Những bước tiến tạo tiền đề cho chính quyền điện tử Hà Nội

Chia sẻ

Năm 2021, mặc dù phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song TP Hà Nội vẫn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai tài khoản “Chính quyền điện tử” trên mạng xã hội qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống.

Đến nay, Hà Nội đã mở rộng Hệ thống họp trực tuyến từ thành phố (TP) đến tất cả các điểm cầu trực tuyến tại các sở, cơ quan tương đương, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu quả. Theo UBND TP Hà Nội, năm 2021, đã có 205 cuộc họp của UBND TP diện rộng đến các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan khác được thực hiện trực tuyến; 689 cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến.

Nhờ những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, bộ máy chính quyền Thành phố đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhậnNhờ những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, bộ máy chính quyền Thành phố đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận (Ảnh: HL)

Tại nhiều quận, huyện như Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đông Anh, Quốc Oai, Thanh Trì, Hoàng Mai đã hoàn thành và từng bước đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện.

Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, triển khai ứng dụng phần mềm PC Covid khai báo y tế trên smartphone, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, quét mã QR đáp ứng nhanh công tác truy vết phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến tại Cổng dịch vụ trực tuyến của Thành phố, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể trực tuyến với các TTHC đã triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 và qua Hệ thống dịch vụ bưu chính công ích.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, nhờ những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), bộ máy chính quyền TP đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận về năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp hơn với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị; từng bước tạo tiền đề quan trọng nhằm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, từ ngày 27/4 đến nay, đơn vị đã gửi tổng số 322 bản tin với 1.486 tin, bài lên tài khoản mạng xã hội Zalo “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” lan toả nhiều thông tin về các hoạt động của lãnh đạo TP, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến hơn 762.107.000 lượt tài khoản người dùng Zalo.

Nhằm mục đích giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính và để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, quận Hoàng Mai đã triển khai trang Fanpage “Mai vàng Kinh Bắc”; huyện Thanh Trì có trang Fanpage “Thanh Trì quê tôi”, huyện Chương Mỹ lập tài khoản Zalo “Chính quyền điện tử huyện Chương Mỹ”, huyện Mê Linh lập tài khoản Zalo “UBND huyện Mê Linh”… Trong đó, trang “Thanh Trì quê tôi” trung bình mỗi ngày đăng 5-7 bài viết về các hoạt động của địa phương, đồng thời cập nhật thông tin chỉ đạo quan trọng của Trung ương, thành phố, đặc biệt là về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì Hoàng Thị Thu Thuỷ cho biết: “Các phòng, ban, đoàn thể của huyện cũng có các trang Fanpage riêng, trong đó dẫn lại nhiều nội dung từ trang “Thanh Trì quê tôi” nên sức lan tỏa thông tin rất lớn. Trung bình 1 bài viết có khoảng 3.000 lượt tiếp cận”.

Ghi nhận cách làm của các đơn vị, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ TP. Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho rằng, với cách làm mới này, chính quyền và tổ chức, cá nhân sẽ có thêm kênh tương tác, giúp tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Điều này cũng tạo tiền đề để đạt mục tiêu thành phố đã đề ra trong kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% tổng số hồ sơ tiếp nhận; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động…

HÀ  LINH

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: