Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Phóng sự của: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản - ảnh 1
Đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng nhắn tin với chị N.T.M.

Lợi dụng tâm lý chủ quan, giao hàng giờ hành chính

Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử, thời của mua sắm và giải trí của Corinne Catherine phát hành vào đầu tháng 4/2024, số lượng khách hàng Việt Nam ưa thích lựa chọn mua sắm online hiện đã chiếm tỷ lệ lên tới 50%. Trong đó, có 61% người mua hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), 55% qua các mạng xã hội như facebook, instagram, zalo và 34% qua các website TMĐT bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, trong thời gian qua xảy ra hiện tượng lộ thông tin cá nhân trên các nền tảng TMĐT, tạo kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Ngày 3/10/2024, bà Hoa (66 tuổi, trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) đến Công an phường Bồ Đề trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo lời kể, bà Hoa nhận được cuộc gọi của một đối tượng xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn hàng cần thanh toán. Do không có nhà, bà Hoa nói người giao hàng để lại hàng rồi chuyển khoản. Thế nhưng, dù đã thanh toán đúng số tiền được thông báo, đối tượng lại nói chưa nhận được tiền, đồng thời hướng dẫn bà Hoa nhấn vào một đường dẫn điện tử. Hậu quả sau khi làm theo hướng dẫn, bà Hoa phát hiện 2 tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 100 triệu đồng.

Anh N.T.T (34 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ngày 5/10/2024, anh có đặt một đơn hàng trị giá 261.859 đồng trên trang thương mại điện tử Shopee. Đến ngày 9/10, anh T nhận được nhiều cuộc điện thoại từ đầu số 07.xxx.xxxx tự xưng là nhân viên giao hàng. “Cuộc gọi đầu tiên tôi nhận được vào đầu giờ chiều ngày 9/10. Khi gọi điện, đầu bên kia đọc rõ tên, địa chỉ giao hàng và giá trị đơn hàng. Điều này khiến tôi tưởng đó là nhân viên giao hàng thật. Khi thấy tôi thông báo không có nhà thì những người này yêu cầu tôi chuyển tiền thanh toán đơn hàng rồi sẽ gửi hàng ở đâu đó đến khi tôi về qua nhận. Nhưng sau khi tôi yêu cầu phải được đồng kiểm mới thanh toán đơn hàng thì những người này lấy nhiều lý do khác nhau để từ chối. Thậm chí, có người còn doạ nếu tôi không nhận hàng thì sẽ chuyển hoàn và bị Shopee đánh giá, xoá tài khoản người dùng trên trang TMĐT này”- anh T kể.

Sự thật đến ngày 10/10/2024, anh T mới nhận được cuộc gọi chính xác từ đơn vị giao đơn hàng anh đã đặt trên Shopee. 

Chị N.T.M (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể, chiều tối ngày 29/9/2024, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ giới thiệu là nhân viên giao hàng đến nhà của chị để giao đơn hàng có giá trị 111.000 đồng. Lúc này, chị không có nhà nên đã hẹn thời điểm giao hàng khác. Tuy nhiên, đối tượng này thúc giục nhận hàng với lý do nếu không giao sẽ không kịp chỉ tiêu. Do trước đó cũng đã đặt đơn hàng giá trị tương tự qua mạng, chị M đã không nghi ngờ mà chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu.

Sau khi chuyển tiền thành công, chị tiếp tục nhận được tin nhắn từ đối tượng, cho biết đối tượng này đã gửi nhầm số tài khoản, nên yêu cầu kết bạn và nói rằng số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên “Giao Hàng Tiết Kiệm”, khi chuyển tiền vào tài khoản đó, Trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của chị M. Đồng thời, người tự nhận là nhân viên giao hàng này cũng gửi kèm một đường dẫn điện tử, giới thiệu là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để chị M liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản - ảnh 2
Đối tượng Phan Văn Tùng (26 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) giả nhân viên giao hàng để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 130 triệu đồng.
Ảnh Công an TP. Hà Nội cung cấp

Đối tượng liên tục gọi điện thúc giục chị M vào đường dẫn điện tử trên để nhắn tin hủy đăng ký và dọa rằng tài khoản chị sẽ bị trừ tiền. Lúc này, do đang ở ngoài và cũng lo sợ bị trừ tiền nên chị M đã truy cập đường dẫn và nhắn tin theo hướng dẫn. Thế nhưng, khi hệ thống yêu cầu chị M vào tài khoản ngân hàng và bật tính năng tài khoản doanh nghiệp chị M bắt đầu nhận thấy có điều bất thường. Ngay lập tức, chị M đã dừng lại mọi thao tác, liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại và phát hiện mình bị lừa.

