Tỷ giá USD tăng trở lại: Dòng tiền nên đầu tư vào đâu cho hiệu quả?

Nhật Vy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong tháng 10/2024, tỷ giá USD so với đồng Việt Nam tăng trở lại. Điều này có thể giúp ngành xuất khẩu hưởng lợi, song cũng gây ảnh hưởng đến nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài và các doanh nghiệp nhập khẩu...

Tỷ giá USD tăng trở lại: Dòng tiền nên đầu tư vào đâu cho hiệu quả? - ảnh 1
Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp bình ổn tỷ giá USD.

Giá USD tăng mạnh

Giai đoạn từ đầu năm đến trung tuần tháng 9/2024 đánh dấu nhịp tăng mạnh của đồng USD so với đồng Việt Nam. Có lúc, 1 USD đổi được hơn 25.500 đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay của đồng USD.

Giai đoạn đầu tháng 10/2024, giá USD giảm mạnh về mức 1 USD đổi được gần 24.100 đồng. Đây cũng là thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố giảm lãi suất của đồng USD dựa trên những tín hiệu khả quan về tình hình lạm phát của nền kinh tế Mỹ.

Theo lịch sử giá, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tỷ giá trung tâm VND/USD cho ngày 1/10 là 24.093 đồng, giảm 25 đồng so với ngày 30/9. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở 2 chiều mua - bán là 23.400 - 25.247 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD ngày 1/10 tại Hà Nội là 25.036 - 25.136 đồng/USD, giảm 15 đồng chiều mua và 35 đồng chiều bán so với phiên trước. Thị trường tự do thường giao dịch với giá cao hơn so với hệ thống ngân hàng (PV).

Trên hệ thống ngân hàng ngày 1/10, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở chiều mua - bán là 24.370 - 24.740 đồng/USD. BIDV niêm yết tỷ giá USD là 24.430 - 24.740 đồng/USD. Vietinbank niêm yết tỷ giá USD là 24.233 - 24.733 đồng/USD. Eximbank niêm yết tỷ giá USD là 24.360 - 24.720 đồng/USD.

Đến đầu tháng 11, tỷ giá tiếp tục quay đầu tăng, thậm chí chạm vùng đỉnh lịch sử trước đó. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 1/11, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 2/11 là 1 USD bằng 24.242 đồng. 

Tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố thực tế thấp hơn so với tỷ giá hối đoái tại Cục Quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Cụ thể, Cục này công bố tỷ giá 1 USD bằng 25.450 đồng.

Diễn biến thực tế tại hệ thống ngân hàng cho thấy, giá USD được giao dịch cao hơn tỷ giá trung tâm. Theo dữ liệu ngày 2/11, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức 25.454 đồng đổi 1 USD - tăng 1.361 đồng so với ngày 1/10. Ngân hàng Agribank, Viettinbank, BIDV cũng niêm yết giá bán USD ở mức 25.454 đồng đổi lấy 1 USD.

Giá USD tại Việt Nam tăng trong bối cảnh đồng pha với diễn biến giá của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế. 

Trên thị trường Mỹ, chỉ số đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,34%, đạt mốc 104,32 điểm.

Đồng USD đã tăng trở lại trong phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu mới cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm lại đáng kể vào tháng 10 trong bối cảnh gián đoạn do bão và hành động đình công của công nhân Hãng chế tạo máy bay Boeing khu vực Bờ Tây.

Chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến kinh tế?
Giới phân tích cho rằng, việc chênh lệch tỷ giá một mặt giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thu về khoản lợi nhuận tốt. Nhưng ngược lại, ngành nhập khẩu và thu hút dòng tiền đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thống kê thị trường chứng khoán Việt Nam 10 phiên giao dịch cuối tháng 10 cho thấy, nhóm đầu tư nước ngoài rút ròng gần 9.000 tỷ đồng ra khỏi thị trường. Cá biệt như phiên 29/10, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 5.125 tỷ đồng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) giải thích. Hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút tiền liên tục có nguyên nhân trực tiếp do chênh lệch tỷ giá USD so với đồng Việt Nam tăng cao. Chênh lệch lãi suất tăng khiến cho lợi nhuận trên thị trường bị bào mòn - hay còn gọi là lỗ từ chênh lệch tỷ giá. Do đó, dòng tiền sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như vàng, bất động sản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng có lãi suất cao…

Chênh lệch tỷ giá cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế đến 15/10/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD, tăng 17,5%. Việc chênh lệch tỷ giá tăng cao đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tiền hơn cho việc mua sắm, nhập khẩu hàng hóa do phải quy đổi ra tiền USD.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu lại được hưởng lợi. Chỉ trong nửa tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,15 tỷ USD, trong đó, 4 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc, dụng cụ, phụ tùng, dệt may. Các nhóm ngành như giày dép, thủy sản, rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép… cũng đem về nguồn thu hàng triệu USD.

Thống kê từ đầu năm đến giữa tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 315,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thống kê đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thặng dư 21,24 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, trong trường hợp giá USD tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các giải pháp tăng nguồn cung trên thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhằm giảm chênh lệch tỷ giá.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

Hơn 30 tác phẩm đạt giải tại cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

(PNTĐ) - Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) vừa tổ chức Lễ tổng kết chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.