"NƯỚC MẮT" CỦA DI SẢN

Kỳ 4: Hãy để “di sản” trở thành “tài sản”

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo các chuyên gia, cùng với việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa thì vai trò của người dân rất quan trọng trong bảo tồn di sản. Muốn vậy, phải biến “di sản” trở thành “tài sản” của người dân, giúp họ được hưởng lợi từ di sản thay vì đặt di sản trong bảo tàng rồi yêu cầu người dân có trách nhiệm bảo vệ. Cả trong và ngoài nước đã có nhiều mô hình đang làm tốt công tác bảo tồn di sản qua đó có thể giúp Hà Nội tham khảo trong quản lý di sản kiến trúc đô thị.

Huy động người dân cùng làm du lịch

Nhắc tới Hội An hôm nay là nhắc tới một đô thị cổ vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn về kiến trúc và bản sắc văn hóa bản địa. Để có thể hiểu về các kinh nghiệm của Hội An, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Sự, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hội An, Bí thư Thành ủy Hội An. Trong hơn 20 năm, với tầm nhìn chiến lược và những quyết sách đúng đắn, quyết liệt, ông Sự đã đánh thức Hội An từ một địa điểm từng rơi vào quên lãng trở thành điểm du lịch nổi tiếng, mỗi năm thu hút  hàng chục vạn khách du lịch trong và ngoài nước. Hội An đã thành công trong việc dung hòa lợi ích của người dân, áp lực giữa phát triển kinh tế-xã hội đô thị với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Năm 2011, ông Nguyễn Sự đã được trao giải thưởng Phan Chu Trinh “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” cho những đóng góp tiêu biểu góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.

Kỳ 4: Hãy để “di sản” trở thành “tài sản” - ảnh 1

Phố cổ Hội An (ảnh:Pixabay/Tienthinhphoto)

Khác với các di tích như Hoàng thành Thăng Long, Kinh thành Huế, các đình, đền, chùa…, phố cổ Hội An là một di tích sống, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân. Vì vậy, việc bảo tồn Hội An phải mang tính “động” và linh hoạt. Như người dân ở phố cổ Hà Nội hay làng cổ Đường Lâm, người dân ở phố cổ Hội An cũng sinh con đẻ cái và cũng sẽ cảm thấy chật chội trong những ngôi nhà cổ vốn không thể “nở” ra. Để giải quyết vấn đề này, Hội An đã tìm quỹ đất để giãn dân gần đó nhằm giảm mật độ dân cư trong phố cổ. Tuy nhiên, việc di dân cũng diễn ra chậm rãi, mỗi gia đình chỉ đưa một, hai thế hệ ra bên ngoài còn vẫn giữ lại người dân phố cổ để bảo tồn nhịp sống bản địa.

Một quyết sách táo bạo nữa, đó là việc Hội An tìm cách để người dân làm kinh tế ngay từ chính ngôi nhà cổ của mình bằng việc cho người dân được bán vé tham quan để lấy tiền vừa trang trải cuộc sống, vừa trùng thu, bảo tồn nhà nhưng phải theo quy định. Cũng chính ông Sự đã vận động người dân tắt điện về đêm, mặc trang phục truyền thống, cấm các phương tiện giao thông vào phố cổ vào ban đêm… Lúc đầu, người dân chưa đồng thuận với các ý tưởng này vì ngại thay đổi, nhưng sau đó, khi lượng khách du lịch đến với Hội An ngày một nhiều, người dân lại tiếp tục được hưởng lợi nên họ đã chủ động thực hiện. Đến nay, Hội An tắt điện về đêm đã trở thành điểm nhấn riêng độc đáo đặc trưng của Hội An.

Tất nhiên,  Hội An cũng có một số mặt trái được các chuyên gia chỉ ra nhưng cơ bản, Hội An với sự “dẫn đường” không thể phủ nhận của ông Nguyễn Sự vẫn được đánh giá cao cho hướng đi của mình.

Và bài học của thế giới

Theo TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc-công trình, trường đại học Phương Đông, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã thực hiện thành công các chính sách, mô hình để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn các di tích và cuộc sống của người dân.

