Những phụ nữ ngày đêm giữ sạch đường phố Hà Nội

Phóng sự của Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Giữa không gian tĩnh mịch của Hà Nội về đêm, khi nhiều người đã chìm vào giấc ngủ sâu thì cũng là lúc những người công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu làm việc. Họ đi tới từng con ngõ lặng lẽ cùng chiếc chổi tre, thu gom rác thải, oằn mình cùng chiếc xe rác cao quá đầu người. Dù công việc vất vả nhưng với họ đó còn là niềm tự hào giữ sạch môi trường Thủ đô.

Những phụ nữ ngày đêm giữ sạch đường phố Hà Nội - ảnh 1
Chị Hường thầm lặng thu gom rác thải sinh hoạt khi cả đoạn đường về đêm vắng vẻ, nhiều gia đình đã chìm vào giấc ngủ sâu.

24 năm cần mẫn với công việc vất vả để thành phố “nở hoa”
Dưới ánh sáng hiu hắt trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), thỉnh thoảng bị đèn pha của những chiếc ôtô, xe máy chạy qua chiếu vào mặt, chị Nguyễn Thị Mây - nhân viên Công ty vệ sinh môi trường Hà Nội vẫn cần mẫn với công việc của mình. Chia sẻ trong mồ hôi và xung quanh đầy rác, chị cho biết: “Tôi làm nghề này 24 năm rồi. Từ khi còn trẻ đến nay cũng sắp về hưu. Chẳng cần nói chắc ai cũng biết nghề này rất vất vả. Xưa xung quanh làng Mễ Trì vẫn còn đường đất. Những ngày trời mưa, bùn ngập trên bàn chân, xe rác đã nặng lại càng khó để di chuyển. Nhưng ở thời điểm đó, cư dân ít và cũng nhiều người làm hơn bây giờ. Hiện tại, mỗi tổ dân phố có thêm hàng trăm hộ và số người cứ thế tăng gấp đôi, gấp ba. Các khu chung cư, các dãy hàng quán mọc lên như nấm sau mưa khiến lượng rác thải ngày càng nhiều. Trước kia, mỗi ngày chỉ cần đi gom rác một lượt là sạch phố. Còn bây giờ, mỗi ngày phải 2, 3 ca thì mới tạm sạch”.

Chị Mây hiện đang phụ trách khoảng 2,33km với khoảng 13,344 người của phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Nhẩm tính mỗi người dân phát sinh trung bình 1kg rác thải/ngày thì cũng đủ thấy công việc của chị Mây vất vả đến nhường nào. Làm nghề khác có thể xin nghỉ phép được chứ nghề lao công thì rất khó, bởi rác thải chỉ cần một ngày không dọn dẹp là ngập ngụa đường phố, muốn kiếm người thay cũng không dễ vì ai cũng có phần công việc của mình. Khi làm, phải canh thời gian quét cho kịp xe rác tới, mà rác thì lúc nhiều lúc ít không thể kiểm soát được. Mỗi tuần, chị Mây được nghỉ 1 ngày. Vào những ngày lễ Tết thì hầu như không được nghỉ vì người dân thải ra đường nhiều nên rác la liệt. Nhiều người đi ngang qua xe rác đều bịt mũi, nín thở… nhưng đó là công việc gắn liền với cuộc đời chị. Cũng vì tính chất công việc ấy mà đơn vị nơi chị Mây làm việc có tới 70% nhân viên là nữ. Vất vả là thế nhưng niềm vui vẫn luôn nở thường trực trên khuôn mặt của người phụ nữ ngoài 40 tuổi này cùng lời tâm sự "đến với nghề như là một cái duyên của cuộc sống".

Chị Mây bảo: “Lúc mới vào nghề chưa quen, có những lúc tưởng chừng ngộp thở trong mùi rác thải. Nhưng lâu dần rồi cũng quen, mùi rác theo mình suốt cả ngày. Những người đồng nghiệp chúng tôi thường nói vui với nhau rằng “rác theo mình đến cả bữa ăn, giấc ngủ”. Làm nghề này thì phải chấp nhận với việc đó, lâu cũng thành quen. Được cái hai vợ chồng làm cùng nghề nên thấu hiểu cho nhau nhưng cũng vì thế mà có khi nửa tháng mới có mặt ở nhà vì khác ca, lúc tôi làm về thì anh ấy lại ra đường bắt đầu công việc của mình”.

Mỗi ngày quãng đường từ nhà ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì lên công ty ở quận Hoàn Kiếm với chị Tạ Thị Bích Hường trở nên quen thuộc. Công việc lao công gắn bó với chị Hường đến nay đã 7 năm. Hàng ngày chị đi bộ đẩy xe thu gom, quét rác trong quãng đường dài hơn 2km dọc tuyến phố Hàng Bông, Cửa Nam… từ 18h chiều cho tới rạng sáng ngày hôm sau.

Những phụ nữ ngày đêm giữ sạch đường phố Hà Nội - ảnh 2
Hình ảnh oằn mình cùng chiếc xe chở đầy rác thải trong đêm đã trở lên quen thuộc với những nữ lao công làm việc ở Thủ đô.

Theo chị Hường, nghề quét rác không phải cứ tranh thủ đi làm thật sớm là có thể được về sớm nghỉ ngơi mà được phân công theo ca - kíp cố định. Ca làm nào cũng có những ưu, nhược điểm riêng. Ca sáng phải dậy sớm tinh mơ, ca trưa thì nắng chang chang. Nghề quét rác vốn rất vất vả, cực nhọc lại dễ bị nhiễm độc. Tủi thân nhất là những ngày gió bão, lễ Tết vì không có nhiều thời gian để lo cho gia đình, chồng con do còn bận tăng ca.

"Có đợt bãi rác bị tắc phải đợi cả đêm cho tới khi xe đến đưa rác chúng tôi mới kết thúc công việc. Giữa đêm ra đường giờ này chỉ có lao công như chúng tôi thôi. Công việc vệ sinh môi trường khá vất vả nên chỉ mong mọi người vứt rác đúng nơi quy định. Những hôm lễ Tết, đường phố ngập rác, có khi dọn tới sáng sớm hôm sau mới hết. Quãng thời gian dịch bệnh người dân ít vứt rác bừa bãi hơn nên cũng đỡ vất vả, tuy nhiên đổi lại là nỗi lo lây nhiễm từ những túi rác thải sinh hoạt. Nhiều khi cầm túi rác không tránh khỏi việc bị mảnh vỡ… đâm vào tay. Nhưng nếu không thu dọn sạch sẽ có thể gây nguy hiểm cho người khác. Mình gắn bó với công việc này nên phải làm hết trách nhiệm của mình, bộ mặt đường phố như hình ảnh mình, phải giữ gìn sạch sẽ"- chị Hường nói. 

Chị Hường luôn tâm niệm: Phải quét hết rác chứ không phải làm hết giờ. Xong việc, chị không vội về nhà ngay mà còn đạp xe kiểm tra một lượt suốt dọc tuyến đường. Phát hiện có bịch rác nào của hộ dân mới bỏ ra đường chị lại tiếp tục thu gom, dọn dẹp mới yên tâm về nhà nghỉ ngơi. Hè cũng như đông, mùa nào trong giỏ xe của chị luôn có vài ba chai nước đá để vừa làm vừa uống cho đỡ khát. 

