“Độc lạ” đằng sau nghề chăm sóc thú cưng
(PNTĐ) - Nhiều trung tâm chăm sóc thú y ở TP Hà Nội ngày nay không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh cho vật nuôi mà còn có thêm dịch vụ làm đẹp, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, thậm chí dạy cả ngoại ngữ… để đáp ứng nhu cầu của chủ vật nuôi.

Thú cưng “học” ngoại ngữ, có “gia sư”
Đường Trường Chinh ở Thủ đô thường được gọi với tên “phố chăm thú cưng” với cửa hàng liên quan đến vật nuôi san sát hai bên đường. Những năm trở lại đây, con phố này luôn tấp nập từ sáng tới tối bởi nhu cầu nuôi động vật của người dân TP Hà Nội tăng cao. Cùng với sự phát triển của xã hội, những con vật như chó, mèo không đơn thuần chỉ là động vật trông nhà, bắt chuột mà còn trở thành người bạn thân thiết của con người. Cũng vì thế mà những con vật này được chăm sóc đặc biệt, với các dịch vụ cũng đặc biệt không kém để thỏa mãn nhu cầu của chủ vật nuôi.
Chị Nguyễn Ngọc Anh - chủ một trung tâm chăm sóc thú cưng trên đường Trường Chinh, chia sẻ: “Khoảng 5 năm trở lại đây, chăm sóc thú cưng không chỉ dừng lại ở việc điều trị, tiêm phòng cho vật nuôi mà còn mở rộng ra các dịch vụ làm đẹp, trông coi vật nuôi. Chăm lo vật nuôi từ sức khỏe thể chất cho tới tinh thần, cả vẻ đẹp bề ngoài cũng được chú trọng… Các trung tâm phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Theo chị Ngọc Anh, để đáp ứng được nhu cầu đó thì buộc những người như chị phải theo học nhiều lớp liên quan đến tâm lý, thẩm mỹ của động vật. “Như một con mèo nếu chủ nhân không chăm sóc cẩn thận dẫn tới hay bị bệnh, lại thường xuyên bị nhốt và không được giao tiếp nhiều với đồng loại hoặc người chăm thì có thể bị trầm cảm. Bệnh nhẹ thì có thể sẽ bỏ đi tìm đến với cuộc sống mới, nặng hơn thì có thể bỏ ăn rồi sinh ra nhiều bệnh khác… Rất nhiều trường hợp vật nuôi khi mang đến đây đều bị tình trạng như vậy”- chị Ngọc Anh kể. Để điều trị bệnh trầm cảm ở vật nuôi, trước tiên chị Ngọc Anh phải tìm hiểu nguyên nhân từ đó mới đưa ra được phác đồ điều trị.
Chị Ngọc Anh đã đầu tư ra gần 2 tỷ đồng để xây khách sạn cho chó, mèo. Nếu như khách có như cầu gửi vật nuôi có thể lựa chọn phòng riêng hoặc ở chung với con vật khác. Giá phòng tùy vào cân nặng sẽ có giá từ 150-700 nghìn đồng/ngày. Riêng tại phòng cao cấp có giá lên đến 1 triệu đồng/ngày. Thú cưng tại đây sẽ được chăm sóc vô cùng đặc biệt: Được đi thang máy, được xem tivi, nghe nhạc, điều hòa, máy sưởi, camera giống như khách sạn cao cấp. Tại phòng này, thú cưng còn được bố trí nhân viên ngủ cùng, hàng ngày được dắt đi chơi, chơi cùng trong phòng, tắm gội, có chế độ ăn uống đặc biệt theo yêu cầu của chủ nuôi.

