Lên tiếng không bao giờ là muộn và vô nghĩa

Chia sẻ

Trước ý kiến cho rằng việc nạn nhân bị xâm hại lên tiếng tố cáo thủ phạm khi thời gian đã trôi qua lâu sẽ khó đòi lại công bằng, các chuyên gia cho rằng sự lên tiếng của các nạn nhân sẽ không bao giờ là muộn và vô nghĩa trong việc đòi lại công lý cho bản thân.

Là một nạn nhân từng bị quấy rối tình dục, chị N.T.T.L chia sẻ tại buổi toạ đàm “Lên tiếng không bao giờ là quá muộn” do Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) tổ chức ngày 14/4 rằng, chị đã không thể nói ra việc bị quấy rối tình dục vì sợ bị đổ lỗi.

Chị nhớ lại, ngày đó, khi đang là nhân viên trẻ, trong một lần đối tác hẹn ngồi cà phê giải quyết công việc, chị đã bị đối tác này quấy rối tình dục. “Lúc đó, tôi bị bất ngờ, cảm thấy sốc và lao ra khỏi quán cà phê. Suốt thời gian dài, tôi sống trong im lặng và không thể chia sẻ với ai” - chị T.L nói. Sau 7 năm gặp lại thủ phạm, chị vẫn cảm thấy nỗi đau âm ỉ.

Trong khi thời gian gần đây, nhiều vụ việc phụ nữ lên tiếng tố cáo bị quấy rối, xâm hại tình dục đã khiến dư luận dậy sóng. Đặc điểm chung của các vụ này là các nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục trong thời gian dài, trải qua các vấn đề về tâm lý, nhưng sau nhiều năm mới dám lên tiếng.

Lên tiếng trước bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục không bao giờ là quá muộn và vô nghĩa 	Ảnh minh hoạLên tiếng trước bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục không bao giờ là quá muộn và vô nghĩa  (Ảnh minh hoạ)

 Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, thực tế đa phần nạn nhân im lặng là bởi những e sợ: Sợ bị đổ lỗi, trách cứ, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sợ bị nhìn bằng một ánh mắt khác… “Việc nạn nhân lên tiếng tố cáo tuy gợi lại những cảm xúc buồn và phẫn nộ, nhưng ở khía cạnh khác, đây cũng là chuyển biến tích cực và đáng mừng, bởi nạn nhân đã dũng cảm tố giác tội phạm” - nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết.

Chia sẻ về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy Long (Công ty Luật Legal Gate, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xử phạt mọi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục. Việc lên tiếng, tố giác cũng như thu thập bằng chứng cần được thực hiện sớm ngay khi hành vi xảy ra. Nếu hành vi đã cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn, xử phạt theo quy định của pháp luật.

“Lên tiếng không bao giờ là muộn nhưng sớm sẽ tốt hơn” - luật sư Long nhấn mạnh. Theo luật sư Long, việc lên tiếng tố cáo là một hành trình dài và khó khăn, song sẽ luôn có những sự hỗ trợ. Ví dụ, người lên tiếng bị tấn công bởi những bình luận trên mạng xã hội có thể nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan chuyên trách về an ninh mạng.

Khi một số trường hợp bị xử phạt để răn đe, các hành vi tấn công trên môi trường mạng sẽ giảm đi rất nhiều. Việc có xử phạt, răn đe cũng tạo nên các minh chứng tốt để giáo dục cộng đồng, tăng niềm tin của các nạn nhân và mọi người vào sự nghiêm minh của pháp luật, tự tin hơn để lên tiếng.

Theo các chuyên gia, hành trình đi tìm công lý của nạn nhân cũng rất quan trọng và cũng có thể giáo dục, cảnh tỉnh cộng đồng. Do đó, việc lên tiếng không chỉ giúp nạn nhân mà còn giúp cho rất nhiều người và cả quá trình phát triển xã hội. Tuy nhiên, khi một cá nhân lên tiếng việc họ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, điều mà họ sợ nhất là không được người khác tin tưởng.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cũng chia sẻ, khi nạn nhân tin tưởng và tìm đến công lý, chúng ta đừng đóng vai trò là quan toà, công an để phán xét họ mà hãy giúp họ giảm bớt gánh nặng tâm lý, sau đó thực hiện các bước hỗ trợ tiếp theo. Chúng ta không nên đặt câu hỏi nghi ngờ về tính chính xác hay khách quan của vụ việc, cũng không nên đưa ra bình luận đúng - sai mà hãy đồng cảm với nỗi đau mà họ trải qua, lắng nghe, động viên, chia sẻ để họ không cô đơn, sợ hãi.

Là đại điện cho các tổ chức nghiên cứu và can thiệp hỗ trợ cho nạn nhân BLG TS Hoàng Tú Anh, Chủ tịch Mạng lưới GBVNET, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và dân số (CCHHP) khẳng định: “Trong mọi trường hợp, việc nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục lên tiếng không bao giờ là muộn và vô nghĩa.

Chúng tôi sẽ nỗ lực để mang lại sự hỗ trợ nạn nhân về nhiều khía cạnh: Bảo vệ khẩn cấp, nhà tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ thể chất và tinh thần cho nạn nhân và người thân, hỗ trợ pháp lý, truyền thông xã hội để tố giác hành vi sai trái, tham gia vào tiến trình xây dựng và thực thi các chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới....

Chúng tôi cũng mong muốn chủ đề giáo dục giới tính, giáo dục tư pháp này được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời hệ thống pháp luật cần đưa ra cơ chế hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân để nạn nhân không còn e ngại việc tố giác”.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.