Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Bài và ảnh: Linh Nga
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ - ảnh 1
Các đơn vị chia sẻ với các hộ (người ở Đắc Sở) trồng cây phật thủ.

Nhiều nông hộ trắng tay, mong được hỗ trợ tái sản xuất
Nhiều năm nay, người dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức đã trồng và cung cấp cho thị trường quả phật thủ nổi tiếng khắp cả nước. Toàn xã có 500 hộ trồng phật thủ với tổng diện tích 350ha, ngoài diện tích trong xã còn trồng tại các xã ven sông Hồng ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì…, bình quân mỗi năm, cho doanh thu khoảng 500 tỷ đồng. Những vườn phật thủ từng là niềm hy vọng thoát nghèo, làm giàu của nhiều người nông dân một nắng, hai sương, dám mạnh dạn đầu tư trồng, đến nay cơn bão số 3 đi qua, nước lũ tràn về, cánh đồng bạt ngàn cây phật thủ giờ chết khô cành lá héo, trắng xoá một vùng vì bị ngâm quá lâu trong nước lũ. 

Nhắc đến diện tích phật thủ bị thiệt hại, lòng nặng trĩu nỗi buồn, bà Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở chia sẻ: “Người dân xã Đắc Sở đã mất rất nhiều công sức chăm sóc loài cây khá “khó tính” bởi cây ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông, nên đã thuê những diện tích đất bãi ven sông Đáy, sông Hồng ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng… trồng. Nào ngờ, năm nay mưa lũ đã nhấn chìm bao công sức của những người nông dân. Vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai, trung bình một cây cho khoảng gần 40 quả/vụ, cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 thì hết lứa, phải đầu tư trồng lại.  Đợt bão lũ này, nhiều gia đình có vườn cây mới được bói quả, chưa được thu hoạch thì đã mất trắng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, một trong 5 mục tiêu chính là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024.

Gia đình bà Tạ Thị Tuất, người dân xã Đắc Sở, có vườn phật thủ hơn 2ha tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng bị nước lũ nhấn chìm mất trắng, gia đình rơi vào cảnh phải mắc nợ. Chị Bùi Thị Loan cũng từ Đắc Sở đến xã Hồng Hà thuê đất trồng phật thủ, gia đình đổ bao công sức vào đầu tư chăm sóc cây, những tưởng sẽ có nguồn thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống thì cơn bão lũ ập đến khiến cho vườn cây thành củi trơ trụi, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Nguyễn Văn Khương, đã có hơn 400 hộ trồng phật thủ với tổng diện tích hơn 300ha, trong đó, 150ha bị thiệt hại hoàn toàn, 100ha bị thiệt hại từ 70-80% và 50ha bị thiệt hại 50%, tổng thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng. Hiện nay, UBND xã Đắc Sở đang phối hợp với Hội Sản xuất và kinh doanh phật thủ thống kê, kiểm đếm thiệt hại, rà soát nhu cầu và kiến nghị của các hộ dân. Từ đó, xã kiến nghị Quỹ Hỗ trợ nông dân, ngân hàng cùng các sở, ngành chức năng đề xuất có cơ chế, chính sách như phân bổ thêm nguồn vốn, hỗ trợ giảm phí vay, giúp người dân tái sản xuất.

Chỉ sau một đêm nước lũ dâng cao, hơn 80.000 con gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trận mưa lũ lần gây thiệt hại toàn bộ của cải tích cóp của gia đình nhiều năm nay, thậm chí rơi vào cảnh trắng tay, nợ ngân hàng đang phải trả lãi ngân hàng hơn 200 triệu/tháng. Ông Đoàn ước tính thiệt hại lên đến 14 tỷ đồng, trong đó riêng tiền gà khoảng 11 tỷ đồng, tiền thức ăn 140 tấn cám bị mục, trang thiết bị điện bị ngập nước...

