Những cánh thư yêu thương từ Thủ đô “vượt sóng” đến Trường Sa
(PNTĐ) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với lương thực, thực phẩm và các mặt hàng Tết như đào, quất, cây cảnh... bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 còn nhận được hàng nghìn lá thư, thiệp chúc Tết của người thân, của các học sinh từ mọi miền Tổ quốc gửi ra hải đảo.
Những bức thư gửi tình cảm của đất liền đến chiến sĩ canh giữ đảo xa
Tiết học cuối năm ở lớp 5A5 Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) hôm ấy đặc biệt hơn các tiết học khác. Cô Nguyễn Thị Minh Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A5 xúc động nói về hình ảnh những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đảo xa, về chủ quyền biển đảo, đồng thời phát động học sinh vẽ tranh, viết thư gửi các chiến sĩ hải đảo.
Trong lá thư của mình, em Hoàng Lan viết: “Cháu cảm ơn các chú bộ đội ngày đêm canh gác nơi biển đảo để chúng cháu có ngày bình yên, học tập tốt như hôm nay. Sắp đến Tết rồi, các chú không được về thăm gia đình sẽ buồn lắm phải không? Cháu kính chúc các chú hãy luôn kiên cường, khoẻ mạnh để canh giữ biển đảo và có những ngày Tết vui ở đảo Trường Sa”.
Em Trần Thanh Hà cũng xúc động: “Mùa Đông đã về trên mảnh đất Thủ đô thân yêu của chúng cháu. Nghe tiếng gió luồn vào từng chiếc lá lao xao, chúng cháu lại liên tưởng đến tiếng sóng rì rào ngoài đảo, không khỏi bồi hồi nhớ về các chú. Cháu chưa một lần đến thăm đảo, chưa được gặp trực tiếp các chú mà chỉ nghe qua các thước phim, những giờ học của cô giáo. Nhưng cháu luôn thầm biết ơn và tự hào về công việc của các chú. Cháu mong sao, những ngày sắp tới, khi cái lạnh ùa về, thờt tiết sẽ không quá khắc nghiệt, sẽ dịu dàng hơn để cùng san sẻ với những khó khăn của nhiệm vụ canh gác nơi hải đảo…”.
Mỗi lá thư là một cảm xúc đặc biệt, những dòng tâm sự, nhắn nhủ mà các em thiếu nhi gửi đến chiến sỹ ngoài đảo xa. Chia sẻ về lời chúc của mình, Thanh Hà xúc động: “Những câu chuyện về biển đảo quê hương từ mẹ và cô giáo giúp con hiểu được về sự hy sinh thầm lặng của các chú hải quân. Các chú phải xa gia đình, đứng ở nơi đầu sóng, ngọn gió để canh giữ biển khơi, gìn giữ bình yên của đất nước. Con hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có đóng góp cho đất nước, như các chú bây giờ”.
Cô giáo Minh Hồng chia sẻ: “Khi phát động chương trình, các em học sinh rất hào hứng, tích cực tham gia viết, vẽ bưu thiếp xinh xắn cùng những bức thư hỏi thăm các chú ngoài đảo xa. Có nhiều bức tranh rất ấn tượng, lời thư tình cảm. Có bạn vẽ chú hải quân, vẽ Hoàng Sa, Trường Sa hoặc bản đồ Việt Nam thể hiện chủ quyền biển đảo. Có bạn trang trí đào, mai, bánh chưng… Những lá thư với màu mực tím còn tươi mới không chỉ là tình cảm mà còn là những lời gửi gắm ước mơ tới các chiến sĩ ở Trường Sa”.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B cho biết: Giáo dục kiến thức về biển đảo luôn là một trong những nội dung được nhà trường quan tâm, chú trọng. Giáo viên của nhà trường thường xuyên lồng ghép các nội dung về biển đảo vào các tiết dạy với mong muốn khơi gợi lên tình yêu, ý thức chung tay đóng góp, xây dựng biển đảo của Tổ quốc trong mỗi học sinh. Hàng năm, nhà trường cũng đã gửi hàng nghìn lá thư, tranh vẽ, thiếp, hạc giấy đến Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu”.
Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B, đầu năm 2023, giữa ngày xuân ấm áp, thầy và trò của trường đã bất ngờ nhận được một món quà vô cùng đặc biệt, đó chính là lá thư hồi âm của các chiến sĩ bộ đội Trường Sa - cánh thư nhỏ “vượt sóng” từ nơi đảo xa trở về với đất liền.
