Lan toả nét đẹp ẩm thực Việt trên không gian số

Chia sẻ

Khai thác lợi thế của công nghệ, trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông đa phương tiện xuất hiện nhiều tài khoản cá nhân giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hoá ẩm thực đặc sắc của Việt Nam, thu hút sự quan tâm, chia sẻ, hưởng ứng của đông đảo người xem trong và ngoài nước.

“Nhấp chuột” để khám phá đặc sản vùng miền

Trong khi nhiều bạn trẻ cùng lứa rời quê ra thành phố lập nghiệp thì Ma Thị Dung - cô gái trẻ người dân tộc Tày lại có hành trình ngược. Sau khi tốt nghiệp đại học, được nhận học bổng để nâng cao trình độ ở nước ngoài nhưng Ma Thị Dung đã từ bỏ cơ hội tốt để để về quê - bản Rùa, xã Hoà Phú, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, sống cùng bà nội trong căn nhà sàn quen thuộc bên bìa rừng.

Ma Thị Dung và bà nội đang thổi xôi trong căn bếp gia đìnhMa Thị Dung và bà nội đang thổi xôi trong căn bếp gia đình

Bản Rùa - nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân người dân tộc Tày nằm ở giữa thung lũng được bao quanh bởi núi non đại ngàn và những con suối nhỏ - mang nhiều nét đẹp văn hoá ẩm thực đặc sắc của vùng núi Tây Bắc. Với mong muốn giới thiệu nét đẹp riêng có của quê hương thân yêu, Ma Thị Dung đã mày mò tìm hiểu mạng xã hội facebook, kênh youtube để đăng tải những hình ảnh, cảnh quay (clip) về đặc sản của bản Rùa. “Em chưa từng học chụp ảnh và quay phim, kiến thức về công nghệ số của em cũng hạn chế. Song, tình yêu, niềm tự hào về bản Rùa êm đềm và bình yên đã thôi thúc em phải cố gắng, nỗ lực học hỏi để có những cảnh quay hay góc hình đẹp. Trước khi nghĩ đến chuyện “khoe” trên mạng xã hội, những clip gợi nhớ lại cả miền ký ức, kỷ niệm tuổi thơ rất đẹp của em, nhất là trong bối cảnh một số nét văn hoá của quê hương đã mai một dần”. 

Không có trường quay cầu kỳ, các cảnh quay không sử dụng các kỹ xảo, đồ hoạ hiện đại, Ma Thị Dung dùng chính nhà sàn của gia đình để thực hiện bộ ảnh/clip; người cộng sự đồng hành là bà nội năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh; món ăn được giới thiệu rất dân dã, nguyên liệu chủ yếu được lấy từ vườn nhà hay bìa rừng như hoa kè cuốn thịt lợn/xào trứng, cọ om, gà nấu măng chua, nộm quả núc nác, thạch sương sâm làm từ lá tiết dê… Các món ăn bình dị, đặc trưng của người bản Rùa và các tỉnh miền Bắc được chế biến, chăm chút từ những người nông dân chất phác. Không có kịch bản trước, nội dung các clip/bộ ảnh thật đơn giản nhưng đều lan tỏa được nét đẹp của một vùng quê yên bình, mộc mạc với những người bà, người mẹ tần tảo, lam lũ. 

Trong thời điểm dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, đầu bếp Nguyễn Phương Hải tại Hà Nội xây dựng kênh youtube “Cùng cháu vào bếp” giới thiệu các món ăn cổ truyền quen thuộc trong mâm cơm hàng ngày hay những dịp lễ trọng của Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước. Đã từng nhiều năm là giáo viên nấu ăn nhưng với ứng dụng của nền tảng truyền thông đa phương tiện, những món ăn - đặc sản ẩm thực vùng miền - qua cách thức chế biến tỉ mỉ, chi tiết; cách dẫn dắt tự nhiên cùng những câu chuyện, kiến thức được chia sẻ của đầu bếp Nguyễn Phương Hải đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt, ủng hộ nhiệt tình của nhiều người xem trong và ngoài nước. “Cùng cháu vào bếp” mang lại cảm giác gần gũi và ấm cúng cho người xem, không gian bếp nấu không phải là trường quay hay căn bếp sang chảnh mà chính là căn bếp gia đình anh Nguyễn Phương Hải. Không có quá nhiều thiết bị tiên tiến hiện đại hỗ trợ mà các món ăn được sơ chế, thực hành bằng những dụng cụ quen thuộc để ai “cùng cháu vào bếp cũng thấy như ở nhà mình”. Trong những lúc bối rối và “vắt óc nghĩ món ăn mỗi người”, nhiều người chỉ cần nhấp chuột, chuẩn bị nguyên liệu và “nổi lửa” là đã có ngay những món ăn ngon lành, bổ dưỡng cùng gia đình. “Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chị em làm việc ở nhà và có thời gian dành cho gia đình hơn, nhu cầu vào bếp, chế biến các món ăn ngon cho gia đình tăng mạnh. Những kênh youtube, mạng xã hội facebook có tính ứng dụng, hàm lượng kiến thức cao, chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng luôn nhận được sự yêu mến của các bà nội trợ; đồng hành cùng chị em trong việc duy trì bữa cơm ấm cúng, đoàn viên của gia đình” - đầu bếp Nguyễn Phương Hải chia sẻ. 

Món ăn ngon gợi nhớ “bầu trời tuổi thơ”

Đầu bếp Nguyễn Phương Hải hướng dẫn cách làm nem rán - món ăn truyền thống của người Việt trong mâm cỗ TếtĐầu bếp Nguyễn Phương Hải hướng dẫn cách làm nem rán - món ăn truyền thống của người Việt trong mâm cỗ Tết

Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, ngày càng có nhiều cá nhân xây dựng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và nền tảng truyền thông đa phương tiện để giới thiệu và quảng bá nét đẹp văn hoá, ẩm thực vùng miền. Những clip, bộ ảnh về chủ đề này ngày càng có chiều sâu, hàm chứa nhiều nội dung hay, ý nghĩa. Đặc biệt, mỗi món ăn được giới thiệu trên mạng, không đơn thuần chỉ cung cấp cho người xem một công thức chế biến mà qua đó người xem cảm nhận nét văn hoá đặc sắc của từng vùng đất, địa danh; mộc mạc, hiền hậu của vùng quê với những người dân bình thường trong cuộc sống lao động học tập bình dị thường ngày. Vì thế, trong thời gian gần đây, những tài khoản, kênh giới thiệu các món ăn dân dã, cảnh quay giản dị trong những căn bếp, vườn nhà là chủ đạo. “Chạm” được vào cảm xúc của mỗi người xem nên clip, hình ảnh về các món ăn và nét đẹp văn hoá vùng miền được đăng tải không hề “ảo” mà nhận được lượng tương tác lớn như các kênh Anh Nông Dân, Ẩm thực mẹ làm, Khoai lang thang, Hương vị quê hương…

“Là người con xa quê, tác động của dịch bệnh khiến gần 2 năm nay tôi chưa được về thăm nhà ở huyện vùng cao Phú Thọ. Vì vậy, được xem những clip giới thiệu cách làm món thịt chua truyền thống tôi rất xúc động, nhớ những triền đồi quê hương, cuộc sống bình yên với ký ức tuổi thơ đẹp” - chị Trần Thị Hưng ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Còn anh Nguyễn Hữu Hưng ở phố Khâm Thiên thì đã thốt lên: “Tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy ắp tình yêu thương của tôi đây rồi” sau khi xem clip hướng dẫn món ăn bình thường trong mâm cơm gia đình: món tôm rang tóp mỡ trên kênh “Cùng cháu vào bếp”. Ở clip này, sau khi chế biến món ăn, người đầu bếp thế hệ 7X đã tái hiện hoạt động quen thuộc của các bà nội trợ trong những năm 80 bao cấp là cơm vét chảo – cơm trắng trộn với nước rim tôm còn lại trong chảo, rất giản dị thôi nhưng đủ gây nhớ thương cho cả thế hệ đã trải qua những năm tháng đó. Trong mâm cơm của gia đình anh Hưng, ngoài món tôm rang tóp mỡ có thêm bát cơm vét chảo có vị thơm ngọt của tôm, đậm đà của nước mắm ngon và mỡ lợn béo ngậy. “Bữa cơm đó, hai cậu con trai được bố mẹ kể cho nghe nhiều kỷ niệm gia đình của một thời không bao giờ quên. Tôi nghĩ rằng, đó là ký ức tuổi thơ của cả thế hệ” - anh Hưng chia sẻ. 

Ngược lại, thông qua những tương tác của người xem, những người sáng tạo nội dung cũng tiếp nhận, lĩnh hội thêm được nhiều kiến thức, chia sẻ ý nghĩa. “Chào đón Tết Tân Sửu, ngày 20 tháng Chạp, em và bà gói bánh chưng theo cách của người Tày trong ngôi nhà sàn của mình. Clip nhận được hàng ngàn lượt xem trong thời gian ngắn; trong rất nhiều bình luận được gửi đến, có một người con của dân tộc Tày hiện đang sinh sống tại tỉnh khác góp ý, theo phong tục từ xưa, với mong muốn mang lại may mắn cho cả năm, người Tày thường dán miếng giấy đỏ vào tất cả vật dụng trong gia đình vào dịp cuối năm. Sự chia sẻ ý nghĩa này sẽ giúp em hoàn thiện tốt hơn sản phẩm truyền thông của mình về Tết Nguyên đán trong thời gian tới”. 

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần. Những ngày nghỉ lễ dài sẽ là những ngày gia đình quây quần bên mâm cỗ, mâm cơm đoàn viên. Không khí rộn ràng, ấm cúng đó chắc chắn sẽ tràn ngập trên các kênh ẩm thực của nền tảng truyền thông đa phương tiện, tạo ra những giá trị tinh thần rất lớn cho hàng triệu người dùng mạng xã hội; đồng thời góp phần lan toả những hình ảnh đẹp về văn hoá ẩm thực, văn hoá truyền thống trong những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam đến với thế giới một cách hiệu quả.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".