Độc đáo những phiên chợ quê ngày giáp Tết
(PNTĐ) - Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, mọi mặt hàng đều được bán trên không gian mạng tiện lợi, nhanh chóng thì nhiều nơi ở Hà Nội vẫn giữ lại những phiên chợ quê truyền thống, nhất là những phiên chợ quê Tết. Đây không chỉ là nơi trao đổi buôn bán mà còn là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí Tết đang đến gần, tái hiện bức tranh văn hoá của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Nhộn nhịp chợ Tết vùng ven đô
Những ngày cuối năm, muốn cảm nhận không khí Tết đang đến gần nhiều người bảo nhau đi chợ Sấu Giá, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức nằm ở triền đê sông Đáy.
Theo lịch sử để lại, đây là một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất của vùng đất ven đô khu vực phía Tây. Nhưng không giống như nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội, chợ Sấu Giá chủ yếu bán các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ đến những ngày cận Tết, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ trang trí mới được bày bán nhiều.
Bà Nguyễn Thị Tình (65 tuổi, người xã Dương Liễu) kể: “Chợ Sấu Giá những ngày cận Tết họp từ sáng tinh mơ, không khí hối hả mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền là nét rất đặc trưng của người dân nơi đây. Chợ có từ bao đời nay nên đã trở thành nét văn hoá của người dân trong vùng, ngày cuối năm từ người già tới trẻ em, ai cũng muốn đi chợ Sấu Giá không chỉ để mua sắm đồ Tết mà còn để cảm nhận không khí Tết đang tới gần”.
Thực tế chợ Sấu Giá không lớn, các sạp hàng bên trong bày bán đủ thứ, từ quần áo, giày dép, đồ khô, bát đĩa, ấm chén đến quầy hàng rau củ quả, thịt tươi… Trong chợ còn có các hàng ăn vặt như bún chả, bánh rán, chè… chuối, bưởi, cau, trầu… được người bán đặt ngay dưới đất. Không chỉ có người dân xã Dương Liễu, chợ còn thu hút người dân các xã, huyện lân cận đến bán mua.
Xếp từng lá trầu không, lau từng quả cau bày lên chiếc mẹt, bà Nguyễn Thị Tình cho biết đã bán cau tại chợ này được gần chục năm. “Năm nào tôi cũng đi những phiên chợ cuối cùng của năm, cau trồng ở vườn nhà, trầu cũng thế, tôi chỉ chọn những lá đẹp nhất, tươi nhất để khách mua bày bàn thờ gia tiên. Đến chợ ngoài bán hàng còn được tận hưởng cái cảm giác Tết và không khí Tết. Ở quê bây giờ cũng khác trước, người ta giàu có hơn nên Tết với người già không còn vui như xưa, nhưng năm nào đi chợ Sấu Giá tôi vẫn cảm nhận được không khí Tết cũ”- bà Tình nói.
Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) là phiên chợ quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ còn giữ nhiều nét truyền thống. Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Người dân nơi đây ai cũng biết câu: "Gái 22, trai 27" được lưu truyền từ xa xưa về phiên chợ Nủa. Theo đó, chợ họp vào ngày 22 dành cho phụ nữ, còn phiên chợ cuối cùng của năm vào ngày 27 dành riêng cho các đấng mày râu.
Ở chợ quê nhiều nơi, sáng sớm là thời điểm đông nhất nhưng chợ Nủa thì càng muộn càng đông người. Trong dòng người đi chợ, không chỉ có các bà, các cô mà rất nhiều thanh niên nam nữ, học sinh đủ mọi lứa tuổi. Nhiều người tay bồng, tay bế hoặc dắt theo con đi chợ để sắm cho con bộ quần áo, giày dép mới chuẩn bị đón Tết.
Các mặt hàng bày bán đa phần là những sản phẩm do bà con làm ra, như: Thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia; dao, kéo, cuốc, xẻng, kiềng; gà, lợn, chó; chiếu cói, chổi rơm… Riêng những phiên chợ cuối cùng của năm bao giờ cũng tất bật hơn cả, các mặt hàng cũng đa dạng và phong phú hơn.
Mỗi người mỗi sự lựa chọn: Người mua trầu cau, người tìm tấm chiếu để trải, người tìm cuốn lịch mới, người chọn mua ống giang hay bó lạt, lá dong và cả thú cưng cũng được đem ra chợ trao đổi trong những ngày cuối năm.
Không khí chợ Nủa sôi động nhất vào khoảng 8 giờ sáng. Đồ nông sản hái được ở vườn nhà… Chỉ cần mang ra ngõ là đã có người hỏi, thế nhưng người ta cứ thích chờ đến chợ phiên mới đi bán và người mua cũng vậy.
