“NƯỚC MẮT” CỦA DI SẢN

Kỳ 2: Khi người dân phố cổ cũng... từ chối nhà cổ

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Rời làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, chúng tôi tiếp tục tìm đến với người dân ở khu 36 phố phường Hà Nội. Và cái kết cũng không có gì mới so với Đường Lâm. Một số người dân đang sở hữu nhà cổ ở phố cổ cũng đang trong tình trạng muốn từ chối hoặc chẳng còn thiết tha với danh hiệu này.

Nhà còn gì cổ đâu mà bảo là cổ

Gần hết cuộc đời, ông Nguyễn Vũ Thành và vợ là Trần Thanh Hà đã sống ở ngôi nhà 15 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm. “Thời cụ tôi, nhà rộng 100 m2 gồm hai lớp, ở giữa là giếng trời lấy sáng. Sau đó, cụ truyền nhà lại cho ông tôi, ông tôi truyền lại cho bố tôi, bố tôi truyền lại cho chúng tôi”. Ông Thành nhẩm tính ngôi nhà gia đình ông đang ở chắc chắn phải hơn 100 năm tuổi.

Ấy thế nhưng, nghịch lý ở chỗ cả hai vợ chồng ông đều không “tâm phục khẩu phục” khi ngôi nhà được đưa vào danh sách nhà cổ cần giữ nguyên trạng để bảo tồn.

 Lý do, theo ông Thành, ngôi nhà chỉ còn cổ ở mặt tiền với phần tường có trang trí họa tiết cổ và 1 cái cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2. Còn lại nhà đều đã được xây sửa, cấu trúc nhà cổ cũng không còn. Phía cuối nhà là khu nhà 2 tầng, nơi ở của các em ông Thành. Cầu thang lên tầng 2 của khu nhà ấy được làm bằng sắt, nằm vắt ngang lòng nhà. Khu giếng trời lấy sáng ngày trước cũng đã bị bỏ từ lâu. Mái ngói của nhà bị thay thế ít nhiều và chụp lên trên là 2 lớp tôn để tránh mưa, nắng.

Kỳ 2: Khi người dân phố cổ cũng... từ chối nhà cổ - ảnh 1
Theo chủ nhân ngôi nhà 15 Hàng Bạc, ngôi nhà chỉ còn... cổ ở mặt tiền và một chiếc cầu thang gỗ bên trong.

Cùng trên phố hàng Bạc, còn có ngôi nhà di sản ở số 47 với khoảng 150 năm tuổi. Nguyên thủy ngôi nhà có lối kiến trúc truyền thống với diện tích khoảng hơn 200m2, chia làm 3 lớp mỗi lớp cao hai tầng, mái dốc lợp ngói vảy rồng, mỗi lớp đều có giếng trời, được đánh giá là một trong những ngôi nhà đẹp nhất của phố cổ Hà Nội. Song, qua thời gian, nhà 47 đã bị xuống cấp trầm trọng… khiến các hộ dân với hàng chục nhân khẩu luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Cùng với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường hàng Bạc, Hoàn Kiếm tới thăm nhà cổ 47 với lời giới thiệu của bà “nhà hiện đã được khắc phục, chống sập rồi”. Thế nhưng, những gì chúng tôi ghi nhận được hiện tại ở nhà 47 chỉ là sự tồi tàn, tối tăm, lộn xộn. Chính giữa nhà cổ là những khung sắt và cột bê tông được chính quyền dựng lên để chống cho nhà khỏi đồ sập. Sát cạnh đó, một ô nhà bị bỏ hoang do chủ nhân đã dọn đi, ô nhà trở thành nơi chất phế thải, đồ không dùng đến.  Bà Bích cho biết, từ  5 hộ dân cư trú, hiện đã có 2 hộ chuyển đi. Song, các hộ này “đi là đi luôn” chứ cũng không mấy khi quay lại chăm sóc “phần di sản” của mình trong nhà cổ. Trừ mặt trước nhà, bên trong, dấu tích vàng son cổ kính gần như không còn hiện hữu ngoài một số “vật chứng” là các cột, kèo, mái nhà… với hoa văn lấp ló.

Kỳ 2: Khi người dân phố cổ cũng... từ chối nhà cổ - ảnh 2
Cột chống bằng xi măng, dầm sắt để chống cho ngôi nhà cổ 47 Hàng Bạc không bị đổ sập

Niềm may hiếm có của “con nhà nghèo”

Đó là cách gọi vui nhưng cũng đầy chua xót của nhiều người dân phố cổ về ngôi nhà 51 Hàng Bạc mà gia đình bà Vũ Bích Vân đang sinh sống. May là vì năm 2003, nhà 51 Hàng Bạc đã được chọn thí điểm cải tạo kiến trúc nhà dân sinh trong khu bảo tồn. “Nhà tôi nghèo chẳng có tiền sửa chữa gì nên ở khổ mà vẫn phải chịu. Có lẽ, vào thời điểm triển khai dự án, nhà còn giữ nguyên hiện trạng cổ kính nên mới được chọn trùng tu còn các nhà cổ khác đã bị “đụng dao kéo”, bà Vân phỏng đoán.