Trước khi xảy ra bão lũ, trang trại của ông Đoàn có quy mô rộng 5.000m2, với 7 dãy chuồng mỗi dãy chuồng duy trì 80-90.000 con gà đẻ trứng và hơn 10.000 gà hậu bị. Cơ sở được chứng nhận chăn nuôi VietGap năm 2018, tạo việc làm cho 15 công nhân. Hiện toàn bộ công nhân đã phải nghỉ làm. Vừa dọn dẹp lại trang trại, ông Đoàn vừa bày tỏ gia đình vẫn mong tiếp tục chăn nuôi trên cơ sở vật chất đã đầu tư để tái sản xuất, có nguồn trả nợ ngân hàng và tạo công ăn việc làm cho những người lao động đã gắn bó nhiều năm.
Nỗ lực khắc phục, ổn định sản xuất kinh doanh
Được bao bọc bởi sông Hồng và dòng Bắc Hưng Hải, xã làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng có hàng trăm hộ sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế do ngập lụt. Nước rút người dân bắt tay vào dọn rửa những bình gốm. Toàn xã có 2.355 hộ dân thì có 910 hộ sản xuất và kinh doanh gốm, doanh thu trung bình mỗi năm đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Người dân cho biết hơn 20 năm nay, đây là trận lũ thiệt hại nặng nề nhất. Có những cơ sở đã thiệt hại hàng trăm triệu do bị vỡ nhiều sản phẩm. Như anh Nguyễn Thế Cường, ở xóm 2, Giang Cao, xã Bát Tràng, nước lũ ập đến nhanh, gia đình không kịp di dời hàng hoá nên đã có nhiều chiếc bình trị giá hàng chục triệu mỗi chiếc bị vỡ vụn.

Là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất về bao bì đóng gói, sản phẩm băng dính, màng chít PE, hạt chống ẩm, thanh nẹp góc, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, bà Tạ Thị Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hanopro Việt Nam (ở khu công nghiệp Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) cho biết: Bão số 3 và mưa lũ vừa qua đã khiến công ty thiệt hại hơn 4 tỷ đồng do nhà xưởng bị tốc mái tôn khiến hàng hoá và một số trang thiết bị hư hỏng. Hiện nay, công ty đang từng bước khắc phục thiệt hại và đi vào ổn định sản xuất.

Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm cũng bị thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng hơn 1 tỷ đồng do nhà xưởng bị tốc mái tôn, vỡ hàng chục tấm kính tường, nước ngập khiến máy móc bị hư hỏng, cây xanh đổ cũng trạm biến áp của công ty bị ảnh hưởng. Công ty đã nhanh chóng khắc phục và đi vào sản xuất ổn định để tiếp tục phục vụ người tiêu dùng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ là hơn 2.286 tỷ đồng. Cụ thể, trồng trọt thiệt hại khoảng 1.956 tỷ đồng; chăn nuôi ước thiệt hại 31,8 tỷ đồng, thủy sản ước thiệt hại 298,9 tỷ đồng… Nhằm phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp sau bão, Sở rà soát, đánh giá thiệt hại và triển khai các thủ tục để thực hiện hỗ trợ theo quy định; chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật khắc phục giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất vụ mùa. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 1,15 tỷ đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại đề xuất UBND Thành phố cấp bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên các đối tượng bị thiệt hại có nhu cầu vay để phục hồi và phát triển sản xuất; kịp thời bố trí kinh phí để khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ ổn định đời sống nhân dân và phát triển sản xuất.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây sự cố một số lưới điện khu vực, phần lớn là do cây, vật thể lạ gãy, đổ, bay vào đường dây và trạm biến áp. Trong đó, thiệt hại đối với lưới truyền tải ước khoảng 721 triệu đồng, lưới điện của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) ước khoảng 30 tỷ đồng, lưới điện của các tổ chức kinh doanh điện ước khoảng 1,1 tỷ đồng. Sở đã chỉ đạo EVNHANOI và các tổ chức kinh doanh điện khác trên địa bàn thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là các khu có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… 

Nhằm tăng cường đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân sau bão số 3 và dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán 2025, Sở Công Thương tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn (nhất là các khu vực bị úng, ngập) để kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp điều tiết, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng bởi mưa, bão nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của các tỉnh có thể cung ứng cho Hà Nội; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt phục vụ nhân dân.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.
Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

(PNTĐ) - Chiến lược xây dựng các tuyến vành đai đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội cơ hội phát triển, không những trở thành hạt nhân của Vùng Thủ đô mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế rõ nét, sâu rộng. Mỗi tuyến giao thông mới của Hà Nội xây dựng đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển đô thị, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó ngày một nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.
Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

(PNTĐ) - Hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào về xây dựng “chuồng cọp”. Khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), công trình này chưa được hình thành, chủ nhà sau đó tự ý xây thêm với mục đích chống trộm nhưng khi có hoả hoạn xảy ra chính những “chuồng cọp” tự chế này lại bịt lối thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC. Trách nhiệm xử lý những công trình vi phạm PCCC này thuộc về chính quyền địa phương, nhưng từ nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.