"NƯỚC MẮT" CỦA DI SẢN

Kỳ 3: Sai lầm “bảo tàng hóa” di sản

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Có thể thấy, tình trạng người dân mệt mỏi với di sản là có thật. Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận thấy các quy định, điều luật cũng như định hướng, giúp người dân tháo gỡ vướng mắc của các cơ quan Nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn. Hệ quả là khi người dân không còn kiên nhẫn để gìn giữ nhà cổ, các di sản của ông cha đã lần lượt biến mất vĩnh viễn trong sự tiếc nuối đến vô cùng.

Phố cổ, làng cổ còn gì khi mất dần nhà cổ

Cũng giống như làng cổ Đường Lâm, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm cho biết, những ngôi nhà cổ vẫn… cổ ở khu phố cổ bây giờ rất hiếm. Bà Bích được sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà số 33 Hàng Bạc cũng có tuổi thọ trên trăm năm, truyền lại từ đời cụ kị. Nhưng, bà chẳng giấu diếm về việc gia đình bà đã “đập hết nhà cổ” đi để xây lại nhà mới. “Ngày trước, nhà của các cụ tôi đẹp lắm, mặt tiền rộng, khoảng giếng trời cũng rộng, lấy sáng cho cả ngôi nhà. Phía sau là nơi ở của người làm. Dần dần, qua thời gian, ngôi nhà 33 bắt đầu bị chia xẻ cho nhiều hộ gia đình khác nữa.

Khi có thêm con cháu, để có chỗ ở, nhà bà Bích đã xây lên 3 tầng, anh trai bà xây nhà 5 tầng. Phần sà gồ của nhà cổ toàn bằng gỗ lim được dỡ ra, đóng thành 2 chiếc tủ quần áo. “Giờ, vết tích của nhà cổ gần như không còn gì, ngoài vật chứng là “mấy chiếc tủ gỗ lim cổ”, bà Bích cho biết.

  
Kỳ 3: Sai lầm “bảo tàng hóa” di sản - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích bên chiếc tủ gỗ lim làm từ sà gồ -vật chứng duy nhất còn lại về ngôi nhà cổ của ông cha.

Song, bà Bích không thấy quá tiếc nuối vì đã không còn giữ lại vết tích của nhà cổ trên 100 tuổi của ông cha. Thậm chí, có lẽ bà cũng như nhiều hộ dân khác còn cảm thấy may vì đã “nhanh chân” xây sửa nhà cổ thì mới có không gian ở rộng hơn cho con cháu trước khi xuất hiện các quy định về bảo tồn và nhà bà biết đâu đấy, có thể bị đưa vào “sách đỏ”. Với hàng vạn nhân khẩu đang sống trong phố cổ, cũng là hàng vạn nhu cầu khác nhau thì việc các nhà cổ đang dần bị cơi nới, thay thế bởi nhà hiện đại, rộng rãi cũng là điều dễ hiểu.

Tương tự, hiện nay, nhiều người cũng nói nhiều đến ngôi làng cổ Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai  đang mất dần các ngôi nhà cổ. Khác với phố cổ Hà Nội và làng cổ Đường Lâm đã được xếp hạng di tích, nhà cổ ở Cự Đà tuy không có “danh hiệu” nhưng lịch sử của làng và những ngôi nhà cổ rõ ràng đều là di sản mang giá trị lịch sử, văn hóa vô giá. Cùng với sự phát triển của cuộc sống, do nhu cầu sinh hoạt, làm ăn, nhiều người dân Cự Đà đã không thể chờ đợi chính sách hay cơ chế bảo tồn mà tự tay phá bỏ nhà cổ để xây nhà mới rộng hơn cho sinh hoạt hay lấy mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Kỳ 3: Sai lầm “bảo tàng hóa” di sản - ảnh 2
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây nằm kề bên một khách sạn cao tầng (Ảnh: H.L).

Câu chuyện nhà cổ đang mất dần trong phố cổ, làng cổ của Hà Nội khiến chúng tôi liên tưởng tới tình trạng tương tự ở Huế với hai khu phố cổ là Bao Vinh, thương cảng của kinh thành Phú Xuân vào đầu thời nhà Nguyễn và khu phố Gia Hội –Chợ Dinh nổi tiếng bậc nhất đầu thế kỷ 19.

Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tồn cùng một số giải pháp khác được đưa ra trước đó nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng di sản của hai khu phố này. Ấy thế nhưng, trái với sự kỳ vọng, năm 2011, khi công chúng để mắt tới thì hai khu phố này đã rơi vào cảnh lụi tàn. Theo thống kê, những năm 1990, khu phố Bao Vinh vẫn còn khoảng gần 40 nhà cổ thì đến năm 2011 chỉ còn 15 nhà. Tương tự ở khu phố cổ Gia Hội, số nhà cổ cũng ít dần và đã bị xóa bỏ, thay thế bằng nhà tầng kiên cố với lối kiến trúc mới. Hồi đáp với báo chí, chính quyền địa phương cho biết, khi nhà cổ xuống cấp, người dân địa phương xin cấp phép sửa chữa nhưng không được chấp thuận. Song họ vẫn dỡ nhà cổ, thay bằng nhà bê tông cốt thép vì chính quyền chẳng cấp kinh phí trùng tu nên chẳng có gì ràng buộc được họ.

Bảo tồn không phải là “đóng hộp” di sản

TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc-công trình, Đại học Phương Đông là người rất quan tâm và đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu việc bảo tồn di sản đô thị. Theo ông những vấn đề mà làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ Hà Nội hay nhiều địa phương khác đang gặp phải trong việc bảo tồn di sản một phần do hệ thống văn bản pháp lý về bảo tồn ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh.

