Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô:

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiến lược xây dựng các tuyến vành đai đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội cơ hội phát triển, không những trở thành hạt nhân của Vùng Thủ đô mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế rõ nét, sâu rộng. Mỗi tuyến giao thông mới của Hà Nội xây dựng đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển đô thị, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó ngày một nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch - ảnh 1
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các lãnh đạo thành phố trao đổi về tình hình thi công nút giao đường Lê Văn Lương - đường Vành đai 3 với các đơn vị thi công trong năm 2022.

Những huyết mạch giao thông đưa Thủ đô vươn tầm cao mới
Đường vành đai nằm bao quanh hành lang các thành phố lớn, có ý nghĩa kết nối trên diện rộng, tác động tới nhiều khu vực, vùng lân cận, tạo nên mạng lưới phát triển kinh tế vùng cho mỗi quốc gia. Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế đứng đầu cả nước, TP Hà Nội đã quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 đường chính (gồm vành đai 1, 2, 3, 4, 5) và 2 đường hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5). Cùng với sự hoàn thiện của tuyến đường, các tòa nhà, dự án cao tầng cũng dần hiện diện. Cư dân trong các khu vực trung tâm phố cổ có xu hướng dịch chuyển ra khu vực quanh khu vực này.

Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, dựa vào nội lực có sẵn khi giải phóng Thủ đô (1954), đường Vành đai 1 được hình thành theo chiều kim đồng hồ, chạy từ Nhật Tân dọc theo sông Hồng xuống phía Nam, toàn bộ đường Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - La Thành - Bưởi - Lạc Long Quân. Đến năm 2000, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm vị trí Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đã xác định đây là trục đường huyết mạch, không những là nơi lưu giữ văn hoá kinh thành Thăng Long nên cần được bảo tồn mà còn đóng vai trò “xương sống” phát triển kinh tế nên đã có chủ trương xây dựng khép kín toàn tuyến. Từ đó, Vành đai 1 được tập trung đầu tư, hình thành rõ nét một dải đô thị từ Đông sang Tây của Thủ đô.

Đến năm 2005, trước nhu cầu cấp thiết mở rộng Thủ đô, tuyến Vành đai 2 có lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - cầu Nhật Tân - cầu Đông Trù - cầu chui Gia Lâm - phố Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy, với tổng chiều dài 39km được xây dựng. Điều này đã giải quyết vấn đề ách tắc giao thông nội đô một cách rõ rệt. Việc lưu thông vận tải, hàng hoá giữa TP Hà Nội với các tỉnh lân cận được nâng cao rõ rệt. 

Năm 2008, Vành đai 3 nối dài từ cầu Thanh Trì tới cầu Thăng Long được xây dựng. Đây là công trình vừa ghi dấu ấn 1.000 năm Thăng Long nhưng đồng thời cũng là trục đường đóng vai trò quan trọng của Hà Nội trong thời kỳ phát triển và hội nhập sâu rộng với bạn bè quốc tế khi rút ngắn thời gian đi và đến sân bay quốc tế Nội Bài. 

Lớn nhất phải kể đến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được xây dựng hơn 1 năm qua khi tuyến này bao trùm TP Hà Nội và 9 tỉnh là Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên; là một trong những vùng trọng điểm kinh tế - xã hội, chính trị của cả nước. Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng, "kéo" cư dân từ nội đô ra các khu vực xung quanh.

Song song với việc xây dựng các đường vành đai, Hà Nội còn thực hiện 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58km). Đồng thời, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai như: Cải tạo nâng cấp quốc lộ 6; đường nối Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; cải tạo nâng cấp quốc lộ 21; xây dựng tuyến đường trục phía Nam; đường Bái đính - Ba Sao - Mỹ Đình... 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công.

Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, hàng năm thành phố dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng năm 2023, TP Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án lớn nhỏ với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường. Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại.
Hạ tầng giao thông làm bệ phóng cho Hà Nội phát triển
Theo các chuyên gia giao thông, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã có một không gian phát triển rất lớn, mạng lưới giao thông vận tải thay đổi rất rõ nét. Về chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đã đạt 12%, tăng hơn 5% so với năm 2008. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nội dung liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội đã được đặt ra với những định hướng mới. Trong đó, phải kể đến các Nghị Quyết quan trọng của Bộ Chính trị liên quan trực tiếp, gián tiếp đến không gian phát triển đô thị của thành phố. 

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch - ảnh 2
Tuyến đường Vành đai 3 (đoạn qua KĐT Linh Đàm) là trục đường quan trọng của TP Hà Nội trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Các định hướng đối với Hà Nội đã được đặt trong mối quan hệ liên kết vùng, hướng tới mục tiêu khẳng định vị thế, vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tầu phát triển của cả Vùng Thủ đô cũng như cả nước. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ cũng như Thành ủy, UBND Thành phố trong việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm bệ phóng cho Hà Nội ngày càng bay cao. 

Ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhìn nhận, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, các dự án giao thông quan trọng như Vành đai 2, Vành đai 3 đã được đầu tư và hiện nay đang triển khai Vành đai 4. Điều này thể hiện tầm nhìn rất xa của lãnh đạo trong việc đầu tư hạ tầng giao thông.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông Thủ đô đã có bước chuyển hóa mới như hệ thống đường bộ, cầu vượt, giao thông công cộng hiện đại, cầu vượt qua sông Hồng phát triển; nhiều tuyến đường, ngõ nhỏ được cải tạo, chỉnh trang… 

"Dù TP Hà Nội đã có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển nhưng hiện mạng lưới đường giao thông Thủ đô vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, thời gian tới, Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giao thông công cộng khối lượng lớn; ưu tiên ngân sách, huy động các nguồn lực để gia tăng mạng lưới đường giao thông…", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, sau nhiều năm nỗ lực miệt mài, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của lĩnh vực giao thông vận tải. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tầm vóc, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.
Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.