Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Phóng sự của Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô - ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đầu tháng 12/2024.

Thi công khẩn cấp các dự án “cứu” sông

Theo sử sách chép lại, sông Tô Lịch xưa dài 30km, bề ngang rất rộng và là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng từ phía Đông vào thành Thăng Long, giữ vai trò là một tuyến đường thủy quan trọng và phần nào xác định ranh giới của kinh đô xưa kia. Con sông này từng là một nhánh chảy từ sông Cái (nay là sông Hồng) và có kết nối với Hồ Tây. Năm 1889, người Pháp đã lấp một phần của sông Tô Lịch để xây dựng 36 phố phường. Sau khi hai cửa sông bị chặn lại hoàn toàn, sông Tô Lịch không còn liên kết với sông Hồng hay thông với Hồ Tây.

Không có lối thoát khiến dòng chảy ngưng đọng cộng với mỗi ngày phải gánh chịu hơn 150.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả lớn nhỏ khiến toàn bộ dòng sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng. Để giải quyết được tình trạng này thì phải vừa khơi thông lại dòng chảy, vừa phải ngăn chặn nguồn xả thải mỗi ngày mà lòng sông phải gánh chịu. 

TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: "Chúng ta đã để sông Tô Lịch ô nhiễm quá lâu. Việc cải tạo không đồng bộ, không hoàn chỉnh, không giải quyết triệt để nên vẫn tồn tại ô nhiễm. Vì vậy để tách nước thải trước khi xả thải xuống các dòng sông đô thị không riêng gì sông Tô Lịch mà còn các sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ… nếu làm được đòi hỏi đầu tư rất lớn, kiên quyết, có kế hoạch và sự quyết tâm cao độ mới làm được".

Không gian trong lành sẽ là điểm cộng 
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh: “Không gian xanh, môi trường trong lành sẽ thu hút người dân đến tham quan và thư giãn. Du thuyền kết hợp với dịch vụ ẩm thực, biểu diễn nhạc sống hoặc nghệ thuật truyền thống vào buổi tối. Xây dựng các con đường dạo bộ xanh dọc bờ sông, kết hợp với các khu vực nghỉ chân, quán cafe, cửa hàng bán đồ lưu niệm... Ngoài ra có thể tạo làn đường dành riêng cho xe đạp, khuyến khích du khách và người dân sử dụng xe đạp để bảo vệ môi trường. Phát triển tổ hợp khu vui chơi nước, tàu lượn, thuyền…”, kỳ vọng vào sự phát triển sông Tô Lịch trong tương lai.

Những năm 2000, TP Hà Nội đã tiến hành dự án nạo vét và kè hai bờ sông Tô Lịch để làm sạch và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm. Dự án này đã tạo ra một chút hy vọng vào năm 2008, khi một trận lụt lịch sử đã làm cho sông Tô Lịch "hồi sinh" tạm thời với dòng chảy mạnh mẽ và nước trong vắt. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, tình trạng ô nhiễm lại quay trở lại như cũ.

Năm 2009, các cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội đã đề xuất một dự án bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây. Sau nhiều năm tưởng chừng như đề xuất này vẫn chỉ nằm trên giấy thì đến đầu năm 2024, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô. 

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô - ảnh 2
Những năm qua, sông Tô Lịch dần được cải thiện không gian, môi trường để gần gũi hơn với người dân.

Theo nghiên cứu của Sở Xây dựng Hà Nội, phương án khả thi nhất để dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch làm ống ngầm đi qua đoạn đê chưa được cải tạo, nâng cấp rồi đưa ống ngầm vào ngõ 566 Lạc Long Quân và đi vào Hồ Tây. Để đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường sông Tô Lịch, đường dẫn nước sẽ phải bổ sung các trạm bơm với công suất khoảng 3m3/s.

Trong buổi làm việc thị sát các dự án cải tạo sông Tô Lịch ngày 2/12/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, dự án bổ cập nước từ sông Hồng dẫn tới hồ Tây rồi xả ra sông Tô Lịch để khơi thông dòng chảy cần khẩn cấp triển khai. 

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công hệ thống dẫn nước từ sông Hồng bổ cập vào Hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. “Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện như thế nào, đến 2/9/2025 phải hoàn thành công trình”- Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn nguồn xả thải gây ô nhiễm, từ năm 2016, TP Hà Nội thông qua dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m³/ngày đêm với tổng kinh phí đầu tư 16.000 tỷ đồng. Đây là công trình có hệ thống đường cống ngầm khổng lồ trong lòng đất có chức năng thu gom toàn bộ nước thải xả ra dòng sông Tô Lịch. Sau hơn 8 năm triển khai, hiện nay dự án cũng đang gấp rút hoàn thiện chờ kết nối đồng bộ với hệ thống cống ngầm dẫn nước thải.

 Ông Trương Quốc Bảo - Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chương trình hạ tầng xử lý nước thải Yên Xá cho hay: "Các công đoạn vận hành thử nghiệm Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành, Ban Quản lý dự án đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để đưa nước sạch ra sông Tô Lịch và sông Nhuệ trong thời gian sớm nhất”.

Kỳ vọng vào “dải lụa xanh” 
Như vậy, cùng với việc đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, kết hợp với đẩy nhanh tiến độ dự án bổ sung nguồn nước đủ mạnh từ sông Hồng vào để tạo dòng chảy liên tục, người dân Thủ đô có thể kỳ vọng một ngày không xa, sông Tô Lịch sẽ sống trở lại với màu nước xanh trong. Bên cạnh đó, Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, cứu các dòng sông chảy qua nội đô.

Quá trình cải tạo sông Tô Lịch khá giống với dự án cống ngầm thu gom nước thải của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà TP Hồ Chí Minh đã xử lý thành công vấn đề ô nhiễm. Nhờ đó mà nhiều người dân Thủ đô đang dần có sự tin tưởng vào phương án sắp hoàn thành này. Để tạo thêm cảnh quan, đưa dòng sông Tô Lịch gần gũi, thân thiện hơn với người dân, năm 2019, Hà Nội đã đầu tư 65 tỷ đồng mở 4km đường đi bộ ven bờ sông. Đến đầu năm 2024, tuyến đường xe đạp ven sông Tô Lịch tiếp tục được thi công và đi vào vận hành đã gây được thiện cảm lớn với người dân. Để tô đẹp thêm cảnh quan, cũng như làm trong lành nguồn không khí cho người dân đi bộ tại đây, chính quyền đã cho trồng cây xanh dọc đường đi ven sông. Phần cây xanh này ngăn cách giữa làn đường dành cho ôtô - xe máy và phần đường đi bộ ven sông Tô Lịch. 

Ông Nghiêm Văn Khuê - 65 tuổi, nhà gần sông Tô Lịch chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chính quyền có biện pháp cụ thể, trả lại sự trong lành cho con sông Tô Lịch mà chúng tôi đã từng tắm mát ngày xưa”.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á cho biết, việc làm sạch và chỉnh trang sông Tô Lịch không chỉ mang lại môi trường sống tốt hơn cho người dân mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch bền vững, tạo sức hấp dẫn mới cho Hà Nội. Bởi, sông Tô Lịch chảy qua nhiều khu vực đông dân cư và nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, từ đó tiếp cận dễ dàng hơn với du khách. Dòng sông có thể được tích hợp vào các tour du lịch hiện có, kèm theo việc tạo ra các sản phẩm mới, làm phong phú thêm lựa chọn cho du khách. Việc phát triển du lịch quanh sông Tô Lịch sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương, cải thiện kinh tế cộng đồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.
Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.