Siết chặt khâu đào tạo lái xe để phòng ngừa tai nạn

NGỌC PHẠM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vụ tai nạn giao thông do ô tô “điên” gây ra vào chiều ngày 5/4 tại ngã tư đường Võ Chí Công – Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) đã làm 18 người bị thương. Sau vụ việc, rất nhiều ý kiến lên tiếng cần phải xem xét, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, qua kiểm tra, lái xe gây tai nạn không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ tai nạn là do tài xế đạp chân phanh nhầm thành chân ga.

Đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng để lại những hậu quả thương tâm do nguyên nhân trên gây ra. Trên các hội nhóm và diễn đàn về an toàn giao thông, nhiều người đã bày tỏ sự đau xót, chia sẻ cùng các nạn nhân và lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng cần phải thắt chặt hơn trong công tác đào tạo lái xe hiện nay để mỗi người dân điều khiển phương tiện ô tô trên đường cần phải có những kỹ năng xử lý, ý thức phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.

Tại diễn đàn “Lái xe an toàn” trên mạng xã hội facebook, chủ tài khoản Anh Vũ bày tỏ: “Việc học lái xe thời gian qua còn có nhiều kẽ hở. Họ quên rằng giấy phép lái xe chính là quyền quyết định sinh mạng người tham gia giao thông. Hãy tham khảo và học tập một số nước khác. Quy trình đào tạo rất nghiêm ngặt, nói không với tiêu cực và siết chặt đầu ra để đảm bảo người được cấp bằng được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý tình huống trên đường. Hơn nữa những lái xe mới có bằng, trên xe có dán logo "người mới có bằng lái".

Chủ tài khoản Phan Thiết Hùng cũng đồng quan điểm: “Nên xây dựng lại qui trình đào tạo, dạy kỹ hơn luật giao thông đường bộ, nhấn mạnh vào những hậu quả thương tâm do vi phạm lụat, đi sai đường sẽ thế nào. Nhiều người đi ô tô nhưng vẫn giữ thói quen lái xe tùy tiện như đi xe máy. Quan trọng nữa là phải hướng dẫn thuần thục kỹ năng chạy trên đường. Cuối cùng cơ quan phải nghiên cứu siết chặt qui trình sát hạch sao cho khi nhận bằng là người lái xe phải chuẩn để ngăn ngừa vụ tai nạn giao thông đáng tiếc”.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, ông Hàn Vi Quân – Giảng viện dạy lái xe tại một Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe tại quận Long Biên cho rằng, hiện nay công nghệ thông tin đang bùng nổ thì chương trình đào tạo lái xe cần phải thay đổi cách tiếp cận để các cơ sở dạy nghề không bị vướng, học viên không bị làm khó do các quy định đã lỗi thời. 

Qua tìm hiểu, hiện việc đào tạo lái xe vẫn theo kiểu ‘truyền thống’ với các môn học lý thuyết. Học viên điểm danh trên lớp, việc truyền đạt kiến thức phải diễn ra trên lớp với 8 giờ/ngày và trong 21 ngày... không còn phù hợp với đại đa số người học là cán bộ công nhân viên chức, nhân viên văn phòng, người lao động ở công sở... Thay vào đó, có thể thực hiện dạy trực tuyến, học viên có thể học ở mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng cần phải thay đổi, đáp ứng tiêu chí ‘dạy những cái người học cần và xã hội cần’. Đây là vấn đề được đề cập trong Công văn số 28/CV-HHVT của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sửa đổi một số quy định không phù hợp trong lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô.

Chẳng hạn, ở phần học lý thuyết, môn cấu tạo và sửa chữa thông thường được phân bổ trong 18 giờ học được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá là “cưỡi ngựa xem hoa”, người học hiểu được đã khó thì không thể nói đến sửa chữa, kể cả sửa chữa vặt. Ngoài ra, phần học, hướng dẫn xử lý tình huống giao thông trên máy mô phỏng. Với việc học trên máy mô phỏng sẽ khiến người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm. Trong thực tế mỗi người có cách xử lý tình huống khác nhau, với người mới học lái xe thường nhận được lời khuyên nên ‘xử lý non’ sẽ an toàn hơn, nhưng nếu trên clip người học xử lý non hơn người viết phần mềm là trượt. Theo lãnh đạo một số trung tâm lái xe, quan trọng là không thể ‘bê’ tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế, bởi khi đi trên đường người lái đang ở trong một không gian hoàn toàn khác, một tầm nhìn hoàn toàn khác, một trạng thái tâm lý hoàn toàn khác so với ngồi trên màn hình nên cũng sẽ có cách nhận định và  xử lý trên thực tế hoàn toàn khác khi ngồi trước màn hình...

Siết chặt khâu đào tạo lái xe để phòng ngừa tai nạn  - ảnh 1

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra chiều ngày 5/4 vừa qua tại ngã tư đường Võ Chí Công – Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: PV

Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, sửa đổi các chương trình trong đào tạo lái xe theo hình thức rút gọn để ổn định và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.

Về vấn đề này, mới đây tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý 1/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý 2/2023, ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm. Thanh tra Bộ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá đề xuất, kiến nghị của các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, sát hạch, các chuyên gia và dư luận xã hội. Trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để phù hợp thực tiễn, nâng cao chất lượng, tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: