Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô - ảnh 1
Khu đất xây dựng Công viên hồ điều hoà Phùng Khoang ngổn ngang phế liệu, rác thải, bị chiếm dụng xây dựng công trình sai phép.

Gần 3 thập kỷ mòn mỏi chờ không gian xanh
Người dân quận Hà Đông (Hà Nội) những ngày đầu tháng 7/2024 kỳ vọng sau khi thông tin dự án Công viên văn hoá-vui chơi giải trí, thể thao nằm trên khu đất rộng gần 100ha thuộc phường Hà Cầu và Kiến Hưng sẽ được tái khởi động, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2027. Đây là dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch từ năm 1998. Để có đất triển khai dự án, cơ quan chức năng đã phải thu hồi 40ha đất nông nghiệp và xin phép Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phục vụ mục đích công cộng. 

Sau khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, UBND Thành phố giao cho quận Hà Đông triển khai dự án. Đây là dự án nhóm B thuộc công trình cấp 1 của Thành phố. Tuy nhiên, gần 30 năm qua, dự án mới chỉ triển khai được một số hạng mục. Theo nhiều người dân sống gần dự án, hàng mấy năm trời, dự án không có dấu hiệu thi công, mặc dù hàng ngày vẫn có rất nhiều xe cộ ra, vào. 

“Một số khu đất trong dự án bị chiếm dụng làm nhà xưởng, bãi đỗ xe trong khi mục đích sử dụng của khu đất là làm công viên. Tôi cũng không hiểu vì sao dự án “bất động” mất năm nay, trong khi xung quanh rất thiếu không gian vui chơi, sinh hoạt cho người dân”- ông Nguyễn Văn Bảo (45 tuổi, sống gần dự án) chia sẻ.

Không chỉ bị chiếm dụng làm nhà xưởng, bãi đỗ xe, bên trong dự án Công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông còn chứa nhiều rác thải sinh hoạt, xây dựng bốc mùi xú uế, cỏ mọc um tùm. Một số công trình đã xây dựng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Ông Bảo bày tỏ: “Đáng ra là khu vực không gian xanh cho người dân nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Rất mong lần này thông tin dự án triển khai trở lại là sự thật, đảm bảo tiến độ để người dân có không gian sống trong lành hơn”.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, Hà Nội nên tập trung vào việc cải tạo các công viên lớn. Các công viên, vườn hoa khác thì sẽ được đầu tư xây dựng, cải tạo theo giai đoạn. Trước mắt, trong giai đoạn này cần sớm hoàn thành nâng cấp các công viên như Thống Nhất, Thủ Lệ, Hòa Bình, Bách Thảo… Một “Hà Nội đáng sống” phải bắt đầu từ các công viên. Khi chưa có điều kiện để phát triển nhiều công viên thì cần cải tạo những công viên hiện có, nâng cấp lên một cách quy củ. Không chỉ dừng lại ở việc nâng cấp, cải tạo những công viên, vườn hoa đã xuống cấp mà chính quyền thành phố, các quận, huyện được phân cấp quản lý cũng phải quan tâm đến công viên, vườn hoa còn lại trên địa bàn, bảo đảm có một không gian xanh - sạch - đẹp, để người dân Thủ đô không "khát" không gian vui chơi.

Tại khu vực phố Tố Hữu, Lương Thế Vinh, nơi giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm có dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang thuộc địa phận phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng đô thị cùng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) động thổ xây dựng từ cuối năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Nhưng sau khi khởi công khoảng 7 năm, đến nay, dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang vẫn quây tôn kín mít, bên trong đã hình thành một số hạng mục nhưng chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, xây dựng nên phải đóng cửa khoảng 3-4 năm nay. Nhiều khu vực xuống cấp, nơi bị cỏ mọc um tùm, người dân không được thụ hưởng lợi ích từ dự án công viên này trong khi khu vực xung quanh thiếu hạ tầng cây xanh, công viên, vườn hoa, dân cư đông đúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, đại diện UBND phường Trung Văn lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do vẫn còn 5.045m2 đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm và 5.008m2 thuộc địa bàn quận Thanh Xuân. Không những chậm tiến độ, nơi đây còn là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Thống kê sơ bộ của UBND phường Trung Văn cho thấy, hiện có khoảng 80 chủ sử dụng các công trình trên diện tích đất của dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó có khoảng gần 20 công trình xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, còn lại chủ yếu là các công trình nhà cấp 4, thời điểm vi phạm từ những năm 2010 đến 2013. Các công trình nêu trên hiện đang dùng làm nhà ở, xưởng sản xuất hoặc các cửa hàng buôn bán, kinh doanh. Thậm chí, một số hộ dân đã nhận tiền đền bù hỗ trợ và ký bàn giao mặt bằng nhưng tiếp tục tái lấn chiếm xây dựng các công trình nhà ở hoặc bán cho những người khác để xây dựng công trình. 

