Hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất tuồn ra thị trường

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thông tin cơ quan chức năng vừa triệt phá cơ sở sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hoá chất cấm bán ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Bởi đây là loại thực phẩm xuất hiện hàng ngày trong các bữa ăn gia đình.

Hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất tuồn ra thị trường - ảnh 1
Giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn sau khi được ngâm hóa chất.
Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An cung cấp

Chỉ biết bán, khó biết giá đỗ ngâm hoá chất độc hại 
Giữa tháng 4/2025, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An thông tin, đơn vị đang điều tra mở rộng vụ án vi phạm an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất ủ hoá chất 6-Benzylaminopurine (6-BAP). Bốn bị can trong vụ án bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm: Lưu Mạnh Hưởng (32 tuổi), Lưu Văn Trung (28 tuổi), cùng ngụ huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (35 tuổi) và Nguyễn Văn Hướng (27 tuổi), cùng ngụ phường Vinh Tân, TP Vinh.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 6/2024 đến thời điểm bị bắt tạm giam, các đối tượng đã sản xuất bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ ngâm hoá chất 6-BAP. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Nghệ An và các tỉnh lân cận. Bước đầu, 4 bị can này khai nhận để rút ngắn thời gian sinh trưởng và kéo dài thời gian bảo quản, giúp sản lượng giá đỗ cao hơn thông thường (giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn), thu lợi nhuận cao hơn nên họ đã sử dụng "nước kẹo" là chất 6 - BAP để tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô tại nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội trước thông tin hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hoá chất độc hại bị cơ quan chức năng phát hiện tại một số tỉnh thành trong thời gian qua, cả người mua và người bán đều cảm thấy bất an, hạn chế mua - bán giá đỗ trong thời gian này vì lo sợ thực phẩm độc hại ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Bà Bùi Thị Ngát, một tiểu thương rau củ quả chợ đầu mối Nam Hà Nội chia sẻ: “Khoảng 2 ngày nay, tôi giảm nhập giá đỗ về bán cho các đơn vị bán lẻ. Trước đây, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1-1,5 tấn giá đỗ thì nay chỉ còn 1/3. Các đơn vị bán lẻ cũng hạn chế nhập giá đỗ trong thời gian này vì lượng tiêu thụ giảm đi trông thấy do thông tin mặt hàng này trong quá trình sản xuất có ngâm hoá chất cấm”.

Theo bà Ngát, nguồn hàng giá đỗ chủ yếu nhập tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nhưng người tiêu dùng không mấy quan tâm đến điều đó. “Người bán phải chạy theo nhu cầu của người mua, khi thông tin giá đỗ ngâm chất cấm được bán ra với số lượng lớn chắc chắn ảnh hưởng tới tâm lý của người mua nên nếu nhập nhiều khó bán được hàng”- bà Ngát nói. 

Tại chợ Thái Hà (Quận Đống Đa), giá đỗ được bày bán ở hầu hết các sạp hàng, cửa hàng kinh doanh rau quả. Giá đỗ được bày bán ở đây nhìn rất bắt mắt với màu trắng mơn mởn, thân căng bóng, rễ không dài. “Chúng tôi chỉ là người bán hàng, cũng lấy lại từ các chợ rau đầu mối bán buôn nên chẳng biết là họ có ngâm thuốc hay không. Nhưng nói thật, nếu giá đỗ có dùng thuốc kích thích độc hại thì cả người bán và người mua cũng khó nhận biết”- chị Phạm Thị Phương - chủ một cửa hàng rau cho biết.

Tương tự, khi khảo sát tại các chợ rau bán dân sinh ở khu vực nội thành đến các chợ lớn của Hà Nội như chợ Hà Đông; Ngã Tư Sở; Dịch Vọng..., phóng viên đều nhận được câu trả lời của người bán là lấy hàng từ các đầu mối buôn, còn nguồn gốc thế nào thì họ không rõ.

Hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất tuồn ra thị trường - ảnh 2
Một cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất 6 - BAP ở Hưng Yên bị cơ quan chức năng phát hiện đầu năm 2025.

