"NƯỚC MẮT" CỦA DI SẢN

Kỳ 5: Sống chung bền vững cùng di sản

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Theo các chuyên gia, hướng đi này hoàn toàn có cơ sở dựa trên việc khai thác nguồn tài nguyên di sản đồ sộ và phong phú của Thủ đô. Và con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo tồn sẽ có vai trò quan trọng quyết định thành bại của một di sản đô thị.

Những sứ giả tự nguyện bảo tồn di sản cha ông

Ở làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, bà Nguyễn Thị Lâm ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đang cùng chồng trông nom, gìn giữ ngôi biệt thự cổ của dòng họ đã có tuổi đời gần 130 năm. Bà cho biết, thời xưa, cụ Lê Quang Bưu, ông nội chồng bà đã xây nên ngôi biệt thử cổ này dựa theo kiểu Pháp kết hợp với kiến trúc Việt. Mái biệt thự lợp bằng ngói Bát Tràng, hai bên mái nhà gắn 2 chiếc bình gốm Bát Tràng. Nền nhà là gạch men được nung 7 lửa. Tường gạch xây dầy dặn và có lỗ thông hơi hợp lý nên trong các phòng luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông.Vữa trát các cụ không dùng xi măng như bây giờ mà dùng vôi, mật và muối, rất dân giã và đậm chất Việt. Đặc biệt, trên trần nhà là hàng sứ tròn nhiều màu sắc như muôn vì sao lấp lánh tượng trưng cho những giọt nước phúc-đức-tài-lộc ban xuống cho gia chủ.

Kỳ 5: Sống chung bền vững cùng di sản - ảnh 1
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lâm trong ngôi biệt thự cổ được truyền lại từ đời ông cha (Ảnh: HL)
Kỳ 5: Sống chung bền vững cùng di sản - ảnh 2

Chồng bà Lâm đang giới thiệu đôi câu đối do Giáo sư đáng kính Vũ Khiêu khi còn sống đã viết tặng gia đình (Ảnh: HL)

Thấu hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông truyền lại, các thế hệ trong gia đình bà Lâm đều luôn quan tâm gìn giữ, chăm lo, bảo tồn ngôi biệt thự.

Nhờ đó, sau hơn 1 thế kỷ, ngôi biệt thự cổ vẫn vững chắc kiên cố, nền nhà không một vết nứt vỡ. Toàn bộ kết cấu biệt thự, những họa tiết nhỏ nhất, các nét vẽ trực tiếp lên tường, trần bằng màu… vẫn nguyên vẹn, đậm nét như ngày mới xây.

Không chỉ vậy, vừa tận dụng thế mạnh di sản ông cha truyền lại cho con cháu, cùng với khả năng nấu những món ăn Việt cổ truyền  ngon, không lai tạp, một thời gian dài, bà Lâm đã biến ngôi biệt thự của mình thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Mọi người đến để được thăm quan ngôi biệt thự cổ và được ăn bữa cơm Việt 100% (nhiều món chỉ ở làng cổ Bát Tràng mới có và ngon) như canh bóng, măng mực khô, chim hầm cốm hạt sen, nem rán, xôi vò, chè đường do tự tay gia chủ nấu cho.

Bà Lâm có thể kể tên nhiều vị khách quý đã ghé qua thăm gia đình bà trong ngôi biệt thự cổ như NSND Trà Giang, ĐBQH Dương Trung Quốc, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương… Giáo sư “trăm tuổi” Vũ Khiêu khi còn sống cũng đến thăm và trải giấy viết tặng đôi câu đối như thể thay lời khích lệ tâm nguyện gìn giữ nét văn hóa Việt cổ của bà và gia đình.

Bà Lâm tâm sự: “Việc giữ gìn bảo tồn biệt thự cổ, văn hóa ẩm thực cổ truyền của bà là tự nguyện, tự giác. Đã ở tuổi gần đất xa trời, bà chỉ mong từ việc làm của mình sẽ tiếp tục giáo dục cho con cháu đời sau sống phải biết trân trọng quá khứ, di sản ông cha để lại”.

Tại huyện Ba Vì, ở xã Phú Sơn, mặc cho những ồn ào của cuộc sống hiện đại trôi chảy, gia đình cụ Chu Trương Chinh vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn ngôi nhà cổ nhất trong thôn với hơn 180 năm tuổi. Ngôi nhà 9 gian, xây bằng đá ong, khung nhà làm bằng gỗ xoan, cột 6 hàng chân, 12 cánh cửa bức bàn cùng các hoành phi, câu đối, bài vị… cổ. Trong mọi hoàn cảnh, gia đình cụ luôn coi ngôi nhà cổ là di sản phải bảo vệ, gìn giữ bằng mọi giá.

