Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ

Phóng sự của Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trào lưu nuôi bò sát làm thú cưng của giới trẻ Hà Nội đang lan rộng trong những năm gần đây. Những con vật như trăn, rắn, kỳ nhông Iguana (hay còn gọi là rồng Nam Mỹ), nhện… với hình thù nổi bật có giá lên tới gần trăm triệu đồng được nhiều người săn lùng, tìm mua. Con vật nào hình thù càng kỳ dị, càng khó tìm thì càng thể hiện “đẳng cấp” của người sở hữu, cũng chính vì thế mà giá của chúng cũng không hề rẻ.

Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ - ảnh 1
Bò sát độc lạ được bày bán tại một cửa hàng tại Hà Nội thu hút nhiều khách hàng tới mua. Ảnh: Bắc Lưu

Chi hàng trăm triệu đồng biến bò sát thành thú cưng
Thời gian gần đây khi mốt nuôi chó, mèo, chim cảnh… dường như đã quá phổ biến, nhiều người trẻ tuổi lại hướng tới nuôi những con vật có hình thù độc lạ, thường chỉ thấy trên các chương trình thế giới động vật. Anh Nguyễn Hoàng Việt - một người bán các loài động vật bò sát này trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bán thú bò sát nhiều năm nay, khách hàng đủ cả, nhưng chủ yếu là những người trẻ tuổi, thích thể hiện sự mới lạ và bản tính tò mò, thích khám phá của mình. Chủng loại đa dạng từ trăn, rắn, kỳ nhông, nhím, nhện, bọ cạp... Giá của các loài thú cũng khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, sự quý hiếm trên thị trường. Các loại đang được giới trẻ ưa chuộng là rồng Nam Mỹ, nhện, rùa, rắn, thằn lằn da báo”.

Những con thú khác có giá cao ngất ngưởng cũng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Vừa nói anh Việt vừa cho chúng tôi xem một con nhện Tarantula có nguồn gốc từ châu Phi. Loài này sẽ tùy màu sắc, độ mau lớn ít hay nhiều mà có giá khoảng 500.000 đồng - 2,5 triệu đồng/con. Nhện cảnh mới mua về nhỏ như cây tăm, nếu nuôi 3 năm có thể bán được 3 - 4 triệu đồng/con. So với các loại bò sát nội, hàng nhập ngoại có sự chênh lệch khá lớn về giá cả. Các loại bò sát Việt Nam như rắn, trăn, tắc kè có giá dao động từ 200.000 - 1 triệu đồng/con; kỳ nhông từ 80.000 - 250.000 đồng/con; tắc kè hoa từ 80.000 - 150.000 đồng/con. Các loại bò sát nhập ngoại giá khá cao, thậm chí có con lên tới hàng triệu đồng như: Rồng Úc kích thước 7 - 10cm có giá từ 400 - 800.000 đồng/con; loại lớn hơn có giá 5 triệu đồng/con. 

Đắt hơn phải kể đến cự đà Nam Mỹ, với loại nhỏ từ 30 - 40cm có giá 3 - 3,5 triệu đồng/con, loại 70 - 80cm có giá từ 5 - 7 triệu đồng/con, loại lớn gần 2m có giá đến gần 20 triệu đồng/con. Với những con cự đà đã trưởng thành với màu sắc đẹp, gương mặt có "thần thái" với cái bướu hai bên cũng như có cả sừng trên đầu giá lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. “Phần lớn nguồn hàng tôi phải nhập về từ Thái Lan. Mức giá đắt, rẻ phụ thuộc vào kích thước, dòng và màu sắc. Ví dụ, với cự đà Nam Mỹ, con màu xanh lá cây có kích thước khoảng gần 1m có giá khoảng 2,5 triệu nhưng loại xanh nước biển, màu đỏ cùng kích thước giá lại cao hơn hẳn từ 5 - 7 triệu đồng”- anh Việt nói. 