 “Quan trọng là giá đỗ đẹp mắt được người mua chấp nhận, còn nói giá bẩn hay giá sạch thì chịu. Nếu muốn mua giá sạch thì tự về nhà ngâm lấy thôi. Nói thật, bây giờ cái gì cũng có hóa chất. Giá đỗ có dùng thuốc hãm mọc rễ dài và xanh đầu cũng không nguy hiểm bằng việc hoa quả phun chất bảo quản” - một tiểu thương kinh doanh rau quả chợ Hà Đông bộc bạch. Theo vị tiểu thương này, hằng ngày, tại chợ Hà Đông, hàng tấn giá đỗ ở đây được phân phối tới các quán ăn, quầy rau nhỏ trong nội thành, các chợ dân sinh nhỏ lẻ trên địa bàn quận.

Tại chợ Khương Đình (Quận Thanh Xuân), khi được hỏi về chất lượng, nguồn gốc của các loại rau quả bày bán tại đây, một nhân viên của Ban quản lý chợ nói: “Giá đỗ là thứ rau cỏ dễ ăn dễ làm mà cũng dùng hóa chất kích thích. Chúng tôi làm sao biết được rau có hóa chất độc hại hay không. Nhưng trước thông tin có thuốc kích thích giá đỗ đã làm cho nhiều người tiêu dùng lo lắng”.

Kinh nghiệm của người bán hàng chỉ ra, để nhận biết bằng hình thức bên ngoài thì giá đỗ ngâm hoá chất thường căng bóng, trắng và ít rễ, nhìn bắt mắt. Còn giá đỗ “sạch” được sản xuất bằng ngâm nước, ủ lá tre thường dài, thân mảnh và có nhiều rễ, phần dưới gốc thường có màu sạm. Tuy nhiên, để so sánh điều này, khi lựa chọn một số quầy bán giá đỗ có cả 2 mặt hàng giá đỗ với vẻ ngoài này ở chợ Nghĩa Đô (Quận Cầu Giấy) thì người bán đều khẳng định “đây là giá đỗ nhà làm” hoặc “giá đỗ sạch, không ngâm hoá chất”.
Chất cấm ngâm giá đỗ đặc biệt nguy hiểm với người dùng
Không phải đến bây giờ vụ việc đưa chất kích thích vào sản xuất giá đỗ mới được phát hiện mà nhiều năm trước đã rộ lên thông tin về việc người sản xuất sử dụng chất cấm để giá đỗ tăng trưởng nhanh. Trước đó vào năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP Buôn Ma Thuột và phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Trong quá trình sản xuất, ngoài các nguyên liệu thông thường, các cơ sở này còn sử dụng một loại hoá chất. Chỉ trong năm 2024, nhóm này đã đưa ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ chứa hóa chất cấm, tương đương 8-10 tấn mỗi ngày, thậm chí có hệ thống siêu thị với nhiều cơ sở trên cả nước còn nhập giá đỗ ngâm hoá chất này về bán.

Hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất tuồn ra thị trường - ảnh 3
Cả người bán lẫn người mua khó phân biệt được giá đỗ có ngâm hoá chất 6 – BAP trong quá trình sản xuất hay không.

Chất thường được dùng trong quy trình sản xuất giá đỗ là 6 - BAP, giúp thời gian tăng trưởng có thể đẩy nhanh đến 30%. Chính vì thế, giá đỗ được ủ truyền thống từ 3 - 5 ngày, còn giá đỗ ngâm hóa chất được ủ chỉ khoảng 2 ngày là đã có thể bán ra thị trường, từ đó giúp tăng khối lượng thành phẩm từ 20 - 25% so với cách sản xuất thông thường. Tuy nhiên, 6 - BAP là chất cấm trong sản xuất thực phẩm, đặc biệt không được phép sử dụng trên các loại thực phẩm tiêu thụ trực tiếp vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định: “Trong các bữa ăn của người Việt, giá đỗ thường được chế biến theo nhiều cách, kể cả ăn sống. Khi đó, 6 - BAP có thể đi trực tiếp vào cơ thể”. Theo ông Thịnh, chất này không gây ngộ độc cấp tính nhưng có thể gây tác hại lâu dài đến sức khỏe thông qua những biến đổi và tích tụ trong cơ thể, như "quả bom nổ chậm”.