Bà Vân nhớ lại, các chuyên gia đến khảo sát nhà bà rất kỹ, rồi bảo tồn gần như nguyên vẹn ngôi nhà, từ cầu thang, cửa, lan can, trần nhà, cả ô cửa sổ cổ với các song gỗ nhìn xuống đường… Chỉ có chi tiết nào mục nát mới thay mới bằng nguyên liệu phù hợp, ăn khớp hoàn toàn với nhà. Trước đây, số nhà 51 chỉ có 1 nhà vệ sinh chung cho các hộ dân. Dự án đến đã giúp xây thêm thành 3 nhà vệ sinh riêng biệt đủ cho 3 tầng nhà sử dụng. Tổng kinh phí bảo tồn, bà Vân ước tính, từ thời điểm đó, có lẽ cũng phải gần hai tỷ đồng. “Sau khi bảo tồn xong, chúng tôi rất phấn khởi vì nhà vẫn cổ kính mà điều kiện sinh hoạt lại được cải thiện hơn. Đến nay, mấy chục năm đã qua, gia đình bà Vân và các con, cháu vẫn đang giữ gìn ngôi nhà này”.

Kỳ 2: Khi người dân phố cổ cũng... từ chối nhà cổ - ảnh 3
Ngôi nhà của bà Vũ Bích Vân ở 51 Hàng Bạc vẫn còn giữ được nguyên trạng phần lớn các nét cổ kính sau khi được tu sửa

Tuy nhiên, không phải ai “nghèo” cũng may mắn được như gia đình bà Vân. Tại khu phố cổ Hà Nội hiện có vài trăm ngôi nhà cổ nằm ở khắp các phố Hàng Bạc, Hàng Buồm… phải giữ nguyên hiện trạng nhưng số lượng nhà được cấp kinh phí bảo tồn chỉ đếm trên đầu ngón tay như nhà 87 Mã Mây đã hoàn thành việc tôn tạo vào năm 1999 hiện trở thành điểm tham quan nổi tiếng, nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (có từ thời Lê, thế kỷ XVII) được bảo tồn từ năm 2000… Còn lại, nhiều nhà  mỗi ngày một xuống cấp và người dân sống trong đó thì thấy mệt mỏi vì ngôi nhà đã cổ và cũ của mình.

Cố gắng chứng minh nhà không còn cổ, vợ chồng ông Nguyễn Vũ Thành ở 15 Hàng Bạc chỉ nhằm đạt được ý nguyện sẽ được thôi danh hiệu nhà cổ. Chỉ tay sang ngôi nhà kế bên, ông Thành “tị”: “Nhà này chính ra còn “cổ” hơn nhà tôi nhưng lại không “bị” đưa vào “sách đỏ”, thế là họ được sửa chữa, giờ có chỗ khang trang để ở, còn nhà tôi thì động chạm dù nhỏ thôi cũng phải xin phép và đợi được phép”.

“Chúng tôi quá khổ khi ở trong ngôi nhà không còn cổ nhưng lại còn cũ”, ông Thành tâm sự. “Phần sàn gỗ ở tầng 2 hiện đã mục nát. Có lần, con tôi bước trên đó, gỗ bục cả mảng, chân thò lủng lẳng xuống tầng 1”. Mấy năm trước, trong trận mưa to, nước tràn vào nhà như suối, ông Thành nửa đêm phải leo dỡ mái ngói cổ để thông cống, chống dột. Sau đó, ông bị ốm liền mấy tháng mới khỏi. Còn tường nhà, ông Thành cho biết, thời các cụ ông làm nghề bán mắm muối, từng bao muối chất kín dưới tầng 1 nên muối ngấm cả vào tường. Bây giờ, mỗi lần trát tường để chống thấm thì chỉ được một thời gian là lại bong tróc.

“Chúng tôi xin được sửa chữa nhà thì được hướng dẫn là sửa thì phải giữ nguyên trạng, vật liệu cũ ra sao thì vật liệu mới như vậy. Nhưng, nhà tôi làm gì có tiền để làm lại sàn gỗ lim trên tầng 2, mà làm gỗ công nghiệp rẻ tiền thì sàn không vững. Chúng tôi muốn đổ bê tông sàn cho bền chắc, tường bị muối ăn chắc phải đập đi xây mới nhưng không được vì phạm luật”.

Trở lại với câu chuyện “trả lại di tích” của người dân làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây. Có thể thấy, dù sống trong hai khu di tích khác nhau, thuộc hai địa bàn khác nhau, nhưng nỗi niềm của nhiều người dân phố cổ Hà Nội và làng cổ Đường Lâm đều giống nhau. Đó là họ đều đang phải sống mòn cùng di tích. Ngoài tuân thủ Luật Di sản văn hóa, nhà cổ trong khu phố cổ còn được quản lý theo “Quy chế quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ”. Với làng cổ ở Đường Lâm, việc xây dựng, tu bổ nhà cổ cũng cần tuân theo “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm”. Với nhiều các quy định lớp lang, di tích nhà cổ về lý thuyết đang được bảo vệ khá chặt chẽ. Nhưng, với người dân, chính điều này lại đang trói buộc cuộc sống của họ.

“Không phải chúng tôi không yêu nhà cổ, phố cổ. Tôi đã mua nhà cho con ở khu Ocean Park, Gia Lâm nhưng tôi sang đó ở được 2 hôm là phải về lại phố cổ. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, phố cổ đã ngấm vào máu của chúng tôi. Chỉ có điều, cuộc sống khiến chúng tôi không thể đứng im tại chỗ. Được ông cha truyền lại nhà cổ lẽ ra phải là niềm may mắn nhưng hiện nay, với nhiều người, nhà cổ đôi khi lại như rào cản của sự phát triển…”

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm

Tin cùng chuyên mục

Tuyên truyền không sử dụng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh

Tuyên truyền không sử dụng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh

(PNTĐ) -  Trước tình hình hoạt động của hàng loạt các phương tiện xe ba bánh, xe tự chế, xe mô tô kéo theo xe khác chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường gây nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT – Công an Hà Nội) đã cử cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương và tài xế kí cam kết không sử dụng các phương tiện tự chế để chở hàng cồng kềnh, sai quy định.