Theo chị Ngọc Anh, nhu cầu gửi vật nuôi đặc biệt tăng cao vào những ngày lễ, Tết được nghỉ dài ngày vì nhiều người về quê hoặc đi du lịch mà không đưa thú cưng đi cùng được.
Anh Nguyễn Văn Hảo - phụ trách một trung tâm huấn luyện chó ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Nhiều người nuôi chó còn đầu tư cho thú cưng của mình một khóa học ngoại ngữ để có thể giao tiếp dễ dàng với các thành viên trong gia đình. Đây thường là những gia đình có thành viên là người nước ngoài, chưa sử dụng thành thạo tiếng Việt. Mỗi khóa học này thường kéo dài từ 3 - 4 tháng, có những con phải kéo dài cả năm bởi tùy thuộc và khả năng nhận thức của từng giống chó, cách chăm sóc ở nhà chủ nuôi và yêu cầu của chủ nuôi về mức độ hiểu biết các khẩu lệnh phức tạp cho thú cưng. Nhiều chú chó được gửi đến trung tâm thường được chủ khá cưng chiều nên việc áp dụng kỷ luật gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, có những chú chó ở nhà chỉ uống nước tinh khiết đóng chai, một ngày phải ăn nửa kg thịt bò, hay có những con thì rất lười vận động, ít được giao tiếp với con người nên khi áp dụng kỷ luật và thời gian biểu thì thường “phản ứng” và không chịu hợp tác nên huấn luyện viên mất khá nhiều thời gian.
“Phương pháp và giáo trình dạy ngoại ngữ không khác biệt lắm so với việc dạy bằng tiếng Việt. Các câu khẩu lệnh như “đi”, đứng “ngồi”, “nằm”… sẽ được thay thế bằng thứ tiếng mà con chó đó được học, như tiếng Anh là: “Go”; “stand”, “sitdown” để chó ghi nhớ. Quan trọng nhất là phải xây dựng được các khẩu lệnh để chó ghi nhớ. Các câu lệnh tiếng nước ngoài thường dài hơn tiếng Việt nên thời gian để chó tập quen cũng lâu hơn. Trong quá trình giảng dạy, các huấn luyện viên cũng phải thường xuyên trò chuyện với chúng bằng ngôn ngữ mà chúng được học, việc phát âm phải chuẩn thì mới hiệu quả cao. Huấn luyện viên phát âm ra sao thì chó sẽ quen với các khẩu lệnh như thế, mình phát âm sai thì sau khi “tốt nghiệp” chúng sẽ không hiểu người khác nói gì để làm theo. Có nhiều gia đình cũng muốn cho thú cưng hiểu được nhiều ngoại ngữ nhưng nếu không thường xuyên trao đổi thì những chú chó này cũng sẽ quên ngay…”- anh Hào cho hay.
Để thu hút “học viên” nhiều trung tâm huấn luyện chó hiện nay còn liên tục tung ra các dịch vụ hấp dẫn như “gia sư” cho chó tại nhà hay mời các chuyên gia nước ngoài đứng lớp… Để đào tạo ra một chú chó biết nghe lời, tinh anh, tính ra mỗi chủ nhân của nó cũng phải bỏ ra một chi phí đào tạo không hề nhỏ. Và mỗi trung tâm huấn luyện chó chỉ cần có khoảng 50 “học viên” theo học cũng thu về doanh thu cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Chữa bệnh cho thú cưng, chữa cả tinh thần cho chủ nuôi
Việc chăm sóc thú cưng cũng không tránh được những tai nạn dở khóc dở cười. Chúng cũng giống như những đứa trẻ mỗi con một tính, thậm chí có con sủa, kêu la suốt đêm, có con thì hung dữ… Ngoài ra, động vật cũng dễ bị ốm, bỏ bữa hoặc lây bệnh từ con khác. Có con sụt cân trong những ngày khách gửi vì không quen môi trường, tất cả những điều đó phải đòi hỏi người chăm sóc phải có kinh nghiệm mới xử lý được.

Anh Đào Thanh Hải, bác sĩ, quản lý chính một cửa hàng chăm sóc thú cưng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Thực tế, tại cơ sở trông giữ, thú cưng xảy ra sự cố kịp cấp cứu thì may mắn, còn lỡ để vật nuôi chết thì cửa hàng phải giải thích chi tiết với khách hàng, công khai toàn bộ video, clip, để khách kiểm tra camera, công khai chế độ chăm sóc, giải phẫu. Làm nghề này phải có tâm, sai thì mình nhận, đúng thì giải thích rõ và đồng cảm với khách hàng.
“Nghề này cũng rất nguy hiểm vì có một số bệnh lây truyền từ chó sang người, nhất là bệnh dại. Bởi vì khi chúng đến môi trường lạ, gặp nhiều người sẽ nhút nhát, không hợp tác và phản ứng lại. Tất nhiên tôi cũng từng bị cắn, để lại rất nhiều sẹo. Tôi cũng từng có một đồng nghiệp vừa mất do bị một chú cún cắn và sau đó đã bị bệnh dại. Dù rất yêu nghề nhưng cũng phải nói thật nghề này cũng mang lại nhiều nguy hiểm”- anh Hải kể.
Nói về sự cố khi làm nghề chăm sóc thú cưng, chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Bệnh viện Thú cảnh Hanvet, kể: Năm 2006 có nhận chữa cho một con báo bị ốm do virus. Chú báo này được các bác sĩ chẩn đoán tiên lượng xấu, có thể không qua khỏi dù đã truyền thuốc giúp chú báo tăng sức đề kháng, chống chọi với virus. Người chủ ngay lập tức đến gặp các nhân viên của bệnh viện kèm theo một trận “tổng xỉ vả” và không quên kèm theo lời đe dọa.
Một lần khác, một con chó Bull Pháp đang chửa gần đến ngày đẻ được mang đến phòng khám của bác sĩ Huyền với triệu chứng kém ăn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã truyền nước cho chú chó để tăng sức đề kháng. Ra khỏi phòng khám chú chó này vẫn hoàn toàn bình thường nhưng về đến nhà chú chó chết. Khách hàng đã quay trở lại phòng khám và bắt đền.
Cái nghề lắm tủi hổ nhưng với chị Huyền nó cũng có những niềm vui. Vui khi thấy những con vật sắp cận kề với cái chết được cứu sống, khỏe mạnh trở lại, vẫy đuôi vui mừng với người cứu nó. Vui khi nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của những người chủ nhân khi thú cưng của họ khỏe mạnh. Chị Huyền bảo, làm nghề bác sĩ thú y vừa phải chữa bệnh cho động vật, vừa phải “chữa trị” cả tinh thần cho chủ nuôi.