Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng tỷ suất sinh toàn quốc năm 2023 của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo, dẫn đến những hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…

Đây là các nội dung được các đại biểu thảo luận trong hội thảo "Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế" sáng 11/12 do Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tổ chức.

Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử - ảnh 1
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số phát biểu tại hội thảo

Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử - ảnh 2
Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53,873,500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước. Điều này cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

“Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước”, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Mức sinh thay thế thấp để lại nhiều hệ lụy cho cơ cấu dân số

Tại hội thảo, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc của ICPD trong suốt ba thập kỷ qua, đảm bảo rằng các chính sách dân số đóng góp vào việc thực hiện quyền con người và phát triển bền vững. Đặc biệt, sự kiện hôm nay phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc thích ứng với sự thay đổi về dân số và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc đảm bảo các chính sách lấy con người làm trung tâm vì sự thịnh vượng và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Theo ông Matt Jackson, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo một báo cáo gần đây của UNFPA, hai phần ba dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với ngày càng nhiều quốc gia.

Mức sinh tại Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử - ảnh 3
Gần 200 đại biểu dự Hội thảo tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế.

“Những thay đổi về mức sinh chịu ảnh hưởng lớn từ sự lựa chọn sinh sản, và điều này lại bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế - xã hội như vai trò giới, chi phí sinh hoạt, cơ hội việc làm, chi phí chăm sóc trẻ em cũng như gánh nặng công việc không được trả lương mà chủ yếu đè nặng lên đôi vai người phụ nữ", ông Matt Jackson cho biết.

Ông Matt Jackson cũng đánh giá: “Giải quyết các vấn đề dân số cần vượt ra ngoài con số; có nghĩa chúng ta cần cân nhắc ưu tiên đầu tư hiệu quả vào con người và nền kinh tế, cũng như xây dựng một xã hội bao trùm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc ưu tiên bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mở rộng cơ hội giáo dục và cải thiện các chính sách hỗ trợ gia đình để đảm bảo mỗi cá nhân có thể thực hiện quyền sinh sản của mình mà không gặp phải rào cản kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý cấp Trung ương, địa phương đã cùng nhau tham vấn và thảo luận khung chính sách tổng thể về dân số; các nội dung sức khoẻ sinh sản theo ICPD và những gợi ý chính sách cho Việt Nam; tham khảo quan điểm về giới trong xây dựng chính sách duy trì mức sinh thay thế từ đó đưa ra định hướng chung trong xây dựng chính sách nhằm duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam…

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Trước xu hướng biến động mức sinh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ-TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó nêu rõ “Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và phát triển theo hướng có quy mô, cơ cấu, phân bố hợp lý, cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở mức tự nhiên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, nhất là đối với một số địa bàn và nhóm dân cư. Nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng;… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW xác định “Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và phát triển theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng”, trong đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan “Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số” trình Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Phụ nữ thúc đẩy tiêu dùng xanh

Phụ nữ thúc đẩy tiêu dùng xanh

(PNTĐ) - Nữ trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế trong sự phát triển của nền kinh tế xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.