Mong xã hội chung tay để Thủ đô tươi đẹp hơn
Với những công nhân vệ sinh quét rác trong đêm hay những anh chị làm việc vào ban ngày, xung quanh có rất nhiều mối đe dọa tiềm ẩn. Trang phục của họ cũng ít nhiều nói lên điều đó, các sọc phản quang với ánh sáng của đèn đường, đèn xe nhằm dễ nhận biết có người đi bên dưới, nơi vỉa hè để tránh va chạm... Chị Phạm Thị Lý - 44 tuổi, nhân viên lao công khu vực phố Quang Trung (quận Hà Đông) tâm sự, những sự việc như nữ lao công bị xe ôtô tông trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) rồi bỏ chạy vào đêm cuối năm 2021, thậm chí vụ việc nữ lao công khi đang làm việc bị một người tâm thần dùng gạch bất ngờ tấn công dẫn đến tử vong vào đêm cuối tháng 4/2022 không khiến chị bất ngờ mà chỉ cảm thấy thương cho số phận của những nạn nhân và tủi cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm nửa đêm phải ra ngoài làm việc. 
Bởi theo chị Lý, những người phụ nữ làm công việc này phải xác định không ít nguy hiểm trực chờ mình. Mọi người đều được căn dặn, chỉ dạy trước khi vào nghề để làm sao đảm bảo an toàn cho mình nhất. Nhưng có những “chuyện đau lòng” vẫn xảy ra thì mới thấy làm nghề nguy hiểm đến chừng nào. “Không ít lần tôi bị sắt thép hay thủy tinh trong bịch rác đâm vào tay chảy máu, thậm chí có lần dị vật trong bịch rác phát nổ bắn vào người gây bỏng rát. Chưa kể, do đặc thù công việc đi sớm về muộn, chúng tôi gặp phải đủ hạng người trong xã hội, nghiện ngập, “ngáo đá”, trộm cắp đều có cả. Chúng trêu ghẹo, hoặc xin “đểu”, hoặc đòi mượn xe để chở đồ ăn cắp. Khi đó, chị em chỉ còn biết đánh kẻng báo động gọi nhau cùng hỗ trợ hoặc chạy vào đồn công an gần nhất. Có những trường hợp đi thu rác trong dân bị chủ nhà trêu ghẹo, buông những lời lẽ khó nghe. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Mặc dù đã được trang bị áo phản quang, nhưng do đêm hôm khuya vắng, các lái xe thường phóng nhanh, vượt ẩu nên tỷ lệ công nhân quét rác bị tai nạn cũng không ít”- chị Lý kể. 
Bỏ qua những nguy hiểm luôn rình rập bên mình trong công việc, chị Lý chỉ mong người dân cùng với mình và các đồng nghiệp khác chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp. Nhiều người có ý thức nhai 1 cái kẹo cao su, uống 1 hộp sữa cũng tìm thùng rác để bỏ, nhưng cũng có nhiều người ăn 1 quả quýt, uống xong ấm nước chè mang... đổ toẹt ra vỉa hè, lòng đường. Họ coi đó là nơi xả rác, không ảnh hưởng đến nhà mình. Nhiều khi công nhân mới quét dọn sạch đường phố, đẩy xe rác đi được vài bước, có người đã ném bịch rác sau lưng. Khi bị nhắc nhở, một số người còn sẵng giọng, “không có rác, lấy việc đâu ra cho các bà làm”. Những lúc như thế chị Lý không khỏi chạnh lòng. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ

Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ

(PNTĐ) - Trào lưu nuôi bò sát làm thú cưng của giới trẻ Hà Nội đang lan rộng trong những năm gần đây. Những con vật như trăn, rắn, kỳ nhông Iguana (hay còn gọi là rồng Nam Mỹ), nhện… với hình thù nổi bật có giá lên tới gần trăm triệu đồng được nhiều người săn lùng, tìm mua. Con vật nào hình thù càng kỳ dị, càng khó tìm thì càng thể hiện “đẳng cấp” của người sở hữu, cũng chính vì thế mà giá của chúng cũng không hề rẻ.
“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng

“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng

(PNTĐ) - Nhiều trung tâm chăm sóc thú y ở TP Hà Nội ngày nay không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh cho vật nuôi mà còn có thêm dịch vụ làm đẹp, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, thậm chí dạy cả ngoại ngữ… để đáp ứng nhu cầu của chủ vật nuôi.
Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên

Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên

(PNTĐ) - Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô Hà Nội địa thế thuận lợi, tài nguyên phong phú thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Nếu biết tận dụng và khai thác, TP Hà Nội sẽ đạt được khát vọng vươn mình một cách bền vững, đảm bảo môi trường sống trong lành, là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ người dân nào trên thế giới.
Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

(PNTĐ) - TP Hà Nội với vai trò là Thủ đô - “trái tim” của cả nước đang thể hiện khát vọng lớn lao trở thành đầu tàu cùng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, mọi người dân ấm no, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để xây dựng kỷ nguyên vươn mình bền vững, Hà Nội đã có chủ trương phát triển xanh, trong đó phải giữ được môi trường xanh.