Vấn nạn nhà “chuồng cọp”:

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào về xây dựng “chuồng cọp”. Khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), công trình này chưa được hình thành, chủ nhà sau đó tự ý xây thêm với mục đích chống trộm nhưng khi có hoả hoạn xảy ra chính những “chuồng cọp” tự chế này lại bịt lối thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC. Trách nhiệm xử lý những công trình vi phạm PCCC này thuộc về chính quyền địa phương, nhưng từ nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa! - ảnh 1
Ông Tân chủ động mở lối thoát hiểm tại khu vực “chuồng cọp” của căn nhà gia đình sinh sống sau hàng loạt vụ cháy xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội khiến nhiều người tử vong.

Phòng trộm, quên phòng cháy!

Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô vào thời điểm cuối tháng 6/2024, trên địa bàn TP Hà Nội còn nhiều chung cư, nhà dân trên phố Thành Công, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Thủy Lợi, Nam Đồng… vẫn tồn tại công trình song sắt tạo thành những "chuồng cọp" cả mặt trước và mặt sau nhà mà không có bất kỳ lối mở nào để thoát hiểm khi có hoả hoạn xảy ra. Những khu vực này được người dân tận dụng làm ban công, kho chất chứa đồ đạc, nơi phơi quần áo, dụng cụ nhà cửa.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, cư dân ở nhà tập thể Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lý giải việc làm “chuồng cọp” cho căn nhà của mình là để chống trộm sau vài lần bị kẻ gian ghé thăm khi vắng nhà. Anh Sơn cho biết, khu vực anh ở không có bảo vệ tòa nhà, không có khu vực cổng nên ai cũng có thể tùy tiện ra - vào tòa nhà. "Nếu từng bị mất trộm, mọi người sẽ hiểu tâm lý của người dân như tôi. Việc xây dựng rào sắt đã trở thành vấn đề cấp thiết với mỗi hộ dân nơi đây, không riêng mình tôi"- anh Sơn nói.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội), người có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy và trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy cho biết: “Hàn kín không gian thoáng của ngôi nhà hoặc gia cố thêm các “chuồng cọp” với mục đích bảo đảm an ninh, tăng diện tích ở các căn nhà cũ sau nhiều lần cải tạo, cơi nới, các căn hộ khu tập thể và thậm chí là những ngôi nhà cao tầng vừa xây mới, dù có phần hiệu quả trong phòng, chống trộm nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, đặc biệt gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Phần vật liệu các gia đình sử dụng thường bằng sắt thép, bê tông kiên cố, gây cản trở tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra để dập lửa và giải cứu nạn nhân”.

“Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC theo thẩm quyền, còn có tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác PCCC, tôi đề nghị cần xem xét và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các đơn vị các sở, ngành trong công tác này. Lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào để tồn tại nhiều công trình vi phạm về PCCC, để xảy ra các vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng phải xem xét, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, việc "phòng trộm mà quên phòng cháy” bằng cách gia cố thêm chuồng cọp diễn ra khá phổ biến. Những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Vì thế, phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Vậy nhưng khi xảy ra cháy, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát nạn đã bị bịt kín.

Sau những vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản mà lực lượng chức năng khó tiếp cận, giải cứu người bị nạn do vướng “chuồng cọp”, một số hộ dân đã chủ động tự gỡ bỏ hoặc mở lối thoát hiểm tại những công trình này. Ông Nguyễn Văn Tân (56 tuổi, sống tại phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Trước đây để đảm bảo an toàn, phía trước căn nhà từ tầng 2 trở lên đã được đóng “chuồng cọp” kín mít. Sau những vụ cháy dẫn đến chết người thương tâm xảy ra tại Hà Nội, nhất là vụ cháy ngay gần nhà khiến 4 người trong một gia đình tử vong mà lực lượng cứu hộ tiếp cận kịp thời nhưng do vướng “chuồng cọp” nên hạn chế thời gian cứu người, gia đình tôi đã quyết định mở tổng cộng 9 ô cửa tại các mặt của công trình này. Các khu vực này đều được khóa lại bằng ổ khóa. Chìa khóa treo ngay vị trí ngang mặt, trước cánh cửa bước ra ban công để dễ nhìn, dễ lấy nhất”- ông Tân nói.

