Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội
(PNTĐ) - Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang kêu khó khi triển khai đề án này.

Lên tivi mua nhà giá rẻ?
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021 - 2025 nhưng cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra. Riêng TP Hồ Chí Minh, trong cả quý I/2024, toàn Thành phố không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng. Chỉ có một dự án nhà ở xã hội là dự án cũ đã hoàn thành với 242 căn hộ.
Nói về làm các dự án nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Nhà ở xã hội về luật không có gì khó khăn, thậm chí rất thoáng. Thế nhưng, riêng TP Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu chủ đầu tư trong nội thành. Hiện doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Quốc hội làm sao để UBND TP Hà Nội phải công bố quỹ đất làm nhà ở xã hội. Làm nhà ở xã hội phải phù hợp, chứ không thể ở Hà Nội đi làm ở Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở.
Tập đoàn Hoà Bình hiện đang có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). “Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội. Dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở ban ngành, lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đất ở đây có làm nhà ở xã hội hay không? Hiện 1 dự án được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn 1 dự án, UBND TP Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư”- ông Đường thông tin.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân, cho biết công ty ông đang thực hiện khoảng 12 dự án và dự kiến sẽ bàn giao 3.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp vướng mắc với nhà ở công nhân, lý do trên 50% công nhân có nhu cầu thuê hơn là mua nhà ở xã hội. Song nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp lại không được bán cho các đối tượng thu nhập thấp khác.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH phát triển căn hộ Nam Long thì cho rằng, thủ tục hành chính làm dự án nhà ở xã hội rất khó! Bởi vì phải thực hiện theo các thông tư, nghị định hướng dẫn mới, thậm chí có những trường hợp tương tự trong dự án đã thực hiện trước đây giờ phải làm thủ tục lại, và trong quá trình xét duyệt cũng phải kéo dài thời gian vì thủ tục phê duyệt chưa thực hiện xong thì vẫn phải chờ. Mặc dù vậy, Nam Long vẫn quyết tâm thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết: “Làm đến đâu vướng đến đó…”. Một dự án của Vinaconex tại Thừa Thiên - Huế được phép có 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Với quỹ đất được duyệt, doanh nghiệp xây dựng được toà nhà ở xã hội nhưng đến nay vẫn chưa thể bán được.
“Dự án của chúng tôi có 8 toà nhà ở xã hội, với toà thứ nhất sau 4 lần xin duyệt thì 140 căn được phép bán, còn lại toà thứ 2 vẫn chưa được duyệt bán. Có lẽ phải đợi đến tháng 7, khi Luật mới chính thức có hiệu lực và phải bỏ quy định cư trú thì mới có thể giải quyết được khó khăn này. Bởi muốn mua nhà ở xã hội ở Huế, những tiêu chuẩn đầu tiên để được duyệt mua nhà là phải thường trú ở Huế. Người dân ở các tỉnh, thành khác đến thường trú thì sẽ không được mua. Giấy thường trú đó sẽ do phường, xã xác nhận là không có nhà đất thì mới được mua. Như vậy, không phải người ở Huế thì không thể mua được nhà. Và vì phường, xã không xác nhận thì Sở Xây dựng không ký duyệt”- ông Thanh cho biết thêm.
Theo Chủ tịch HĐQT Vinaconex, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ bán lại sau 5 năm đưa vào sử dụng rất khó để có thể thực hiện và vốn của doanh nghiệp sẽ "nằm" ở đó. Vị này còn thẳng thắn chỉ ra việc phát triển nhà ở xã hội còn có khó khăn liên quan đến gói vay vốn. Cụ thể, theo quy định, đất ở trong khu đô thị được làm nhà ở xã hội thì không được tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng, trong khi gói hỗ trợ đó là để người dân được hưởng tiêu chuẩn xã hội nhưng lại không được vay. Ngược lại, người mua nhà xã hội được quyền vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 4,5%. Nhưng doanh nghiệp vẫn vay với mức lãi suất 9%. "Có người nói muốn mua rẻ thì lên tivi mua là đúng rồi"- Chủ tịch HĐQT Vinaconex thừa nhận.
Khơi thông dòng chảy nhà ở xã hội như thế nào?
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho rằng mặc dù các cơ quan, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo, ban hành những chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển; kịp thời giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách đạt mục tiêu, yêu cầu. Song thực tế tại một số địa phương, công tác triển khai thực còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới kết quả thực thi. Đặc biệt một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn tồn tại, gây cản trở trong quá trình triển khai, khiến nguồn cung nhà ở xã hội “nhỏ giọt”. Ông Đính cho rằng, cần xây dựng và sớm ban hành các quy định, quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu, đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư… Đây là các vấn đề bị vướng nhiều nhất, theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, ông Đính đưa ra lời khuyên: Các doanh nghiệp phải cấu trúc, tái cấu trúc để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, không chỉ nhằm sinh tồn mà để giảm giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội nhìn nhận, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là dấu ấn trong phát triển nhà ở, nhất là với đối tượng cụ thể như Đề án nêu. Ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn vốn phát triển, về thu hút xã hội hóa đầu tư, về cải cách thủ tục hành chính...
Ông Nghiêm cũng cho rằng rất cần quan tâm trước hết các giải pháp về quy hoạch và quản lý. Do nhà ở xã hội là loại hình nhà ở có yêu cầu đặc thù, song không nên xem đây là giải pháp tình thế, là "điểm mờ" trong phát triển đô thị cần hướng tới mà mục tiêu là bảo đảm bền vững, môi trường sống thích hợp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đề cập đến các phương thức khai thác sử dụng nhà ở xã hội, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, để thực hiện Đề án đã phê duyệt cần đa dạng hóa các phương thức sử dụng. Chính phủ đã xác định các phương thức, bán, thuê mua, thuê, song cần giao nhiệm vụ để UBND cấp tỉnh xác định rõ tỉ lệ tương ứng với từng dự án. Với các khu công nghiệp, đề nghị áp dụng phương thức cho thuê là chủ yếu và cho phép các doanh nghiệp là chủ thể trong tổ chức cho người lao động của mình được thuê. "Việc ưu đãi và tăng tỷ trọng nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết mất cân đối cung và cầu của thị trường bất động sản mà còn là yếu tố đẩy nhanh Đề án ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội"- ông Nghiêm nhấn mạnh.
Trao đổi về chính sách dành cho lĩnh vực nhà ở xã hội hiện nay, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, công cụ chính sách hiện đã tương đối đầy đủ. “Hiện, Chính phủ đang rất rốt ráo chỉ đạo các ban, ngành, địa phương sớm ban hành các thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện cụ thể”- ông Lực nói và nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ có 1 triệu căn nhà ở xã hội thì cần sự phối hợp đồng bộ, theo đó Chính phủ tạo không gian chính sách; các ban, ngành, địa phương khẩn trương ra văn bản hướng dẫn; các doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn trong chuẩn bị phương án kinh doanh, chuẩn bị dự án và những gì bản thân mình có thể tự giải quyết được, để khi có hướng dẫn cụ thể thì mọi thứ đã sẵn sàng.