Anh Phạm Văn Trung, 26 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) đến cửa hàng của anh Việt tìm mua một con rồng Úc với yêu cầu màu vàng, thuộc chủng hiếm có ở Việt Nam. Sau khi trao đổi với chủ cửa hàng, anh Trung chấp nhận chi ra số tiền gần 10 triệu đồng để mua. Tuy nhiên, loại này không phải lúc nào cũng có mà buộc anh Trung phải đặt cọc và chờ đợi, khi nào tìm được chủ cửa hàng sẽ thông báo sau. Anh Trung cho biết, bản thân mới làm quen với thú chơi này được gần nửa năm chi khá nhiều tiền cho đam mê này. Những loài bò sát ở nước ngoài, hình thù càng kỳ dị thì càng được nhiều người tìm mua. Để đáp ứng đam mê của mình, anh Trung phải đầu tư thêm 2 chiếc hồ bằng kính, một chiếc lồng sắt rộng 1,5m x 1,2m, dàn đèn bổ sung vitamin và tấm sưởi có thể bảo đảm nhiệt độ từ 48-500C nếu cần thiết. Hằng ngày, ngoài việc thường xuyên dọn, rửa thảm lót, anh Trung còn tốn không ít tiền cho việc mua thức ăn, chủ yếu là dế và các loại rau, củ được thái nhỏ, cho chúng tắm nắng, tập thể dục để không bị tự kỷ. 

Lý giải cho sở thích của mình, anh Trung bày tỏ: “Ngày trước tôi có chơi chim, cá cảnh, rồi thấy vài người bạn nuôi bò sát thấy hay hay nên tập tành làm quen rồi nghiền lúc nào không biết”. 

Nói về sở thích nuôi những loài bò sát độc lạ, chị Nguyễn Hoàng Trà My (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: Cũng giống như việc nuôi thú cưng là chó, mèo… có những giống đắt và giống rẻ. Giá của các loại bò sát cũng có sự dao động từ 50.000 đồng/con đến hàng chục, hàng trăm triệu/con. Sau nhiều năm nuôi bò sát, hiện chị sở hữu khoảng 40 con thuộc nhiều loài khác nhau như trăn, thằn lằn, rồng Úc. Ước tính, tổng số tiền mà chị đầu tư nuôi và chăm sóc những loài bò sát này lên tới hơn 300 triệu đồng. Trong đó, loài đắt nhất chị sở hữu là con trăn có giá 85 triệu đồng vì thuộc dòng hiếm, màu độc lạ và chứa mẫu gene nổi trội. 

Mỗi loài bò sát được nuôi và chăm sóc trong những chiếc hộp khác nhau, có thiết kế trong suốt kèm nhiều lỗ nhỏ để gia chủ thuận tiện quan sát và giúp đảm bảo lượng o-xy cần thiết cho chúng hít thở. Chị Trà My còn đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chuyên dụng để chiếu tia UVA, UVB, tạo môi trường có đủ lượng ánh sáng cần thiết cho các con vật. Tùy thuộc vào từng loài bò sát để quyết định việc nuôi chúng có tốn kém hay không. Có những loại cả tuần chỉ cần cho ăn một lần, nhiều loại hàng tháng chỉ mất từ 100-200.000 đồng tiền thức ăn. Với bản thân Trà My, việc lựa chọn nuôi bò sát chỉ đơn thuần xuất phát từ sự tò mò và niềm vui khi được chăm sóc, ngắm những loài bò sát. Tuy nhiên, với nhiều người việc nuôi những loài bò sát có hình thù độc lạ không chỉ là thú vui mà đó còn là con vật phong thủy có thể giải hạn. Vì thế, một số người đã đổ xô đi tìm mua vừa để thỏa trí đam mê, vừa mong gặt hái được thành công, may mắn trong cuộc sống.
Ẩn hoạ mầm bệnh nguy hiểm
Anh Nguyễn Hoàng Việt khẳng định, các loài bò sát thường khó thuần hoá. Nhất là những loài như rắn, nhện và cá sấu. Nếu chấp nhận thì đến một ngày nào đó cũng sẽ có một vài sự cố xảy ra như nuôi chó mèo thì bị cào vậy. Nuôi sau một thời gian, nó sẽ ít sợ mình và ít cắn hơn. Đối với người nuôi có kinh nghiệm, hiểu về loài mình nuôi thì có thể đoán trước khi nào nó khó chịu, không động vào, hoặc cách bắt như thế nào để không bị cắn. Chẳng hạn như có những loài có tính lãnh thổ, nếu ở trong nhà chúng thì chúng cắn, còn đem ra ngoài thì lại ngoan. Hay có loài chọc như thế nào cũng không cắn, nhưng cầm lên thì nó cắn ngay lập tức. 

Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ - ảnh 2
Nhiều người trẻ sẵn sàng chi số tiền lớn biến bò sát độc lạ thành thú cưng đưa đi dạo phố. Ảnh: Bắc Lưu

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với động vật hay côn trùng, muốn nhập khẩu vào Việt Nam thì phải xin hướng dẫn từ Cục Thú y xem con vật đó có nằm trong danh mục cấm hay không. Nếu không nằm trong danh mục cấm, người nhập khẩu phải xin các giấy chứng nhận từ nước xuất khẩu là con vật đó không mang dịch bệnh, được nuôi trong vùng an toàn. Đối với con vật dưới nước, phải được Tổng cục Thủy sản đồng ý cho nhập hay không. 

Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) từng ra cảnh báo: Trong nhiều nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất. Khi được đưa ra môi trường, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh, đến một lúc nào đó sẽ phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát, trở thành loài ngoại lai xâm hại. Nhiều loài được du nhập cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Như trường hợp loài cá lau kiếng cũng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập Việt Nam qua đường kinh doanh cá cảnh (chủ yếu nhập từ Hongkong và Singapore). Đây là loài cá dễ thích nghi với môi trường sông nước, có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Sau thời gian phát tán ra tự nhiên, hiện cá lau kiếng đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác ở cùng một môi trường sống. 

TS Lê Quý Kha - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, nhận định, các loài vật “độc lạ” này nếu không được kiểm soát cẩn thận dễ mang nhiều dịch bệnh, nguồn lây bệnh cho con người từ các loại nấm, vi khuẩn... có hại. Bò cạp có độc tính rất cao, nguy hiểm khi tiếp xúc. Ếch cũng có nguy cơ chứa chất độc, sinh sản nhanh lấn át các loài có lợi khác. Nhện không chỉ có độc mà còn là vật truyền bệnh cho nhiều loại cây trồng. Các sinh vật ngoại này còn lai với sinh vật trong nước làm mất giống bản địa, số lượng lớn có thể làm mất cân bằng sinh thái. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm soát các loài sinh vật này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng

“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng

(PNTĐ) - Nhiều trung tâm chăm sóc thú y ở TP Hà Nội ngày nay không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh cho vật nuôi mà còn có thêm dịch vụ làm đẹp, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, thậm chí dạy cả ngoại ngữ… để đáp ứng nhu cầu của chủ vật nuôi.
Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên

Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên

(PNTĐ) - Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô Hà Nội địa thế thuận lợi, tài nguyên phong phú thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Nếu biết tận dụng và khai thác, TP Hà Nội sẽ đạt được khát vọng vươn mình một cách bền vững, đảm bảo môi trường sống trong lành, là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ người dân nào trên thế giới.
Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

(PNTĐ) - TP Hà Nội với vai trò là Thủ đô - “trái tim” của cả nước đang thể hiện khát vọng lớn lao trở thành đầu tàu cùng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, mọi người dân ấm no, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để xây dựng kỷ nguyên vươn mình bền vững, Hà Nội đã có chủ trương phát triển xanh, trong đó phải giữ được môi trường xanh.
Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần

Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần

(PNTĐ) - Với sự phát triển công nghệ, điện thoại thông minh là vật bất ly thân của số đông người dân Việt Nam, việc tạo ra những bức ảnh chỉ trong tích tắc. Mặc dù vậy, ở Hà Nội, một số họa sĩ vẫn cần mẫn với những nét vẽ truyền thống, truyền thần lại những bức tranh vượt thời gian. Từng nét vẽ bằng muội than của các hoạ sĩ nơi phố cổ Hà Nội vẫn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc, khiến thời gian như lắng đọng để gợi nhớ về ký ức xưa cũ thời ông cha.
Sau Tết, đông đảo công nhân trở lại Hà Nội làm việc

Sau Tết, đông đảo công nhân trở lại Hà Nội làm việc

(PNTĐ) - Sau Tết Nguyên đán, nhiều công nhân, người lao động từ các miền quê đã trở lại Hà Nội, khẩn trương vào việc ngay từ những giờ đầu, ngày đầu của năm mới. Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.