Điều đặc trưng tại các phiên chợ cuối năm không thể thiếu đó là những gánh hàng bán vôi. Theo tục lệ trước đây, cứ vào dịp cuối năm là lúc nhiều người đi mua vôi về tôi, để quét lại nhà cửa, tránh xui xẻo trong năm mới. Ngày nay, tục lệ này còn ít người quan tâm, song ở phiên chợ Nủa dịp cuối năm không thể thiếu những gánh hàng bán vôi.
“Xưa, vào các ngày chợ phiên đặc biệt này, trẻ em trai và trẻ em gái đều được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ đi chợ Tết và được tự tay mua sắm đồ dùng theo ý thích. Ngày thường, chợ chỉ họp đến 2 giờ chiều là kết thúc; riêng phiên chợ cuối năm họp đến tối, khi nào vắng khách, chợ mới tan” - cụ Dương Thị Ngưỡng, năm nay đã 80 tuổi kể lại.
Chợ Sa nằm ngay trong vùng di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh cũng là một trong những nơi còn giữ lại được nét đẹp truyền thống của người dân kinh kỳ với những phiên họp vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Những ngày cuối năm, chợ Sa đặc biệt hơn cả. Các cụ ngày xưa truyền lại cho con cháu trong kinh thành (thành Cổ Loa), phiên chợ cuối năm là dịp cha mẹ cho con đi sắm Tết, đi chơi chợ và cho con được ăn những gì con thích. Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, điều này trở thành phong tục của người dân Cổ Loa.
Một điều đặc biệt của phiên chợ Sa ngày cuối năm đã trở thành phong tục, một nét riêng trong văn hóa của người dân nơi đây là “tục ăn quà”. Các gia đình thường đi chợ cùng nhau, thăm thú và thưởng thức các món ăn. Những món đồ được bán ở chợ như chổi, lạt, thúng, mẹt... mang đậm nét thôn quê, khó tìm ở xã hội hiện đại.
Đây đều là những hàng hóa người dân trong vùng sản xuất được. Vào những phiên chợ giáp Tết, người bán, người mua họp từ rất sớm. Trong dòng người đông đúc chen nhau, những tiếng hỏi giá cả, tiếng mặc cả bớt một thêm hai, tiếng mời chào của người bán… làm cho phiên chợ thêm nhộn nhịp.
Nơi lưu giữ văn hoá truyền thống
Những ngày giáp Tết, chợ quê bao giờ cũng đông đúc, tấp nập hẳn lên. Người mua, kẻ bán, chợ trở thành trung tâm giao dịch, trao đổi hàng hóa. Người ta đi chợ, không chỉ để mua bán, mà đi chợ còn là để chơi, để ngắm. Chợ Tết ở quê sở hữu một mê lực, có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người. Hàng quán những ngày cuối năm, cửa hàng nào cũng ăm ắp sản phẩm, sắc màu rực rỡ. Màu xanh của lá rong xen lẫn sắc đỏ của bánh mứt kẹo, lại chen vào một chút sắc mầu tươi mới của các loài hoa ngày Tết.
Những cụ già lưng đã còng vì tuổi tác, lại còng thêm vì gánh hàng nặng trên lưng. Người đến chợ để tìm lại cái cảm giác xưa cũ, với lòng hoài cổ của mình, còn những người trẻ tuổi lại tìm đến chợ như một nơi chốn để ngắm nghía, hẹn hò. Chỉ trẻ con là vô tư nhất, chúng khuấy động từng góc chợ, nô đùa và len lỏi khắp nơi, tiếng cười bay theo gió…
Bao năm đã trôi qua, chợ quê giờ đây đã mang nhiều nét đổi khác, tuy nhiên cũng không khó để nhận ra sự tuyềnh toàng, dân dã, nhưng đậm chất hồn quê của nó. Một năm mới lại về, với những người yêu chợ quê đây không chỉ là dịp sắm sửa hàng Tết, mà còn là dịp để nhớ về một không gian văn hoá truyền thống.
Dù cho cuộc sống hiện đại đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh tiện lợi cho người tiêu dùng, song những nét văn hoá về chợ quê vẫn không hề phai trong tâm tưởng mỗi người dân Việt. Bởi đơn giản chợ quê chính là một địa chỉ giao lưu, sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia về chợ quê cho rằng: Không phải cứ tranh, tre, nứa, lá... sẽ là quê. Cũng không phải cứ lều tranh mái xiêu là những phiên chợ nghèo. Chợ quê đặc biệt là phiên chợ ngày Tết mang trong lòng nó rất nhiều giá trị văn hoá, chợ quê thường gắn với tuổi thơ của mỗi người, đến nỗi ngay cả sự mong chờ cũng được ví “mong như mong mẹ về chợ”. Để rồi lớn lên, dù có đi bốn phương trời mà trong lòng vẫn tâm niệm “Thiếu quê hương, ta về đâu?”.