Sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bộ Tài chính đưa vào Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2025. Trong khi thực tế, giá cả biến động thì chính sách thuế, biểu thuế, mức giảm trừ gia cảnh… vẫn đang cho thấy bất cập, tạo áp lực cho người lao động.

Sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế - ảnh 1
Người dân đến nộp thuế tại Cục Thuế thành phố Hà Nội

Nghịch lý về nộp thuế thu nhập cá nhân
Trước thông tin Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026), dư luận đang “dậy sóng” về việc chờ đợi thêm gần 4 năm nữa là quá dài cho một việc cấp thiết, ảnh hưởng đến nhiều gia đình. 

Đáng chú ý là quy định về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế hiện hành là 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng/người được cho là không đủ để đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Anh Lê Đạt làm ở công ty tư nhân, với mức lương 23 triệu đồng/tháng, anh phải đóng thuế ở mức thứ 3 là mức 15%. Anh Đạt mới lập gia đình, vợ thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà 6 triệu đồng/tháng. Tính mức giảm trừ cho con nhỏ sắp chào đời, thu nhập anh được trừ là 4,4 triệu đồng, trong khi anh sẽ phải thuê người trông con lên tới 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Đạt nhận thấy những khó khăn cho cuộc sống gia đình khi mức giảm trừ gia cảnh thấp, không đủ để chi tiêu. 

Tương tự anh Đạt, các lao động khác cũng lên tiếng vì còn các khoản nuôi con ăn học, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện, nước, phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, khám chữa bệnh, thuốc khi ốm đau…Thêm vào đó, hơn 2 năm qua, dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, việc duy trì mức thuế TNCN hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.

Trong khi cách tính thuế TNCN không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP Hà Nội), khi chính sách ban hành ra không còn phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi cho phù hợp và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, đối với sửa đổi chính sách thuế TNCN, nếu chờ Quốc hội sửa luật sẽ rất lâu nên cần linh hoạt, cho phép Chính phủ được điều chỉnh mức chịu thuế TNCN khi CPI tăng ở một mức nào đó. Việc này sẽ giúp luật theo sát với biến động thực tế cuộc sống hơn.

Cần linh hoạt, tính thuế TNCN phù hợp thực tiễn
Cho rằng hiệu quả của một sắc thuế là phải đảm bảo các tiêu chí về tính đơn giản, dễ thực thi; chi phí tuân thủ thấp; tính công bằng… Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn (Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật) nêu, với sắc thuế TNCN hiện có đến 7 bậc, sau khi giảm trừ gia cảnh thì tính thuế 5% cho 5 triệu đồng tăng thêm và 10% cho 5 triệu đồng kế tiếp; mức 15% cho 8 triệu đồng tiếp theo; 20% cho 14 triệu đồng tiếp theo; 25% cho 20 triệu đồng tiếp theo; 30% cho 28 triệu đồng tiếp theo; cao nhất là 35% đối với khoản thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng. Các bậc thuế tăng dần nhưng mức tiền không giống nhau như vậy khiến việc tính toán, thực thi rất khó khăn. 

Còn theo luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), thuế suất thuế TNCN đối với người làm công ăn lương mức cao nhất là 35%, cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp (chỉ 20%) thì quá bất hợp lý. Bởi, trong khi, doanh nghiệp sản xuất thì mọi chi phí đi lại, mua sắm công cụ làm việc được khấu trừ, sau đó có lãi mới tính thuế 20%; còn người lao động dù thu nhập có bao nhiêu cũng chỉ được khấu trừ 11 triệu đồng/tháng, dù không đủ cho những chi phí cơ bản của cuộc sống. Cụ thể như: Thuê nhà, mua nhà trả góp, lãi suất ngân hàng, mua xe, quần áo… của người làm công ăn lương lại không được đưa vào chi phí khấu trừ. 

Trong năm 2022, đoàn đại biểu Quốc hội của nhiều tỉnh thành gồm Đà Nẵng, Phú Thọ... cũng liên tiếp kiến nghị Quốc hội sớm sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Cụ thể, đề nghị mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cần phải được nâng kịp thời. Bởi mức 4,4 triệu đồng/tháng không đủ chi cho những nhu cầu tối thiểu gồm ăn ở, học hành... Cũng theo kết quả vừa rà soát toàn bộ 35 điều của Luật Tthuế TNCN, Bộ Tài chính xác định có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.