Đêm không ngủ của nữ cửu vạn chợ Long Biên

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khoảng 20h hàng ngày, ánh đèn điện len lỏi khắp mọi ngõ ngách khu chợ Long Biên (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), hàng nghìn tấn hoa quả từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây giao dịch. Chính vì thế, nhu cầu lao động khuân vác, vận chuyển thời điểm này rất lớn. Công việc nặng nhọc ấy tưởng chừng như chỉ dành cho cánh đàn ông, nhưng theo Ban Quản lý chợ Long Biên, có tới gần 80% những người làm cửu vạn ở chợ lại là phụ nữ, hầu hết trong số này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Đêm không ngủ của nữ cửu vạn chợ Long Biên - ảnh 1
Chị Trần Thị Yến làm cửu vạn hằng đêm ở chợ Long Biên, “bán sức” hy vọng gia đình có Tết Nguyên đán tươm tất.

Phận người gánh cả đêm đông

Hà Nội về đêm, chỉ còn tiếng gió rít mang theo cái lạnh tê tái của mùa đông thì đó cũng là thời điểm hàng trăm người phụ nữ đổ ra chợ Long Biên kiếm cơm bằng nghề khuân vác, vận chuyển. Không gian huyên náo, chen nhau từng milimét không làm khó được những người phụ nữ ấy. Với thân hình bé nhỏ, kéo theo cả vài tạ hàng sau lưng, họ lao đi thoăn thoắt với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Chị Nguyễn Thị Vượng (38 tuổi, quê huyện Ân Thi, Hưng Yên) làm cửu vạn ở chợ gần 10 năm nay ví cái nghề của mình chẳng khác nào “lấy đêm làm ngày”. Bởi khi đa số người dân Hà Nội chìm vào giấc ngủ thì đó cũng là lúc chị và nhiều người phụ nữ khác tất tả đi làm. 

“Cứ khoảng 8h tối là xe hoa quả từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về. Người bán ở trong chợ, người mua để xe ở ngoài đầu cổng. Mua bán ở đây là thương lái nên đều giao dịch với số lượng lớn, còn chúng tôi đảm nhận phần việc bốc vác, vận chuyển trung gian. Đến 6h sáng hôm sau hết khách chúng tôi mới về nghỉ”- chị Vượng kể.

Chị Vượng có 3 người con. Năm 2013, vợ chồng chị lên Hà Nội rong ruổi trên khắp các con phố làm nghề đánh giầy. Sau đó được bạn bè giới thiệu, anh chị tìm đến chợ Long Biên xin làm cửu vạn. Chị chia sẻ: “Xe kéo đi thuê, mỗi chuyến tôi đi trước kéo còn chồng đẩy đằng sau, đi phải nhanh nhưng không được làm hỏng hàng vì hỏng là mình phải đền. Công mỗi chuyến chỉ được 50.000 đồng mà phải đền hàng nữa thì coi như ngày hôm đó bù lỗ luôn. Người thuê họ chẳng quan tâm lao động là nam hay nữ, ốm hay khoẻ mà chỉ muốn biết vận chuyển nhanh hay chậm (kịp giờ về bán), giá cả thế nào, hỏng hàng mình phải chịu. Làm cửu vạn ở đây cũng như đi câu vậy, có những ngày chỉ được 200.000 - 300.000 đồng. Ở đây có giá chung rồi, muốn lấy cao hơn cũng không được. Ngoài ra loại hàng đó là gì? Nếu là xoài hay cam thì giá được cao hơn chút vì nặng. Mình muốn thu nhập cao thì phải bán sức, làm cả đêm mới mong thu được 700.000 - 800.000 đồng”.

Cũng chính vì thế mà vợ chồng chị Vượng không lựa chọn thuê nhà như nhiều cửu vạn khác ở chợ Long Biên. Hàng ngày vợ chồng chị đi nhờ xe mua hoa quả từ quê lên chợ rồi đến sáng lại đi nhờ xe mua hoa quả về nhà. Với chị, như thế vừa tiết kiệm được chi phí lại vừa có thêm thời gian canh tác, chăn nuôi ở quê để nuôi con cái ăn học.

 Đang kể dở câu chuyện, chị Vượng chợt thấy một xe tải oằn mình chở hoa quả cập bến, không để chậm trễ giây phút nào, chị chạy ra hỏi chủ hàng để hy vọng được chọn làm “người vận chuyển”.

20 năm bám trụ với nghề cửu vạn đêm
Vừa xong chuyến hàng táo cho thương lái ở Lạng Sơn, bà Phạm Thị Hiền (55 tuổi, quê Hải Dương) tranh thủ ngồi nghỉ chờ cho những đơn hàng tiếp theo. Người phụ nữ này đã có thâm niên hơn 20 năm làm cửu vạn ở chợ Long Biên. Trẹo cổ, tím người, chân tay trầy xước, đau nhức là điều thường xuyên diễn ra với bà Hiền có là gì với những câu chuyện truyền tai nhau về nữ cửu vạn sinh non vì phải kéo hàng nặng, người bị cột sống đành phải bỏ nghề… Từng ấy năm lăn lộn ở chợ, sức khoẻ bà Hiền không còn được như xưa. Nói về dự định của mình, bà Hiền cũng chẳng biết khi nào dừng làm cửu vạn. Bởi với bà, công việc này không chỉ đem lại miếng cơm manh áo của cả gia đình. 

Đêm không ngủ của nữ cửu vạn chợ Long Biên - ảnh 2
Từng chuyến xe hàng nặng hàng trăm kg, cao vượt quá đầu người được những nữ cửu vạn vận chuyển thoăn thoắt là chuyện không hiếm ở chợ Long Biên.

Bà Hiền kể: “Ngày mới đi làm, chưa quen việc, quen khách chỉ đủ ăn với tiền nhà trọ. Tôi lái xe cũng chưa quen nên làm hỏng hàng nhiều. Lâu dần mới ổn định. Làm cửu vạn chợ Long Biên nếu chỉ có sức khoẻ thì không đủ mà cần phải có thêm kinh nghiệm. Bởi điều khiển một chiếc xe chở từ 200 - 300kg hàng đằng sau không đơn giản. Đầu tiên phải có kinh nghiệm xếp hàng, từng đường đi lối lại trong chợ cũng phải thuộc lòng để biết chỗ nào có “ổ gà”; “ổ vịt” còn tránh. Hàng nặng mà cứ thế tham, dùng sức kéo đi nhanh, tránh nhau không kịp có khi đền ốm. Con dốc đầu chợ là thử thách lớn nhất với chị em chúng tôi, muốn lên được dốc phải lấy đà từ khoảng cách 20-30m, sơ sẩy một chút là hỏng ngay…”.

Theo bà Hiền, đa phần nữ cửu vạn chợ Long Biên thuê trọ ở phía sau chợ, 3-4 người ở cùng nhau trong căn lều lụp xụp với giá chỉ 15.000 đồng/đêm/người. Có những người làm cửu vạn xuyên đêm sáng về ngủ nhưng cũng có những người chỉ làm đến 2-3h sáng rồi tranh thủ lấy hàng hoa quả về, sáng hôm sau đi bán rong ở khắp các ngõ ngách của Hà Nội. Dù như thế nào thì tất cả cũng đang trải qua môi trường sống rất thấp ở nơi thành thị. Họ tiết kiệm, dành dụm từng đồng để gửi cho gia đình với hy vọng về tương lai tươi sáng hơn. 

Cách bà Hiền không xa, nhiều nữ cửu vạn cũng đang ngồi hướng đôi mắt ra phía cổng chợ, chờ cho những xe hàng tiếp theo cập bến. Họ mặc phong phanh giữa cái lạnh “cắt da cắt thịt” của đêm đông. Dường như công việc “lấy mồ hôi sưởi ấm cơ thể” cùng với sự tấp nập nơi đây khiến họ tạm quên cái khắc nghiệt của thời tiết đang bủa vây xung quanh mình. Dáng vẻ vội vã, khuôn mặt hốc hác chạy ngược, chạy xuôi là hình ảnh chung của những người phụ nữ làm nghề kéo hàng ở chợ Long Biên. Bất kể kiện hàng nặng, nhẹ đang mang trên mình, những nữ cửu vạn bước như chạy. Ai cũng cố gắng về đích trước để còn nhanh chóng quay lại kéo chuyến hàng tiếp theo. 
Cạnh tranh khốc liệt
Những năm gần đây, số lượng phụ nữ tìm về chợ Long Biên làm cửu vạn ngày càng nhiều, sức cạnh tranh cũng vì thế mà càng trở lên khốc liệt. Trong khi kinh tế gặp khó khăn, khối lượng buôn bán ở chợ cũng không được sầm uất như vài năm trước nên thu nhập nghề này cũng giảm đi đáng kể. Ai chưa có tiền thì khởi nghiệp bằng việc thuê một đôi quang gánh, tự tìm mối gánh hàng thuê. Ai có “điều kiện” đầu tư một chiếc xe đẩy hàng giá vài triệu đồng và trở thành chủ. 

Đêm không ngủ của nữ cửu vạn chợ Long Biên - ảnh 3
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những nữ cửu vạn chợ Long Biên giữa đêm đông giá rét.

Mang tiếng là làm chủ nhưng cũng không phải muốn vào chợ làm cửu vạn là được. Trước tiên phải đăng ký với Ban Quản lý chợ, sau đó muốn có đơn hàng thì phải có đồng nghiệp “dắt mối”. Người nào năng động, khéo léo hơn phát triển thêm các mối riêng cho mình thì mới mong có công việc ổn định. Chuyện cãi nhau, đánh lộn vì tranh giành khách cũng thường xuyên diễn ra trong đội ngũ cửu vạn chợ Long Biên. 

Chị Trần Thị Yến (35 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết: “Chợ giờ đất chật, người đông. Có hàng trăm người làm cửu vạn mà mình ngồi trên xe chờ người ta gọi đến lượt mình thì chỉ có “chết đói”, phải cạnh tranh nhau từng xe một, rồi phải quen với người này người kia để khi có việc họ còn gọi cho mình san sẻ. Đã làm cái nghề này thì ai cũng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, áp lực cơm áo gạo tiền đè lên vai nên không tránh được xích mích”.

Đối với chị Yến và tất cả các nữ cửu vạn chợ Long Biên, dịp Tết Nguyên đán cận kề là thời gian bận rộn nhất trong năm, họ cố gắng “bán sức” mong có thêm thu nhập. 

"Khi phố phường đã tràn ngập sắc hoa và không khí một năm mới đang cận kề, chúng tôi vẫn tất bật làm việc thâu đêm để chạy đua với thời gian, mong sao có thể lo cho gia đình một cái Tết tươm tất nhất. Chẳng ai mong muốn sống trái khung giờ với mọi người, phải lăn lộn trong đêm đông giá rét cả nhưng ở đây là thế. Vất vả, mệt nhọc, cạnh tranh từng tí một thì ai cũng thấy nhưng để mà bỏ tìm việc khác lại rất khó vì biết làm gì cho thu nhập vừa tốt hơn, vừa nhàn hơn?”- chị Yến trăn trở.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.