Đồng chí Đàm Văn Phúc đã thay mặt cho các chiến sĩ bộ đội Trường Sa bày tỏ niềm vui và sự xúc động khi đọc những lá thư của các bạn học sinh trong trường, đồng thời gửi lời chúc mừng năm mới rất ý nghĩa đến các bạn nhỏ. Lời dặn dò cuối thư của đồng chí Phúc cũng chính là niềm tin và niềm hy vọng của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió gửi gắm đến các thế hệ tương lai của Tổ quốc…
Người mang những cánh thư ra đảo Trường Sa
Những bức thư vượt sóng ra với đảo chứa đựng cả sóng gió, tình yêu và nỗi nhớ của người thân mỗi độ Tết đến xuân về. Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên gương mặt sạm đi vì nắng gió khi đọc thư của mẹ, của người yêu, của các học sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến các chiến sĩ đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc.
Anh Lý Duy Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Thanh Trì (Hà Nội), người từng mang hàng trăm lá thư của học sinh Hà Nội đến với đảo Trường Sa vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ lại những ký ức không quên trong chuyến công tác ấy. Năm 2022, khi anh đang giữ vị trí Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, anh đã phối hợp cùng Hội đồng đội thành phố Hà Nội phát động trong thiếu nhi phong trào “lá thư gửi nơi đảo xa”. Phong trào ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em thiếu nhi, giáo viên Thủ đô. Chỉ trong 2 tháng phát động, hàng trăm lá thư đã được gửi về Thành đoàn để mang đến Trường Sa thân yêu.
“Đoàn công tác Trường Sa số 04, hành trình đi tàu KN491 vào đầu năm 2022, đi đến 9 đảo và 1 nhà giàn (gồm các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le, An Bang, Đá Đông, Trường Sa lớn, nhà giàn DK1) trong tổng số 21 điểm đảo và 12 nhà giàn có lực lượng đóng quân của Việt Nam. Cùng với quà tặng của thành phố, chúng tôi thay mặt tuổi trẻ Thủ đô tặng nhiều phần quà tặng thiết thực, ý nghĩa khác như: 4 bộ máy tính, 4 bộ máy in, 5 chiếc xe đạp, 1 máy bơm nước, 5 quạt tích điện… cho các đảo Sơn Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, An Bang...
Đặc biệt, 250 bức thư, tranh vẽ được thiếu nhi Thủ đô trực tiếp viết, vẽ, gấp... đã gửi trực tiếp đến tay các chiến sĩ tại 9 điểm đảo. Tại các buổi gặp mặt sinh hoạt, tôi đã đọc một vài lá thư tại đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, đảo An Bang, trạm Ra đa 21, đảo Đá Đông… Các chiến sĩ đã rất xúc động trước tình cảm của thanh thiếu nhi và nhân dân Thủ đô dành tặng” - anh Xuân xúc động nhớ lại.
Nhiều thiếu nhi, nhiều cô giáo chưa từng được đến Trường Sa nhưng thông qua sách, báo, phim, ảnh, thời sự, tin tức mà cô và trò của Hà Nội đã viết các lá thư thể hiện sự tri ân, biết ơn rất lớn đến sự nỗ lực, vất vả, hy sinh của các chiến sĩ, đồng thời thể hiện sự tin tưởng tới các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để cho đất liền, để cho Thủ đô được bình yên.
Trong hành trình, anh đã đến trực tiếp 3 điểm trường học có thiếu nhi là đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa, mỗi đảo có từ 9-12 em, các trường học được thiết kế có phòng học và phòng thư viện với nhiều đầu sách. “Khi tôi đến, các em vẫn đang trên lớp được thầy giáo giảng bài. Khi biết có các cô chú Hà Nội từ đất liền ra thăm, thầy giáo và các em học sinh đều rất vui mừng và đón tiếp chúng tôi. Tôi đã chia sẻ và gửi các lá thư, bức thiệp, tặng đồ chơi, các em đã rất xúc động bởi tình cảm của cô chú đoàn Hà Nội nói riêng và thiếu nhi Thủ đô nói chung. Những lá thư của học sinh từ đất liền gửi ra khiến cho các cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân vô cùng xúc động. Sự quan tâm, ngưỡng mộ, yêu quý của những bạn nhỏ ở đất liền nói riêng và người dân quê hương nói chung là động lực giúp các chiến sĩ vững chắc tay súng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” – anh Xuân kể.