Mắc kẹt vì công trình dừng thi công do giãn cách xã hội
Các công trình xây dựng nhà ở đang bị dừng thi công do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khiến tiến độ bàn giao nhà theo cam kết trong hợp đồng bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng này, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng VN và các doanh nghiệp đã đưa ra các đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người mua nhà.
Chị Nguyễn Thanh H ở Thanh Xuân, Hà Nội mua căn hộ chung cư La Casta Tower Văn Phú (Hà Đông) với tiến độ theo hợp đồng sẽ bàn giao quý IV/2021. Tuy nhiên sang quý III, dự án đang phải dừng thi công vì giãn cách xã hội và có nguy cơ chậm tiến độ bàn giao. Trong khi đó, thu nhập của gia đình chị trước đây là 30 triệu đồng/tháng, nay đã giảm 50% mà vẫn gánh trả tiền vay ngân hàng và tiền thuê nhà ở. Khó khăn chồng chất, chị H bày tỏ mong muốn được giảm lãi suất ngân hàng để có thể cầm cự, cố gắng chi trả khoản vay trong thời gian chưa được nhận nhà.
Dự án Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II/2021, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, chỉ bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện do giãn cách xã hội, các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, nên trong thời gian tới nhiều dự án bất động sản sẽ không thể bàn giao nhà đúng tiến độ. Điều này có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư với khách hàng. Nắm bắt thực trạng trên, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm các địa phương giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng như nhiều ngành sản xuất khác, các nhà thầu mong muốn được phân loại, nới cho các công trình nào được phép thi công.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nếu tất cả các công trình xây dựng bị đình lại một cách chung chung thế này thì kinh tế sẽ bị ảnh hưởng và ngưng trệ, tất cả các dự án sẽ chậm trễ, thậm chí vỡ trận. Vì vậy, ông Hiệp đưa ra kiến nghị, đối với những công trình ở vị trí độc lập, không trong vùng dịch trong khu dân cư mà dự án đã gần giai đoạn hoàn thiện cuối cùng thì đề nghị cho tiếp tục thi công để tiết kiệm chi phí chủ đầu tư và đỡ mất công khách hàng chờ đợi.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người mua nhà trong giai đoạn khó khăn này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Hiệp hội đã đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay cũ và các khoản vay mới để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và khách hàng vay mua nhà.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm giãn cách, việc bán hàng trực tiếp bị ngưng trệ, họ sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các thủ tục pháp lý cho các dự án mới. Vì vậy, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục từ phía các cơ quan chức năng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời kéo giảm giá nhà, Hiệp hội các Nhà thầu cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ bổ sung vào Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chính sách cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021. Hiện nay, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chưa quy định chính sách này đối với doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị về việc đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021...
THÚY VÂN