Ngày 5/10/2024, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự Phan Văn Tùng (26 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng. Trước đó, Tùng từng làm nhân viên giao hàng. Trong quá trình này, đối tượng đã phát hiện nhiều sơ hở của khách hàng mua hàng trên các trang thương mại điện tử. Khách hàng thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi tiền mua hàng qua số tài khoản cho nhân viên giao hàng.

Nhận thấy đây là kẽ hở có thể lợi dụng để chiếm đoạt tài sản từ người mua hàng, Tùng đã tìm thông tin khách hàng rồi điện thoại tự giới thiệu là nhân viên giao hàng. Nếu đầu dây bên kia trả lời là có thể nhận hàng ngay lúc đó thì Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời là không thể nhận hàng ngay lúc đó thì đối tượng thông báo sẽ để bưu kiện hàng vào nhà và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân rồi chiếm đoạt. Có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, Tùng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi tiếp tục chiếm đoạt.

Kẽ hở từ đâu?
Tính đến giữa tháng 10/2024, lực lượng công an ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Kon Tum, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Cao Bằng, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Thanh Hoá… đã phát đi thông tin cảnh báo người dân về tình trạng kẻ gian giả nhân viên giao hàng gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản - ảnh 3
Nhiều người lo ngại bị lộ thông tin, hoạt động cá nhân có thể dẫn tới bị lừa đảo, mất tiền khi đặt hàng trên các trang thương mại điện tử.

Trung tá Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng đội 3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: "Các đối tượng thường thay đổi rất nhiều chỗ ở để nhằm che giấu thông tin cá nhân. Lợi dụng, mua bán tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện việc chuyển và nhận tiền. Đối tượng sẽ tham gia vào các hội nhóm để mua các dữ liệu về khách hàng, với số lượng lên đến hàng triệu khách hàng ở trên không gian mạng".

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chia sẻ: “Ngay cả bản thân tôi, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lừa đảo trên không gian mạng, cũng đã gặp phải tình huống này. Trong tuần vừa qua, tôi đã nhận được hai cuộc gọi từ đối tượng lừa đảo giả mạo làm shipper và trao đổi về những đơn hàng mà tôi không đặt. Với một người có nhiều kinh nghiệm, tôi cũng phải mất vài giây mới nhận ra đây là cuộc gọi lừa đảo. Điều này cho thấy mức độ tinh vi và chân thật của các cuộc gọi lừa đảo hiện nay rất cao”.

Theo ông Sơn, đây là vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dữ liệu cá nhân bị rò rỉ. Thứ nhất, nhiều hệ thống có dữ liệu lớn, chứa thông tin cá nhân quan trọng, lại không được bảo mật tốt. Điều này tạo cơ hội cho đối tượng xấu tấn công và xâm nhập, từ đó đánh cắp thông tin của người dùng. Tiếp theo, quy trình quản lý dữ liệu tại nhiều tổ chức không chặt chẽ. Nhân viên, thậm chí là những người không liên quan trực tiếp đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, vẫn có thể tiếp cận được các dữ liệu này. Sau đó, dữ liệu này bị rò rỉ và bị mua bán, trao đổi dẫn đến tình trạng thông tin của người dùng rơi vào tay các đối tượng lừa đảo.

Từ phía người bán hàng, việc bảo vệ dữ liệu của khách hàng, đặc biệt là thông tin về các đơn hàng là vô cùng quan trọng. Đã có nhiều vụ việc cho thấy thông tin khách hàng bị rò rỉ từ chính các đơn vị bán hàng. Mặc dù có thể không phải do đơn vị bán cố ý, nhưng nhân viên trực tiếp làm việc cho đơn vị bán hàng có thể lợi dụng thông tin này để trục lợi. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ bảo mật thông tin từ phía người bán là điều vô cùng quan trọng. Một nguyên nhân khác đến từ chính sự chủ quan của người dùng.

Họ thường dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến. Điều này làm gia tăng nguy cơ bị lộ thông tin, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu thực hiện các hành vi lừa đảo.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.
Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

(PNTĐ) - Chiến lược xây dựng các tuyến vành đai đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội cơ hội phát triển, không những trở thành hạt nhân của Vùng Thủ đô mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế rõ nét, sâu rộng. Mỗi tuyến giao thông mới của Hà Nội xây dựng đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển đô thị, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó ngày một nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.