Cò đại náo bệnh viện

Chia sẻ

Không có gì là bí mật hay phải e dè, “cò” ngang nhiên lôi kéo, dụ dỗ để rồi lừa gạt tiền của những bệnh nhân ngay trước cổng nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP HCM

 

Tại Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám. Nắm bắt tâm lý của người bệnh luôn muốn được khám nhanh, không phải xếp hàng chờ đợi, hàng chục “cò” nữ tập trung từ bãi gửi xe đến cổng BV đeo bám quyết liệt rồi liên tục mời chào, gạ gẫm để lừa tiền của các bệnh nhân nhẹ dạ.

 

Bắt, phạt rồi lại... thả

 

Sáng 23-10, trong vai người đi khám mắt, khi tôi chưa kịp rời khỏi bãi giữ xe ở trước cổng BV thì lập tức 3 phụ nữ trung niên tay cầm bút và sổ khám bệnh đã lao đến chào mời. Dù lực lượng bảo vệ BV đứng ngay đấy nhưng xem ra không khiến cánh “cò” e ngại.

 

Một “cò” tiến đến, kéo áo tôi hỏi dồn dập rồi ra giá chỉ cần mua 1 sổ khám bệnh 5.000 đồng và tiền “dịch vụ” 20.000 đồng, tôi sẽ được đưa trực tiếp vào BV khám, không phải xếp hàng, mua số.

 
“Cò” khám bệnh lôi kéo bệnh nhân trước cổng Bệnh viện Ung Bướu TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
“Cò” khám bệnh lôi kéo bệnh nhân trước cổng Bệnh viện Ung Bướu TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH.
 

Tôi đồng ý và đưa 25.000 đồng. Người phụ nữ này trao bút và cuốn sổ khám bệnh cho tôi ghi tên, tuổi, địa chỉ rồi không quên mời chào: “Anh thích khám ở trong viện cũng được, thích khám ở ngoài em cũng chiều. Khám ngoài thì cũng là bác sĩ giỏi của viện thôi nhưng sẽ khám kỹ và tư vấn hết mình luôn. Còn trong viện thì đông nên chỉ khám qua loa thôi”. Sau khi tôi đưa 25.000 đồng, chị ta tiếp tục “vòi“ thêm 300.000 đồng để đóng luôn tiền khám bệnh.

 

Theo trung tá Trần Quốc Hải - Trưởng Công an phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng - ở BV Mắt Trung ương hiện có khoảng 10 “cò” chuyên bán sổ y bạ, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi.

 

Thời gian qua, công an phường thường xuyên truy quét các đối tượng này nhưng cứ bắt, phạt rồi lại thả. Mỗi lần “cò” vi phạm cũng chỉ bị xử phạt 150.000 đồng cho hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc không mang theo giấy tờ tùy thân.

 

Mức xử phạt này không đủ sức răn đe bởi mỗi ngày, chỉ cần dụ dỗ được vài người đi khám bệnh, “cò” đã kiếm được từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Vì vậy, họ chấp nhận bị xử phạt và sau đó lại tiếp tục hoạt động.

 

Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, thừa nhận có tình trạng bác sĩ của BV mở phòng khám tư rồi cùng với “cò” lôi kéo bệnh nhân về khám. Tuy nhiên, họ hoạt động rất tinh vi nên không có bằng chứng để xử lý, kỷ luật.

 

“Hiện nay, BV phát sổ khám bệnh miễn phí tại khu đón tiếp (nhà C và E) khi bệnh nhân mua phiếu khám. Tôi khuyên bệnh nhân tuyệt đối không nên mua sổ y bạ và mắc chiêu lừa “khám nhanh” của các cò mồi” - ông Hiệp nói.

 

Kịch bản “cò máu”

 

Trên địa bàn TP HCM, nạn “cò” lộng hành ở các BV không phải hiếm. Hoạt động ráo riết nhất phải kể đến là khu vực BV Da Liễu TP HCM. Trước cổng BV này, từ sáng đến tối, lúc nào cũng xuất hiện chừng 10-15 “cò” chào mời, lôi kéo người bệnh và thân nhân.

 
Đồ nghề lừa đảo của “cò máu“ tại BV Chợ Rẫy Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Đồ nghề lừa đảo của “cò máu“ tại BV Chợ Rẫy Ảnh: NGUYỄN THẠNH.
 

Người bệnh luôn có tâm lý được khám nhanh, đồng hành theo đó là nạn “cò số thứ tự” xuất hiện. Các “cò” này ra giá: Để có số thứ tự khám sớm thì tiền thù lao 100.000 - 300.000 đồng.