Tương tự, một dự án khác là Công viên Chu Văn An được phê duyệt quy hoạch và công bố quy hoạch chi tiết 1/500 khu tưởng niệm nhà giáo, danh nhân Chu Văn An từ năm 2009 trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Thế nhưng đến nay, công viên vẫn đang chỉ là những bãi cỏ dại mọc hoang, cao quá đầu người. Mục sở thị tại công viên này, hàng rào quây xung quanh đã được xây dựng nhưng do bỏ hoang lâu ngày nên cũng đã nhuốm màu thời gian. Hai cổng vào từ phía đường Nguyễn Xiển - Xa La, những ống bêtông lớn được dựng lên để ngăn xe cộ đi vào. Bỏ không lâu ngày, lại không có người quản lý dẫn đến việc những điểm này trở thành khu tập kết rác thải không biết từ lúc nào. Bên trong công viên, ngoài các hạng mục như hệ thống đường nội bộ đã được lát đá, hệ thống đèn chiếu sáng cũng đã được lắp đặt thì tất cả chỉ là những bãi cỏ hoang, vắng lặng. 

“Cởi trói” cho các dự án công viên chậm tiến độ 
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Thành phố có gần 70 công viên, vườn hoa công cộng nhưng khoảng 70% trong số này xuống cấp. Cũng có tới hàng chục công viên xây xong nhưng lại bỏ hoang hoặc chậm tiến độ. Nguyên nhân chính khiến các dự án xây dựng công viên mới chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng bị vướng phải dừng thi công để chờ điều chỉnh quy hoạch.

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô - ảnh 2
Cảnh ngổn ngang bên trong khu đất rộng gần 100ha làm dự án Công viên văn hoá - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông suốt gần 3 thập kỷ vẫn chưa xong.

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 332 ngày 31/12/2021 của UBND Thành phố về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa đối với 41 công trình, đến nay các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa (đạt khoảng 31% kế hoạch). Trong năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa (dự kiến đạt khoảng 67% kế hoạch). Đến năm 2025, dự kiến các quận hoàn thành nốt 11 công viên, vườn hoa, đạt khoảng 91% kế hoạch. Trong tương lai, TP Hà Nội sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh với chủ trương: “Không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên”.

Trao đổi về giải pháp “cởi trói” cho các dự án công viên chậm tiến độ, bỏ hoang tại Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: “Cần phải thành lập cơ quan liên ngành, rà soát lại thực trạng của các công viên trên địa bàn, kể cả Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng phải rà soát lại để đánh giá mức độ sai lệch, lãng phí hoặc chệch hướng trong quá trình phát triển công viên. Từ đó, điều chỉnh lại theo quy hoạch phát triển chung của Thành phố để đạt chất lượng cao nhất. Việc quản lý, vận hành các công viên cũng cần thay đổi, không thể mãi kéo dài tình trạng các công viên trong nội thành đua nhau xuống cấp; công viên mới xây dựng hoặc bị “treo”, hoặc không mở cửa”. 

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, ở nhiều nước, công viên là “tài sản chung”, được giao cho cộng đồng quản lý. Moskva (Nga), Ba Lan hay nhiều quốc gia khác, Nhà nước muốn xây dựng tượng đài ở công viên cũng phải hỏi ý kiến người dân. Chúng ta cũng cần học hỏi điều này. Muốn “hồi sinh” công viên thì phải có nguồn lực, có người thực hiện, chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ có khung pháp lý hoặc dự án trên giấy.

Khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa cũng là một vấn đề, theo ông Nghiêm là nan giải. Nhiều năm qua Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào các dự án công viên. Những tồn tại hiện nay cũng cho thấy, công tác quản lý các công viên chưa có sự giám sát ổn định cho nên vẫn chưa có được sự vận hành, phát huy một cách phù hợp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

(PNTĐ) - Chiến lược xây dựng các tuyến vành đai đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội cơ hội phát triển, không những trở thành hạt nhân của Vùng Thủ đô mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế rõ nét, sâu rộng. Mỗi tuyến giao thông mới của Hà Nội xây dựng đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển đô thị, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó ngày một nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

(PNTĐ) - Hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào về xây dựng “chuồng cọp”. Khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), công trình này chưa được hình thành, chủ nhà sau đó tự ý xây thêm với mục đích chống trộm nhưng khi có hoả hoạn xảy ra chính những “chuồng cọp” tự chế này lại bịt lối thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC. Trách nhiệm xử lý những công trình vi phạm PCCC này thuộc về chính quyền địa phương, nhưng từ nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang kêu khó khi triển khai đề án này.
Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc

Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc

(PNTĐ) - Bước vào đầu mùa mưa khu vực sông Hồng lại nhộn nhịp tiếng máy móc đến từ những con tàu hút cát. Trong số này, có khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng cũng có những nơi là vùng đất của cát tặc lộng hành, khai thác xuyên đêm khiến nhiều bờ sông bị sạt lở mặc dù cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, xử lý.