Người lao động phấn khởi trở lại sản xuất đầu năm
(PNTĐ) -Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến 11h ngày 30/1/2023 (tức ngày 9 Tết Nguyên đán), 99,2% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất với 97,8% công nhân lao động trở lại làm việc tại các đơn vị. Riêng ngành dệt may có 67,74% doanh nghiệp mở cửa sản xuất, với 69,06% công nhân lao động quay trở lại làm việc, do doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.

Doanh nghiệp tạo điều kiện để lao động quay lại làm việc
Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc. Khởi đầu năm mới, các công nhân, người lao động đã trở lại nhà máy, doanh nghiệp, bắt tay luôn vào lao động sản xuất, báo hiệu một năm mới nhiều kỳ vọng phát triển.
Ngay từ mùng 6 Tết (tức ngày 27/1/2023), chị Vũ Thị Thu Hiền nhà ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đã chạy xe 10km để có mặt khai xuân ở Công ty cổ phần Động Lực (tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân). Chị Hiền đã 7 năm gắn bó với công việc tại đây, cũng như hàng trăm công nhân công ty, trong ngày đầu năm mới ai nấy đều phấn khởi đến nhà máy.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Động Lực, toàn bộ 300 công nhân, lao động của công ty đã đón một cái Tết an toàn, ấm áp và 100% trở lại làm việc với tâm thế phấn khởi ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Mặc dù năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập và các chế độ cho người lao động. Trong không khí phấn khởi, ngày mùng 6 Tết, tất cả công nhân, lao động ở các bộ phận đều có mặt và bắt tay vào công việc.
Mặc dù trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 không được tăng ca do đơn hàng của công ty giảm, song chị Lê Thị Nhàn, công nhân Công ty cổ phần may Sài Đồng ở khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư, Sài Đồng, Long Biên cũng từ quê Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội sớm trước 2 ngày để đảm bảo sức khỏe cho ngày làm việc đầu tiên vào ngày 30/1. Chị Nhàn cho hay: “Năm 2022, doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn hy vọng năm 2023 công ty sẽ có nhiều đơn hàng hơn để công nhân thêm việc làm, tăng thu nhập”.
Tại khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm hiện có hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 1.153 lao động với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng; tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt hơn 500 tỷ đồng/năm. Ông Phan Lê Nam, Giám đốc Công ty cổ phần chần bông Tín Phát cho biết, doanh nghiệp có 80 lao động, chủ yếu là người địa phương trong huyện Gia Lâm và lân cận, thu nhập từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, dù còn không ít khó khăn, song với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và nỗ lực của người lao động, công ty cũng đạt doanh thu hơn 90 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, công ty chi thưởng 2 tháng lương và phần quà cho người lao động. Sau kỳ nghỉ Tết, công nhân, lao động đã trở lại làm việc 100% trong không khí vui tươi, phấn khởi.
Những tín hiệu khởi sắc
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội), ngay sau Tết, trung tâm sẽ triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm đầu xuân để hỗ trợ việc làm cho người lao động. Năm 2023, mục tiêu của Thành phố là giải quyết được việc làm cho 162.000 lao động. Do đó, dự kiến trong quý I/2023, hệ thống sàn giao dịch việc làm sẽ tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm hằng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần; 1 phiên giao dịch việc làm online; 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề; 1 phiên giao dịch việc làm lưu động; giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố là 432 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7.200 lao động.
Ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh triển khai các phiên giao dịch việc làm đầu xuân sẽ tạo không khí phấn khởi cho người lao động, đồng thời giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn lao động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, có những hướng mới về hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm, từng bước để nâng kết quả hoạt động của hệ thống sàn thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các phiên giao dịch việc làm và hoạt động nghiệp vụ, tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho các phiên giao dịch việc làm.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, tại đơn vị có tới 12.000 lao động - Tổng công ty May 10-CTCP đã tưng bừng tổ chức lễ khai xuân với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường quốc tế. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP, nắm bắt được khó khăn của thị trường còn tiếp diễn, năm 2023, Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,4 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty sẽ tập trung vào công tác thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu (chiếm 80% tổng doanh thu toàn Tổng công ty); bên cạnh khai thác các mặt hàng truyền thống như áo sơ mi, veston, jacket… là tìm kiếm khách hàng mới, sản phẩm mới.