Hà Nội giữ gìn "lá phổi" xanh
Kỳ 2: Khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên
(PNTĐ) - Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô Hà Nội địa thế thuận lợi, tài nguyên phong phú thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Nếu biết tận dụng và khai thác, TP Hà Nội sẽ đạt được khát vọng vươn mình một cách bền vững, đảm bảo môi trường sống trong lành, là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ người dân nào trên thế giới.

Hà Nội ccóvị thế riêng có
TP Hà Nội có hệ sinh thái sông nước với một khung tự nhiên đã hình thành bởi mối quan hệ sông, hồ, và kênh mương với mật độ trung bình khoảng 0,5 - 1,0km sông/km2 diện tích. Trong đó, có hai con sông lớn chảy qua Hà Nội là sông Hồng và sông Đà. Đây cũng chính là hai con sông lớn nhất ở miền Bắc nước ta, có giá trị rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, gắn với văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, kết nối văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài.
Bên cạnh hệ thống sông, một điểm đặc thù nữa là Hà Nội còn sở hữu hệ thống ao, hồ khá đa dạng với khoảng 115 hồ nội thành, 12 hồ lớn ở ngoại thành (trên 5ha, không kể ao). Đặc biệt, một số hồ có vị trí quan trọng về giá trị văn hóa được thể hiện trong nhiều sách sử, nhiều áng thơ văn như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch... Từ đó có nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào quanh năm.
Ngoài ra, TP Hà Nội còn có nhiều loại hình đa dạng bao gồm các đồng bằng trù phú ở nội đô, các cánh đồng lúa ở Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... hay những dãy núi đồi uốn lượn ở khu vực Sóc Sơn, Ba Vì. Thêm vào đó là các hệ thống cảnh quan sinh thái với Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam... cùng một số không gian nông nghiệp như vành đai cây chuyên canh ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức…; vành đai trồng hoa cây cảnh tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh... có truyền thống lâu đời, vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế dựa trên yếu tố thiên nhiên.
TS Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, nếu tận dụng được lợi thế thiên nhiên sẽ tạo ra bước phát triển đột phá. Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh nội dung này trong khâu đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan với tư tưởng khai thác các giá trị cảnh quan, môi trường đặc trưng của Hà Nội để phát triển Thủ đô. Trong đó, xác định trước năm 2030, làm sống lại các dòng sông nội đô, bảo vệ nghiêm ngặt các hồ, không gian mặt nước; khai thác lợi thế cảnh quan hệ thống sông, hồ để tạo không gian sinh thái đặc sắc của Thủ đô, nhất là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Đây đồng thời cũng được xác định là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên hàng đầu khi triển khai Quy hoạch Thủ đô.
Đặc biệt, các nội dung về quy hoạch sông Hồng được quan tâm như Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ”.
GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, các đô thị lớn trên thế giới đều phát triển đô thị hai bên sông nhưng chúng ta chưa làm được điều đó với sông Hồng, trong khi đó đây là khu vực đắc địa, có thể phát triển kinh tế. Hay như đối với phố cổ, nơi giá trị kinh tế rất cao nhưng có nhược điểm là chật hẹp, chen chúc, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân, cũng như phải giải quyết nhiều vấn đề về môi trường...
“Trong Quy hoạch Thủ đô mới nhất, sông Hồng có thể thực hiện vai trò cung cấp nước cho các hệ thống sông trong nội đô (sông Tô Lịch, sông Sét...) sẽ giúp làm sạch và làm sống lại những dòng “sông chết” tại nội đô, cho phép khai thác 2 bên bờ sông để phát triển công nghiệp văn hóa, vẫn tuân thủ những yêu cầu về an toàn thoát lũ, nhưng chúng ta vẫn được phép xây dựng, khai thác những công trình thương mại, dịch vụ. Trong đó, cho phép phát triển phía Tây sông Hồng trở thành con đường di sản. Ở đó sẽ tái hiện toàn bộ câu chuyện lịch sử, văn hóa, con người của đất nước, kèm theo đó là những hoạt động kinh doanh, dịch vụ để phục vụ người dân và du khách tham quan, du lịch... Như vậy, chúng ta đã có cơ chế rõ ràng để khai thác tiềm năng của sông Hồng. Trong tương lai, sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan, văn hóa, dịch vụ, khi đó chúng ta sẽ thực sự có thành phố bên sông” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Phát triển nhưng vẫn phải giữ được bản sắc, môi trường
Với tiềm năng sẵn có, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá: “Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; có môi trường thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tế hiệu quả. Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quý báu. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, hy vọng Hà Nội có thể hoàn thành xuất sắc trọng trách đi tiên phong trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng thời, TP Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều vấn đề phải giải quyết, tạo động lực mới, xung lực mới, khơi thông các nguồn lực để tăng tốc. “Theo tôi, Hà Nội đi nhanh vào hiện đại, nhưng phải giữ được bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi với những đặc sắc riêng có; phải bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người; hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của sông, hồ, đồi, rừng…”- GS.TS Phùng Hữu Phú nêu quan điểm.
Nói về chất lượng sống của Thủ đô Hà Nội, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhìn nhận, Thủ đô đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng không khí" mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.
Ông Tùng cho biết: “Chất lượng không khí Hà Nội diễn biến khá phức tạp, thay đổi theo năm, theo mùa thậm chí theo ngày theo giờ. Mùa đông, nhất là vào thời điểm giao mùa Thu- Đông, Đông -Xuân, tiết trời nồm, ẩm, sương mù như những ngày đầu xuân vừa qua làm cho chất lượng không khí kém đi, thậm chí có ngày ngồi trong nhà cũng cảm thấy khó thở”.
Từ đó, ông Tùng nêu quan điểm cần giữ môi trường bằng mọi giá. Bởi, ô nhiễm môi trường là “sát thủ” vô hình ngày ngày âm thầm gây nguy hiểm cho người dân Thủ đô. Vì thế, nếu phát triển kinh tế mà không giữ được môi trường thì sớm muộn cũng sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực đến con người, từ đó việc phát triển trở thành vô nghĩa.
(Còn tiếp)