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ trẻ em…

Bên cạnh đó, Hội triển khai các mô hình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; mô hình “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”... Hội và các cấp Hội đã chủ động nắm bắt thông tin, vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em, qua đó thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phối hợp xác minh, lên tiếng kịp thời, đề xuất các cơ quan giải quyết vụ việc bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em…

Bàn về giải pháp để bảo vệ trẻ em trước “vấn nạn” trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, ngoài việc tích cực, phối hợp tuyên truyền giữa các ban ngành, đoàn thể, quan trọng vẫn là mỗi gia đình cần quan tâm, để ý và giáo dục con cái. Trong mỗi gia đình, vai trò giám sát và bảo vệ con cái của bố mẹ phải được đặt lên hàng đầu. Quan sát các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của trẻ để có hướng xử lý phù hợp.

Phụ huynh phải dạy cho con mình ngay từ bé biết ai là người được phép tiếp cận và có thể chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Ngoài bố mẹ, bác sĩ chữa bệnh có bố mẹ giám sát, thầy cô giáo giúp đỡ khi bệnh tật… thì không có ai khác được đụng chạm vào các bộ phận kín trên cơ thể mình. Nếu xảy ra, phải biết la hét, bỏ đi và báo ngay cho bố mẹ biết.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng khuyến cáo, để góp phần giúp cho quá trình điều tra của lực lượng chức năng đạt hiệu quả, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý: Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cơ thể của trẻ, bố mẹ không được cho đi tắm, giặt, mà phải cần giữ nguyên bộ quần áo trẻ đang mặc, rồi khẩn trương đưa trẻ đi khám thương, giám định tổn thương sản khoa, ghi nhận dấu vết thương tích trên cơ thể. Đồng thời trình báo ngay với chính quyền, cơ quan công an gần nhất. Làm vậy thì những dấu vết của tội phạm mới được kịp thời thu thập để chứng minh tội phạm.

Về mặt pháp luật, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Đoàn luật sư TP Hà Nội kiến nghị: Cần sửa đổi quy định đối tượng bị xâm hại trong các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em là bao gồm cả đối tượng trẻ em từ 16 đến 18 tuổi. Luật Trẻ em định nghĩa “trẻ em” là người dưới 16 tuổi.

Như vậy được hiểu là các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ đặc biệt sẽ dành cho các nạn nhân xâm hại tình dục là trẻ em chỉ áp dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi và không bao gồm đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi. Việc Luật Trẻ em quy định tuổi trẻ em như trên là không phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em vì theo Công ước định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ khi luật pháp quốc gia quy định độ tuổi thành niên sớm hơn.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định cụ thể đối với những nội dung còn chưa rõ ràng và thống nhất, như: Làm rõ định nghĩa về “giao cấu” và “các hành vi quan hệ tình dục khác”; xử phạt tất cả các hình thức xâm hại tình dục (có tiếp xúc trực tiếp và không tiếp xúc trực tiếp);…

Đặc biệt, với loại tội phạm dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, cần có quy trình đặc biệt để xét xử; nếu đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất "bất cập", bởi nếu không xử lý nhanh, có thể gây tổn thương hơn cho các em…

Tin cùng chuyên mục

Nâng tầm Thủ đô giàu bản sắc, sáng tạo từ lễ hội truyền thống

Nâng tầm Thủ đô giàu bản sắc, sáng tạo từ lễ hội truyền thống

(PNTĐ) - Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến, không chỉ ghi dấu bởi chiều sâu lịch sử, mà còn bởi những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Những lễ hội không chỉ là dịp để cộng đồng cùng nhau hướng về nguồn cội, mà còn là "tài nguyên mềm" quý giá, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và nâng tầm hình ảnh Thủ đô hòa bình, sáng tạo trong tiến trình hội nhập.