Khi người tiêu dùng ăn phải các loại rau có chứa hoá chất độc hại này thì cơ thể không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống… Cụ thể, 6 - BAP có khả năng kích thích sự sinh trưởng bất thường của tế bào trong cơ thể người, dẫn đến tình trạng rối loạn tế bào. Khi chất này tích tụ lâu ngày, nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, biểu hiện qua các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa.

ThS.BS CK1 Lê Văn Lâm, công tác tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, giá đỗ “ngậm” hóa chất 6 - BAP dù được rửa nhiều lần cũng khó loại bỏ hết vì chất này không tan trong nước. “Khi phun xịt chất này cho cây trồng, người nông dân được khuyến cáo phải bảo hộ kỹ càng để tránh gây kích ứng. Như vậy, nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, còn mức độ đến đâu thì chưa được nghiên cứu cụ thể, chưa thể biết người dùng phải nhận hậu quả hay bệnh tật lâu dài ra sao. Vì thế, cần cẩn trọng”- BS Lê Văn Lâm nói.

Về quan điểm giá đỗ ngậm hóa chất là “giá không chân, không rễ”, bác sĩ này cho rằng cần xem xét lại, vì khi làm đúng kỹ thuật, giá đỗ thủ công vẫn có hình dáng đẹp và ít rễ. Do vậy, việc dùng cảm quan để phán đoán giá đỗ có hóa chất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những cơ sở sản xuất và tiểu thương chân chính.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ

Thú chơi bò sát độc lạ, giá đắt đỏ của giới trẻ

(PNTĐ) - Trào lưu nuôi bò sát làm thú cưng của giới trẻ Hà Nội đang lan rộng trong những năm gần đây. Những con vật như trăn, rắn, kỳ nhông Iguana (hay còn gọi là rồng Nam Mỹ), nhện… với hình thù nổi bật có giá lên tới gần trăm triệu đồng được nhiều người săn lùng, tìm mua. Con vật nào hình thù càng kỳ dị, càng khó tìm thì càng thể hiện “đẳng cấp” của người sở hữu, cũng chính vì thế mà giá của chúng cũng không hề rẻ.
“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng

“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng

(PNTĐ) - Nhiều trung tâm chăm sóc thú y ở TP Hà Nội ngày nay không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh cho vật nuôi mà còn có thêm dịch vụ làm đẹp, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, thậm chí dạy cả ngoại ngữ… để đáp ứng nhu cầu của chủ vật nuôi.
Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên

Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên

(PNTĐ) - Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô Hà Nội địa thế thuận lợi, tài nguyên phong phú thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Nếu biết tận dụng và khai thác, TP Hà Nội sẽ đạt được khát vọng vươn mình một cách bền vững, đảm bảo môi trường sống trong lành, là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ người dân nào trên thế giới.
Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

Hà Nội giữ gìn “lá phổi” xanh

(PNTĐ) - TP Hà Nội với vai trò là Thủ đô - “trái tim” của cả nước đang thể hiện khát vọng lớn lao trở thành đầu tàu cùng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, mọi người dân ấm no, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để xây dựng kỷ nguyên vươn mình bền vững, Hà Nội đã có chủ trương phát triển xanh, trong đó phải giữ được môi trường xanh.
Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần

Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần

(PNTĐ) - Với sự phát triển công nghệ, điện thoại thông minh là vật bất ly thân của số đông người dân Việt Nam, việc tạo ra những bức ảnh chỉ trong tích tắc. Mặc dù vậy, ở Hà Nội, một số họa sĩ vẫn cần mẫn với những nét vẽ truyền thống, truyền thần lại những bức tranh vượt thời gian. Từng nét vẽ bằng muội than của các hoạ sĩ nơi phố cổ Hà Nội vẫn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc, khiến thời gian như lắng đọng để gợi nhớ về ký ức xưa cũ thời ông cha.