Chẳng hạn, thành phố Vancouver (Canada) đã sử dụng “Hợp đồng tôn tạo di sản“ để bảo vệ di sản thuộc sở hữu tư nhân bên ngoài các khu di tích lịch sử. Những hợp đồng này đem lại lợi ích cho cả thành phố và chủ sở hữu di sản, giúp ngăn chặn sự phá hủy hoặc mai một các công trình di sản kiến trúc đô thị. Thông qua đàm phán với chủ sở hữu di sản, bản hợp đồng mang tính chất ràng buộc giữa hai bên được ký kết thay cho những điều luật về di sản. Hợp đồng này có thể thay đổi các yêu cầu trong khu vực, đa dạng hóa mật độ các công trình. Hợp đồng tôn tạo di sản là hợp đồng riêng biệt chỉ áp dụng cho một tài sản cụ thể.

Ở Hồng Kông, yêu cầu đánh giá mức độ tác động di sản đã được đưa vào luật để kiểm soát phát triển đô thị, hạn chế ảnh hưởng của công trình xây mới tới các không gian đô thị lịch sử. Cụ thể, kể từ ngày 01/01/2008, các nhà đầu tư nội địa phải thực hiện điều tra để xác định xem những dự án sắp tiến hành có ảnh hưởng đến các khu di sản hay không. Nếu có, phải tiến hành “Đánh giá tác động đối với di sản” (HIAs). Hồng Kông bắt buộc tiến hành HIAs với các dự án cải tạo di sản đã có. HIAs cũng được khuyến khích áp dụng đối với bất kỳ sự nâng cấp nào trong bán kính 50m cách khu di sản. Bước đầu tiên để tiến hành HIAs là phải xác định di sản nào cần áp dụng. Văn phòng Di tích và cổ vật Hồng Kông chịu trách nhiệm tiến hành nghiên cứu để phân loại di sản theo các mục: Tất cả các di sản gắn với mục tiêu nghiên cứu của ngành khảo cổ học; Tất cả các công trình kiến trúc trước năm 1950. Các công trình sau năm 1950 có ý nghĩa và giá trị lịch sử và kiến trúc; Các danh lam, thắng cảnh, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử/ ghi dấu ấn lịch sử quan trọng cũng như các công trình/di tích có ý nghĩa kiến trúc và khảo cổ.

Kỳ 4: Hãy để “di sản” trở thành “tài sản” - ảnh 2
Khu phố Tàu ở Singapore (ảnh: N.T)

Tại Singapore, công tác bảo tồn được thực hiện khá bài bản, thông qua tiếp cận khoanh vùng di sản đô thị, chia thành các khu vực nhỏ (khu ven sông, các khu phố Tàu, Ấn Độ, Mã Lai.., khu vực các biệt thự thời thuộc địa /các nhà ở và cửa hàng đầu thế kỷ XX) để kiểm soát phát triển và hướng dẫn cụ thể. Công tác bảo tồn chú trọng sự gắn kết tổng thể đô thị nhưng tôn trọng đặc thù của các thành phần đô thị nên đã thành công. Bên cạnh đó, sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật và ý thức của người dân Singapore cũng là một trong những yếu tố quyết định đảm bảo các dự án bảo tồn di sản đô thị được thực thi có hiệu quả.

Hay như Thụy Điển là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời ở Châu Âu, ý thức trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc luôn được đề cao. Pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa của Thụy Điển bao gồm một hệ thống các văn bản quy phạm khác nhau, khá thống nhất và hoàn thiện với 3 đạo luật cơ bản - luật Di tích lịch sử văn hóa, luật Quy hoạch và Xây dựng, luật Môi trường. Dù đã có từ khá lâu, song các luật này luôn luôn được sửa đổi, bổ sung và cập nhật bằng một loạt các quy định mang tính chuyển tiếp. Thụy Điển còn rất tích cực tham gia kí kết và phê chuẩn các điều ước Quốc tế /khu vực liên quan đến hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Việc bảo vệ di sản văn hóa  luôn luôn là trách nhiệm của Nhà nước với các cơ quan chức năng: Ủy ban Di sản Quốc gia, Vụ Di sản văn hóa của 21 hạt. Việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa dần dần được giao cho chính quyền cơ sở, trở thành nghĩa vụ pháp lý đối với mọi công dân.