Cụ thể, Luật Di sản văn hóa (đã bổ sung sửa đổi năm 2009) hiện mới chỉ có quy định chính thức công nhận các “di tích“, chưa có tiêu chí công nhận “di sản kiến trúc“, càng không có “di sản đô thị”. Luật cũng không quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức khoa học, các hội chuyên ngành (như Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản..) trong việc giúp cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, đánh giá, nghiên cứu và hoạch định các chính sách liên quan đến di sản. (Hiện nay tùy thuộc cấp di tích mà do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hoặc UBND Tỉnh quyết định công nhận di tích và giao cho Sở quản lý theo Luật Di sản văn hóa).

Theo TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là tích cực (đồng hành) hay tiêu cực (mâu thuẫn) tùy thuộc sự điều tiết, quản lý của chính quyền và các nhà chuyên môn. Bảo tồn di sản không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp” - bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích, tức là yêu cầu người dân sở hữu nhà cổ cũng phải “đóng hộp” ngôi nhà của mình, trong khi họ vẫn đang ngày ngày sống trong đó với các nhu cầu phát sinh qua thời gian.

TS.KTS Nguyễn QuốcTuân cho rằng, việc người dân “từ chối” nhà cổ, hay nhà cổ đang mất dần đi trong phố cổ, làng cổ do bị dỡ bỏ…  là biểu hiện của việc bảo tồn và nhu cầu phát triển mâu thuẫn với nhau, lâu ngày tích tụ thành xung đột đối kháng khiến chúng ta phải chấp nhận cảnh “một mất - một còn”.

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng Luật Di sản văn hóa năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 chưa đề cập tới khái niệm và thuật ngữ  “di sản đô thị” hoặc “di sản kiến trúc nông thôn”. Từ đó, khi phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử (theo QĐ số 14/2004/QĐVHTT) hay làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật (theo QĐ số 77/2005/QĐVHTT)… đã không thể hiện đầy đủ những giá trị, tính chất sống động và đặc biệt là nhu cầu sử dụng, cải tạo nâng cấp, cải tạo thích ứng và sự tham gia vào công cuộc phát triển tiếp nối của người dân.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, chúng ta không thể ứng xử với các quỹ kiến trúc đô thị và nông thôn theo cách như vậy. Bị coi là di tích, chúng luôn rơi vào tình thế mâu thuẫn, thách thức mà không thể giải quyết giữa đòi hỏi bảo tồn và nhu cầu sử dụng, nhu cầu tiến hóa.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, cần mở rộng khái niệm “di tích” sang khái niệm “di sản” và vận dụng cho các quỹ vật chất-văn hóa- lịch sử của đô thị và nông thôn. Ông đề xuất có thêm những thuật ngữ mới như “di sản đô thị”, “đô thị di sản” và “làng di sản”. Trong đó, khu phố cổ và kiến trúc thời thuộc địa ở Hà Nội… là “di sản đô thị”; Huế và Hội An là “đô thị di sản” và Đường Lâm là “làng di sản”. Di sản đô thị và nông thôn một mặt cần được công nhận bởi Luật Di sản văn hóa đã được bổ sung.

Di sản đô thị, mặt khác, được duy trì, cải tạo và gắn kết với mở mang bởi sự quản lý của chính quyền, các cơ quan quản lý xây dựng… Công cụ quản lý bảo tồn di sản đô thị hoặc nông thôn là những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo các khu di sản (Quy chế, quy định các công trình kiến trúc, đường phố và cảnh quan cần được bảo tồn hoặc cải tạo theo các cấp độ giá trị khác nhau).

Đồng quan điểm, PGS. TS. KTS Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Đại học Kiến Trúc Hà Nội cũng cho rằng, “hiện tượng Đường Lâm hay phố cổ Hà Nội” cho thấy không thể áp dụng Luật Di sản văn hóa năm 2009 cho các di sản loại này. Khác với các di tích thông thường, di sản đô thị hay di sản định cư bên cạnh những giá trị vật chất còn là dòng chảy liên tục của cuộc sống, giống như dòng máu nuôi dưỡng cơ thể. Đây là 2 mặt không thể tách rời. Nếu chỉ chăm chăm "bảo tồn nguyên trạng" phần xác, di sản đó sẽ dần mất sức sống.

Mặt khác, nếu nhìn từ góc độ lịch sử thì để có được như hôm nay, di sản đô thị hay di sản định cư đã trải qua một quá trình bồi đắp, thay đổi liên tục để phù hợp với những thay đổi về dân số, môi trường sống, điều kiện sống... Vậy tại sao lại không cho người dân cải tạo, sửa chữa, bổ sung không gian... khi các hộ gia đình vẫn sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng? Tuy nhiên, cũng không thể để người dân muốn cải tạo, xây dựng ra sao cũng được.

Theo KTS Khuất Tân Hưng, không hẳn là người dân không biết giá trị của nhà cổ, nhưng trong nhiều trường hợp nhà cổ lại là vật cản để họ nâng cao chất lượng sống. Vậy, cần cần có một cơ chế/chính sách phù hợp với những di sản loại này.

Luật Di sản văn hóa chưa đề cập tới khái niệm và thuật ngữ  “di sản đô thị” hoặc “di sản kiến trúc nông thôn”. Từ đó, khi phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử  hay làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật đã không thể hiện đầy đủ những giá trị, tính chất sống động và đặc biệt là nhu cầu sử dụng, cải tạo nâng cấp, cải tạo thích ứng và sự tham gia vào công cuộc phát triển tiếp nối của người dân… Bị coi là di tích, chúng luôn rơi vào tình thế mâu thuẫn, thách thức mà không thể giải quyết giữa đòi hỏi bảo tồn và nhu cầu sử dụng, nhu cầu tiến hóa.

KTS Hoàng Đạo Kính

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.