Còn ở xã Cam Thượng, theo chị Giang Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Thượng, hiện nay, mặc dù không có kinh phí hay chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền, nhưng nhiều người dân như nhà ông Nguyễn Thân, thôn Quỳnh Cao (thôn Quỳnh Lâm cũ), ông Nguyễn Bá Tạo ở thôn Cốc Thôn nhiều năm qua cũng quyết tâm gìn giữ ngôi nhà cổ của gia đình gần như nguyên trạng trước bao thăng trầm của thời gian. Hiện, những ngôi nhà với kiểu kiến trúc truyền thống, tường xây bằng gạch đá ong, cửa gỗ, cột kèo với các chi tiết hoa văn, mái ngói rêu phong cổ kính, cổng gỗ... đã trở thành niềm tự hào của người dân xã Cam Thượng. Hội Phụ nữ cùng nhiều tổ chức chính trị, xã hội cũng luôn động viên, khuyến khích, tuyên truyền người dân tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn di sản, không chỉ cho gia đình mà cả cộng đồng, các thế hệ mai sau.

Kỳ 5: Sống chung bền vững cùng di sản - ảnh 3
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Bá Tạo ở thôn Cốc Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì (ảnh: HPN)

Mới thấy, ở các góc độ khác nhau, người dân Hà Nội vẫn luôn có ý thức trân trọng, yêu quý các giá trị lịch sử của ông cha. Vấn đề là chúng ta cần có sự vào cuộc của các cơ chế, chính sách phù hợp.

Bền vững trong bảo tồn di sản

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách để bảo vệ. Các ngôi nhà cổ là một phần của khối di sản giàu có ấy. TS. Lê Thị Minh Lý khẳng định, nội hàm của 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà Chính phủ đã xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”  đều liên quan đến di sản văn hóa. Di sản văn hóa là nguồn vốn, là tài nguyên, là chất liệu, là đề tài, là nguồn cảm hứng, là chủ thể … cho các ngành công nghiệp văn hóa.

TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng với kho tàng di sản phong phú của mình, Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa từ vốn di sản. Để làm được điều này, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; chú trọng nhân tố con người trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; Cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, quyền/lợi ích của chủ thể văn hóa (cộng đồng)...

Còn theo quan điểm của PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Đại học Kiến Trúc Hà Nội, phát triển du lịch di sản sẽ là một hướng đi đúng với Hà Nội trong công cuộc bảo vệ di sản vì sẽ làm gia tăng mối quan tâm đến giá trị di sản và việc bảo tồn di sản cả trong những người quản lý và người dân bản địa.

Cụ thể, đối với Khu 36 phố phường, việc khai thác tài nguyên cần phải đồng thời với việc bảo tồn và lưu giữ, chắt lọc các tài nguyên nhân văn, và không ngừng bổ sung những giá trị mới. Mọi tác động chủ quan và khách quan lên Khu 36 phố phường cần được xem xét, đánh giá cụ thể và thực hiện thận trọng. Chẳng hạn xem xét tuyến phố nào được phép và không được phép xây dựng khách sạn, nhà nghỉ? Loại hình lưu trú nào nên được ưu tiên trong khu phố cổ? Đánh giá lại tác động của việc di dân phố cổ ồ ạt ra một khu vực xa trung tâm (khu đô thị mới Việt Hưng) với hệ quả là đã cắt đứt nguồn mưu sinh của rất nhiều cư dân phố cổ. Vì vậy, nên tìm kiếm những địa điểm tái định cư gần hơn, để họ có thể tiếp tục phương thức mưu sinh quen thuộc và tham gia vào bức tranh sống động của đời sống 36 phố phường? Bên cạnh công tác quản lý xây dựng và bảo tồn các ngôi nhà, tuyến phố… có giá trị, Hà Nội cũng cần quan tâm lưu giữ những yếu tố phi vật thể đã làm nên “hồn nơi chốn” của Khu 36 phố phường. Chẳng hạn nên duy trì và khôi phục từng phần những nghề thủ công truyền thống đặc trưng cho từng tuyến phố.

Với Đường Lâm, trong bảo tồn di sản cần đảm bảo 4 yếu tố bền vững. Đó là:

Bền vững về tài nguyên nhân văn, tức là bảo tồn toàn bộ hệ thống di sản của làng cổ với những giá trị lịch sử và giá trị văn hóa, bao gồm cả yếu tố con người).

Bền vững xã hội gắn với việc người dân ở Đường Lâm phải được quyền tham gia vào các hoạt động liên quan đến bảo tồn làng cổ để có thể yên tâm rằng đó là nơi dành cho họ, nơi vẫn có thể tiếp tục mưu sinh và duy trì lối sống và phong tục tập quán truyền thống và tự hào đang sở hữu một di sản quý báu do cha ông để lại.

Bền vững về kinh tế là phải có cơ chế phân bổ nguồn lợi thu được từ du lịch đảm bảo hài hòa giữa việc tái đầu tư cho bảo tồn di sản, nâng cao điều kiện sống của người dân địa phương và lợi ích của các nhà đầu tư.

Cuối cùng là bền vững về môi trường, bảo tồn di sản phải đi liền với bảo tồn các giá trị cảnh quan, sự đa dạng sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường..

Theo các chuyên gia, chọn đúng thế mạnh, đúng hướng đi, thì Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào cũng có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, biến di sản trở thành một “tài sản” cho hậu thế.

Được sống bền vững cùng di sản, người dân sẽ không còn cảm thấy di sản là gánh nặng, mà ngược lại chính là cơ hội, thế mạnh để họ phát triển. Và khi đó, “nước mắt” của di sản cũng không còn rơi vì buồn mà vì vui mừng, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".