Ở Thụy Điển, chính quyền địa phương lập Danh mục các tòa nhà lịch sử được bảo vệ (bao gồm cả công viên / vườn / cấu trúc cảnh quan bên ngoài). Trật tự bảo vệ xác định rõ những biện pháp được áp dụng đối với tòa nhà trong Danh mục, quyết định về việc phá đi, thay thế hay giữ lại nguyên trạng. Chủ sở hữu vẫn có thể xin phép được thay đổi kiến trúc công trình nếu đưa ra được những lý do đặc biệt. Nếu như việc lập danh mục bảo vệ tạo ra sự bất lợi, không tương xứng với tính chất quan trọng của công trình thì chính quyền địa phương có thể thay đổi quy định hoặc thu hồi hoàn toàn kế hoạch bảo vệ. Mọi vi phạm pháp luật về bảo vệ các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa phải chịu các hình phạt khác nhau. Chính quyền tỉnh có quyền quyết định về việc khôi phục lại các công trình bị phá hỏng, thực hiện bằng chính tiền phạt đó.

Cần tìm một giải pháp phù hợp

Theo PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Đại học Kiến Trúc Hà Nội, mỗi di sản đô thị hay di sản định cư đều có câu chuyện và vấn đề của riêng mình. Do vậy giải pháp cũng sẽ không giống nhau.

Chẳng hạn, Khu 36 phố phường tuy bị biến dạng về cấu trúc và đã mất đi nhiều nhà cổ nhưng dòng chảy cuộc sống (thể hiện ở phong tục tập quán, lối sống, văn hóa ứng xử...) vẫn liên tục được kế thừa và tiếp nối nên vẫn tạo ra sức hấp dẫn không thể phủ nhận.

Với Đường Lâm việc máy móc áp dụng Luật Di sản văn hóa đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Vì vậy, rất cần xây dựng quy chế quản lý và nhất là xây dựng chỉ dẫn cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa, bổ sung cấu trúc mới... sao cho tạo được một tổng thể hài hòa giữa mới và cũ, trong đó các di sản là nền tảng, các yếu tố mới chịu sự chi phối của các yếu tố cũ.

Cùng là làng di sản, nhưng làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo đánh giá của KTS Khuất Tân Hưng lại đang bảo tồn nhà cổ tốt hơn Đường Lâm. Đó là do dân cư của Phước Tích có xu hướng giảm dần, người trẻ ra đi, chủ yếu là người già và trẻ con ở lại. Trong khi đó ở Đường Lâm,  nhu cầu về nhà cửa vẫn gia tăng. Nhưng xét cho cùng đây lại là may mắn bởi ít nhất Đường Lâm vẫn có cơ hội bảo tồn được văn hóa làng - thứ mà nếu mất đi thì làng chỉ còn là cái xác vô hồn. Sẽ không có du khách nào muốn đến một làng cổ mà không còn cuộc sống, không còn người dân bản địa.

Vấn đề là chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp như thế nào để xử lý các vấn đề đang gặp phải ở mỗi địa bàn.

Kỳ 4: Hãy để “di sản” trở thành “tài sản” - ảnh 3
Ngôi nhà cổ bà Điền đã 300 năm tuổI (Ảnh: HL)

Hiện đa phần người dân Đường Lâm, hiện vẫn chưa được  hưởng lợi từ phát triển du lịch làng cổ. Chúng tôi chỉ được trả hơn 100.000 đồng/tháng, mới rồi tăng lên hơn 200.000 đồng để đón tiếp, pha trà mời khách vào thăm quan nhà cổ. Nhưng từng đó tiền không đủ để mua chè, đun nước… nên chẳng ai thiết tha, thậm chí nhiều người còn cảm thấy phiền hà khi khách đến. Nếu sống được và sống tốt bằng di sản, tự khắc chúng tôi sẽ tự giác, chủ động bảo vệ di sản của mình”

Chị Phí Thị Quyên, hậu duệ đang sống trong ngôi nhà cổ Bà Điền

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".