Thí điểm “xe ôm miễn phí” chở người say về nhà:

Mới chỉ hỗ trợ “phần ngọn”

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mới đây, quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa thí điểm mô hình xe ôm miễn phí đưa người đã sử dụng rượu bia về nhà. Mặc dù giải pháp này gây ra nhiều dư luận trái chiều, song đa số người dân cho rằng, bên cạnh hành động kịp thời của lực lượng công an cơ sở, cần phải tăng mức xử phạt đối với các trường hợp uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Mới chỉ hỗ trợ “phần ngọn” - ảnh 1
Lực lượng chức năng quận Hoàng Mai tuyên truyền tác hại của việc lái xe sau khi uống rượu bia   Ảnh: C.D

Lái xe uống rượu, bia gây tai nạn khiến nhiều gia đình mất người thân, nhiều đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào tối 12/8 trên đường Láng (Hà Nội) khiến nhiều người phẫn nộ. Lái xe Ngô Công Hán (sinh năm 1987, trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) sau khi uống rượu, bia đã lao thẳng xe vào cây xăng trên đường Láng. Vụ va chạm khiến 8 người bị thương và làm hư hỏng một số ôtô, xe máy đang đổ xăng tại đây. Lực lượng chức năng cho biết, nồng độ cồn của lái xe Hán khi tham gia giao thông ở mức 0,9mg/lít khí thở, cao gấp 2,25 lần mức kịch khung theo Nghị định 100 (0,4mg/lít khí thở).

 Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người. Khoảng 40% vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng. Ủy ban ATGT quốc gia cũng cảnh báo về việc xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra. Đáng nói là dù Luật Giao thông đường bộ và nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có những chế tài, quy định xử phạt nghiêm khắc với hành vi uống rượu bia, điều khiển phương tiện giao thông, song nhiều người vẫn thiếu ý thức, cố tình vi phạm, gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc.  

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, mới đây, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã thí điểm tuyên truyền tác hại của rượu, bia bằng hình thức phát tờ rơi và các khẩu hiệu, đồng thời thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người say về. Các thành viên tổ “xe ôm” và taxi miễn phí là nhân viên nhà hàng hoặc các hãng xe công nghệ có liên hệ từ trước để sẵn sàng đưa các khách nhậu có dấu hiệu “quá chén” về nhà khi cần thiết. Việc dán tờ rơi, khẩu hiệu và thành lập tổ “xe ôm” miễn phí được thực hiện tại 160 quán nhậu ở 14 phường trên địa bàn quận Hoàng Mai. Theo lực lượng chức năng quận Hoàng Mai, việc tuyên truyền về tác hại của rượu, bia ngay tại các quán nhậu nhằm nâng cao nhận thức, với mong muốn người dân ý thức rõ là khi trong người có nồng độ cồn thì không được phép điều khiển phương tiện như xe máy hay ôtô. 
Việc thành lập mô hình này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Anh Dương Quốc Chính (phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai) cho rằng, việc có một đội xe ôm miễn phí để chở người say về là việc đáng ghi nhận của chính quyền, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Sau những giải pháp mang tính chất tức thời này cần có những giải pháp căn cơ hơn để hạn chế tối đa việc xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Còn anh Lê Công Đình (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) thì mô hình được thành lập cần tính đến việc xây dựng nguồn lực, kinh phí để duy trì lâu dài… Bởi vận chuyển miễn phí sẽ làm cho một số người dựa dẫm và tạo thói quen xấu. Do đó, cơ quan chức năng bên cạnh truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm của tài xế mỗi khi ngồi vào bàn nhậu, cần có biện pháp cứng rắn hơn như: Tăng nặng mức xử phạt, tước vĩnh viễn bằng lái xe… mới đủ sức răn đe.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.