Sống cách căn nhà trọ bị cháy hôm 24/5 trên đường Trung Kính khiến 14 người tử vong không xa, bà Nguyễn Thị Thủy (49 tuổi) cho biết, sau khi hàng xóm gặp nạn, bà đã ngay lập tức gọi thợ về, cắt 3 điểm trên tầng thượng thành 3 ô cửa thoáng. Vị trí này trước đây vốn được quây tôn kín mít, nhưng giờ đã có 3 cửa thoát hiểm. Từ 3 cửa thoát hiểm này, có thể thả thang dây xuống tận mặt phố hoặc nhảy sang nhà hàng xóm trong trường hợp cấp bách. Bà Thủy cũng không quên chuẩn bị thang dây thoát hiểm dài 15m và có 2 móc treo dễ dàng lắp đặt. Những chiếc thang dây được đặt ngay cạnh cửa thoát hiểm để dễ bề sử dụng.
Vẫn chưa xử lý triệt để vi phạm về phòng cháy 
Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó, có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2023 số vụ cháy tăng hơn 76%; tăng 15 người chết. Số vụ cháy nhà, công trình, cơ sở chiếm gần 75% tổng số vụ cháy. Trong đó một số vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như tại căn nhà số 207 Định Công Hạ, quận Hoàng Mai ngày 16/6 khiến 4 người tử vong; vụ cháy nhà trọ trong ngõ đường Trung Kính, quận Cầu Giấy ngày 24/5 khiến 14 người tử vong…

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa! - ảnh 2
Không khó để bắt cặp những căn nhà cao tầng làm “chuồng cọp” phòng trộm nhưng bịt luôn cả lối thoát hiểm khi có hoả hoạn xảy ra.

Nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm trên 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên 10%; do vi phạm về quy định PCCC 0,34% và các nguyên nhân khác. Theo thống kê, trên địa ban Thành phố Hà Nội có tổng số 579 xã, phường, thị trấn với 412 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn Thành phố là 137.228 cơ sở. Lực lượng phòng cháy chữa cháy cứu nạn, cứu hộ trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ chiếm trên 48% tổng số vụ cháy. Hơn 51% số vụ cháy còn lại do lực lượng tại chỗ dập tắt.

Tính đến ngày 15/6, các đơn vị chức năng đã kiểm tra được 36.972/36.972 cơ sở cho thuê trọ trên toàn Hà Nội, xử phạt 3.134 trường hợp có vi phạm về PCCC với số tiền phạt gần 13 tỷ đồng, tạm đình chỉ 672 trường hợp và đình chỉ 75 trường hợp vi phạm. Từ khi các cơ quan phối hợp triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, toàn Thành phố giảm 939 công trình vi phạm, khắc phục được 3.564 tồn tại vi phạm. Riêng với công trình cao tầng, Hà Nội thống kê có 1.386 công trình, trong đó 91 công trình vi phạm về PCCC.

Đối với tình trạng “chuồng cọp” kiên cố gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi xảy ra cháy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết hiện không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào về việc xây dựng chuồng cọp. Thời điểm nghiệm thu trước đây, các công trình chưa hình thành “chuồng cọp”. "Sau khi công trình nghiệm thu và đưa vào sử dụng, người dân tự xây dựng thêm các chuồng cọp"- ông Công nói và nhấn mạnh trách nhiệm xử lý vi phạm trật tự xây dựng thuộc về chính quyền địa phương. 

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị giao ban quý II/2024 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã chiều 28/6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy đã có 14 cuộc họp về nội dung liên quan đến công tác PCCC, cho thấy đây là nội dung hết sức thực tiễn, cấp thiết. Dù nhiều cố gắng, tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn, nhiều cơ sở vi phạm không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, do sai phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị ngay từ giai đoạn ban đầu, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để, nghiêm minh; dẫn đến nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý về xây dựng và trật tự xây dựng, có nhiều thời điểm còn “buông lỏng quản lý”, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài và không được triệt để trong xử lý.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.
Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

(PNTĐ) - Chiến lược xây dựng các tuyến vành đai đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội cơ hội phát triển, không những trở thành hạt nhân của Vùng Thủ đô mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế rõ nét, sâu rộng. Mỗi tuyến giao thông mới của Hà Nội xây dựng đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển đô thị, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó ngày một nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.