Khuyến khích phụ nữ hoạt động khoa học, góp phần phát triển Thủ đô
(PNTĐ) - Thời gian qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Qua đó, chị em nữ trí thức có nhiều cơ hội tham gia đóng góp vào hoạt động khoa học và công nghệ và góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố sáng tạo ngày một phát triển.
Đội ngũ nữ trí thức hiện nay, tuy số lượng không đông như nam giới, nhưng đã và đang tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Những đóng góp của chị em không kém gì nam giới. Chúng ta rất tự hào bởi có nhiều nhà khoa học được giải thưởng lớn trong nước và quốc tế là chị em phụ nữ.
Nữ trí thức Thủ đô tích cực tham gia phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe, quản lý tài chính... góp phần nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân... Bên cạnh đó, nữ trí thức Thủ đô cũng tham gia vào các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Với chuyên môn nghề nghiệp, tâm huyết của người làm khoa học, chị em đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; chủ động tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần vào việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công bố Sách vàng sáng tạo, nhằm tôn vinh, cổ vũ các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả trên lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong cuốn sách này có khá nhiều chị em nữ trí thức, nữ nhà khoa học đã được vinh danh. Năm 2021, có 24/76 công trình có sự tham gia của nữ trí thức được vinh danh, trong đó 13/76 công trình do chị em phụ nữ là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm. Năm 2023, có 28/78 công trình có sự tham gia của chị em phụ nữ được vinh danh, trong đó có 17/78 công trình do chị em làm chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm. Qua đó, cho thấy tiềm năng và đóng góp của chị em đối với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ rất lớn và rất đáng biểu dương.
Phụ nữ làm khoa học đã và đang tham gia vào mọi mặt của đời sống gia đình và xã hội và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, có thể thấy, chị em hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng thường gặp phải những khó khăn nhất định.
Mặc dù Việt Nam đã dần dần thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; Luật Bình đẳng giới được ban hành và đi vào thực tiễn; tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn phổ biến như trước kia, nhưng định kiến giới và rảo cản văn hóa vẫn là một trong những khó khăn không nhỏ đối với phụ nữ hoạt động khoa học và công nghệ. Trong gia đình và ngoài xã hội, việc phụ nữ học hành để đạt được bằng cấp cao đâu đó chưa được ưu tiên như đối với nam giới. Định kiến của xã hội phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của chính chị em. Phụ nữ có những thiệt thòi nhất định về trình độ, năng lực và do đó hạn chế hơn trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, phụ nữ đã dành quỹ thời gian khá lớn trong cuộc đời mình vào việc chăm sóc gia đình, con cái. Đặc biệt, độ tuổi từ 25 - 45 là độ tuổi phụ nữ dành phần lớn thời gian cho việc sinh con, chăm sóc, nuôi dạy con cái, nhưng đây cũng chính là độ tuổi vàng để đạt được những đỉnh cao trong lao động và sáng tạo. Do vậy, phụ nữ đã mất nhiều cơ hội để có thể học hành, nâng cao năng lực và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Để ghi nhận và tôn vinh phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời khuyến khích chị em tiếp tục có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng Thủ đô - Thành phố hòa bình, sáng tạo rất cần các cơ quan hoạch định chính sách tiếp tục quan tâm, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong việc trọng dụng, đãi ngộ đối với các nữ trí thức, nhất là đối với nữ cán bộ khoa học đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao.
Đồng thời, với vai trò là tổ chức tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nên chăng, Hội LHPN Hà Nội cần có thêm các nghiên cứu, qua đó đề xuất với lãnh đạo Thành phố có thêm các hình thức ghi nhận, tôn vinh nữ trí thức có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.