 

Trước cổng BV Ung Bướu TP HCM cũng luôn có hàng chục “cò” hoạt động. Dù BV đã nhiều lần phát loa cảnh báo nhưng không ít bệnh nhân “chân ướt chân ráo” lên TP HCM đã... sập bẫy.

 

Mới đây, tranh thủ ngày cuối tuần, ông Đ.D.P (ngụ tỉnh Khánh Hòa) đón xe vào TP HCM kiểm tra bệnh ung thư hạch vào sáng đầu tuần. Vừa bước xuống xe buýt, lớ ngớ hỏi thăm, ông P. bất ngờ được một “cò” xuất hiện bắt chuyện.

 

Người này cho biết ngày đầu tuần bệnh nhân đến khám đông, cả ngàn trường hợp, ông P. đợi hết ngày cũng chưa tới lượt. Do đó, “cò” ra giá muốn nhanh thì trả 200.000 đồng để lấy số thứ tự nhỏ hơn. Cả tin, ông P. đồng ý trả “cò” 150.000 đồng và được lấy số. Tuy nhiên, ngồi đợi đến khi trên bảng hiện tới số lượt mình, ông P. bước vào khám thì bị mời ra vì phiếu số thứ tự này là giả.

 

Tại BV Chợ Rẫy, lực lượng bảo vệ vừa phát hiện nhiều kẻ giả danh bác sĩ “cò máu” người bệnh rồi lừa lấy tài sản. Các đối tượng này mặc áo blouse trắng, mang tai nghe, bảng tên… tự nhận là người của BV để giúp làm thủ tục, thanh toán viện phí, lấy kết quả xét nghiệm hay mua máu truyền cho người bệnh. Khi đã tin tưởng, thân nhân người bệnh bàn giao tất cả giấy tờ, phiếu hẹn, đặc biệt là tiền bạc, để “bác sĩ” lấy dùm. Lúc đã giao xong, thân nhân phải đợi cả ngày mà vị “bác sĩ tốt bụng” này vẫn bặt tăm.

 

Gần đây, Hoàng Văn Vương (23 tuổi, đang học một trường trung cấp) vào BV Chợ Rẫy đóng giả bác sĩ lừa lấy của ông Nguyễn Quang Trường (ngụ tỉnh Hậu Giang) và chị Huỳnh Ngọc Thảo (ngụ tỉnh Đồng Tháp) 24 triệu đồng... Khi Vương bị bắt và kiểm tra, lực lượng bảo vệ BV Chợ Rẫy phát hiện trong túi xách đồ nghề của y có 13 tờ “phiếu nộp tiền” mua máu do đối tượng này tự in, soạn trên khổ giấy A4, photocopy sẵn. Trên phiếu nộp tiền này có in tên đơn vị chủ quản là BV Chợ Rẫy, có địa chỉ, số điện thoại. Đặc biệt, phiếu còn có dấu “đã thu tiền” do Vượng tự đóng.

 

Đề cập vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, tỏ ra rất bức xúc vì người bệnh bị kẻ gian lợi dụng. Theo bác sĩ Khôi, thông thường, bệnh nhân trước khi phẫu thuật sẽ được BV chuẩn bị cơ số máu, thuốc men, y cụ… Do đó, không có chuyện thiếu máu phòng mổ như các đối tượng nêu ra.

 

Việc thanh toán viện phí, chi phí thuốc men, vật tư… được thực hiện tại quầy tài chính, đơn vị thu ngân nằm trong khuôn viên của BV Chợ Rẫy. Bác sĩ Khôi lưu ý việc dẫn bệnh nhân ra ngoài BV thanh toán chi phí là hành vi lừa đảo nên người bệnh cần hết sức cảnh giác.

 
 Theo NLĐ

Tin cùng chuyên mục

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.
Khắc khoải nỗi nhớ Tết

Khắc khoải nỗi nhớ Tết

(PNTĐ) - Chấp nhận xa gia đình, quê hương tìm đến vùng đất mới với hy vọng về một tương lai tương sáng, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn khắc khoải trong mình nỗi nhớ da diết, đếm từng ngày chờ thời khắc hồi hương. Niềm mong mỏi ấy càng bồi hồi, mãnh liệt hơn khi không khí Tết cổ truyền đang rộn ràng “gõ cửa” nơi quê nhà.
Nghệ nhân tâm huyết cùng kỳ linh năm Rồng

Nghệ nhân tâm huyết cùng kỳ linh năm Rồng

(PNTĐ) - Hình tượng rồng trong dân gian Việt Nam với muôn vàn góc nhìn được tạo lên bởi bàn tay tài hoa của nhiều nghệ nhân ở các làng nghề Thủ đô. Từ đó cung ứng ra thị trường những sản phẩm kỳ linh hoàn chỉnh, mang đến mọi người khát vọng bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.