Tăng cường công tác tuyên truyền để hạn chế di canh, di cư

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, từ thực trạng di canh, di cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, nhất là người Mông, Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp, cũng như đánh giá về những dự án tái định cư di dân, việc chồng lấn đất đai do di dân hiện nay.

Cụ thể, theo đại biểu Mào, hiện nay, mặc dù có nhiều chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi và đã được thực hiện rất lâu nhưng vẫn còn một bộ phận người dân, chủ yếu là người dân tộc Mông vẫn du canh, du cư từ nơi này sang nơi khác để phát nương, làm rẫy. Họ mang theo cả gia đình, con cái sinh sống tại các nhà chòi, nhà tạm, điều kiện về ăn ở khó khăn, giáo dục cho con em không được đảm bảo. 

Tăng cường công tác tuyên truyền để hạn chế di canh, di cư - ảnh 1
Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Về vấn đề dân tộc Mông di cư, đây là một dân tộc cụ thể mà đại biểu đặt câu hỏi. Tuy nhiên, qua quá trình đánh giá và khảo sát thì chúng tôi thấy rằng đồng bào di cư không theo kế hoạch và từ địa phương này sang địa phương khác trong phạm vi cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc di cư vào khu vực Tây Nguyên thì không phải chỉ một mình đồng bào dân tộc Mông, thậm chí có những địa phương, đồng bào dân tộc Mông chỉ là số ít hơn một số dân tộc khác.

Nhưng về tập tục, tập quán thì từ trước đến nay là đồng bào dân tộc Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn và có những trường hợp di cư đến nhiều địa bàn, nhiều tỉnh khác nhau. Có những hộ gia đình hiện nay chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3-4 tỉnh, đây là những thực trạng xảy ra. Lý do tại sao? 

"Theo ý kiến của đại biểu thì tôi cũng có nghiên cứu vấn đề này và báo cáo các đại biểu Quốc hội là đồng bào dân tộc Mông có một tập quán là nhiều khi anh em ở đâu hoặc điều kiện tốt hơn, chỉ nghe thế thôi là có thể đi rồi, nhưng cộng đồng rất cao, cho nên khi đi là thường đi theo cả gia đình hoặc theo cả cộng đồng dòng họ và có dòng họ ở đâu nghe ở đây tốt hơn, điều kiện tốt hơn là người ta sẵn sàng đi đến những nơi đấy. Đấy gọi là về mặt tập quán" - Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.

Tăng cường công tác tuyên truyền để hạn chế di canh, di cư - ảnh 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Bộ trưởng cũng nhận định: "Ta không thể tránh khỏi chuyện phải thẳng thắn, đó là điều kiện kinh tế - xã hội ở những vùng nơi đang ở và so sánh với những vùng nơi đến có điều kiện thuận lợi hơn để canh tác, để sản xuất và trong thực tiễn đã chứng minh là người dân tộc Mông cũng như nhiều dân tộc khác di chuyển đến những địa bàn có điều kiện hơn thì điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và người ta làm giàu, rồi thành phố khá tăng lên. Đấy là hấp dẫn để cho người dân di chuyển đến".

Hơn nữa, ở nơi người ta đang ở cũng có thể xảy ra những trường hợp thiên tai, bão lũ, địch họa gì đó, người ta cảm thấy không an lòng và người ta đi tìm được nơi tốt đẹp hơn, người ta chủ động đi từ địa phương này sang địa phương khác, tìm qua nhiều lần và đến nơi nào ở ổn định thì người ta ở, đấy là một cách hết sức tự phát. 

Đề cập đến giải pháp để điều chỉnh thực trạng trên, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng: Công tác tăng cường giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân là một việc hết sức quan trọng, chấp hành trước hết là pháp luật; làm sao người dân hiểu được các quy định pháp luật, nếu anh có nguyện vọng hoặc anh có điều kiện để di chuyển nơi khác thì anh phải báo cáo hoặc có điều kiện cho phép thì anh mới đi. 

Tăng cường công tác tuyên truyền để hạn chế di canh, di cư - ảnh 3
Quang cảnh phiên chất vấn

Bộ trưởng Hầu A-Lềnh cho biết: Cần kịp thời nắm bắt và giải quyết những vướng mắc của các hộ gia đình đấy, của nhóm cộng đồng dân cư đấy, của dòng họ đấy ở tại địa phương đấy để làm sao người ta thấy an lòng, người ta cảm thấy được giải quyết ngay tức khắc, người ta cũng cảm thấy ở đâu đều là trên đất nước Việt Nam này cả và đều có sự quan tâm của chung của Đảng, Nhà nước, của các cấp, chính quyền địa phương thì người ta cũng an tâm để sinh sống.

Về vấn đề tập quán, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Chúng ta cũng phải có những giải pháp để giải quyết những tập tục không còn phù hợp, bằng biện pháp tổng hợp để người dân nhận thức được vấn đề và người ta không tiếp tục thực hiện việc di cư một cách tự phát làm khó cho công tác quản lý cũng như ảnh hưởng đến chính sách và đời sống của họ.

 

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức 18 lớp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình

Tổ chức 18 lớp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình

(PNTĐ) - Trong Quý I/2024, Trung tâm y tế huyện Mê Linh phối hợp với Ban chỉ đạo dân số và phát triển tại 18 xã, thị trấn huyện Mê Linh, thực hiện 18 lớp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép truyền thông về các hoạt động xã hội hóa công tác dân số.