Nghệ nhân tâm huyết cùng kỳ linh năm Rồng

Ghi chép của Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hình tượng rồng trong dân gian Việt Nam với muôn vàn góc nhìn được tạo lên bởi bàn tay tài hoa của nhiều nghệ nhân ở các làng nghề Thủ đô. Từ đó cung ứng ra thị trường những sản phẩm kỳ linh hoàn chỉnh, mang đến mọi người khát vọng bình an, hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Nghệ nhân tâm huyết cùng kỳ linh năm Rồng - ảnh 1

Hơn cả một món hàng

Những ngày này, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) nhộn nhịp nhất trong năm. Mỗi xưởng nghề, các nghệ nhân đều đang chuẩn bị cho ra thị trường những tác phẩm cuối cùng để phục nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Đình Xứng - nghệ nhân của làng cho hay: “Dịp Tết cổ truyền nào làng nghề cũng tất bật để hoàn tất các đơn hàng. Năm nay, đất nước chuẩn bị bước sang xuân Giáp Thìn - năm gắn liền với hình tượng con rồng nên các đơn hàng liên quan đến hình tượng rồng cũng được đặt làm nhiều, mẫu mã đa dạng hơn”.

Theo ông Xứng, trong văn hóa Việt Nam, con rồng mang biểu tượng trái ngược với hình tượng rồng ở các nước phương Tây. Rồng Việt Nam linh thiêng, liên quan đến truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. Chẳng thế mà rồng được coi là linh thú đứng đầu trong 4 linh vật thần thoại “Long, Lân, Quy, Phụng (Phượng)”, được dân gian tôn kính, thờ cúng. Hình ảnh rồng trải qua các triều đại với những biến hóa khác nhau tùy theo vận nước. Mỗi triều đại hình tượng rồng được khắc họa khác nhau, nhưng vẫn thể hiện được sự tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của rồng được gắn liền với bậc đế vương, thể hiện quyền uy, mang năng lực tâm linh siêu nhiên. Ấn tín của vua chúa ngày xưa được chạm khắc hình tượng rồng vàng thể hiện cho sức mạnh và uy quyền của bậc đế vương, người đứng đầu. Ngoài ra, rồng còn được nhìn thấy trên hoàng bào, đồ dùng của vua và chỉ có vua mới được sử dụng hình tượng này để khẳng định vị trí tôn quyền của mình. Rồng chính là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, bất bại trước kẻ thù. Chính vì thế, tạo hình rồng luôn là khó nhất trong 12 con giáp.

 “Làm sao sản phẩm khiến người ta nhìn vào vừa phải cảm nhận được sức mạnh linh thiêng nhưng cũng hiền hòa, gần gũi. Ngoài những yếu tố tạo hình uốn lượn, hàng trăm chiếc vảy trên thân rồng to, nhỏ khác nhau, điểm cần phải chú ý nhất là phần đầu. Thông thường, với mỗi linh vật chỉ cần làm từ 4 - 5 ngày sẽ xong nhưng khi chế tác rồng thì người thợ phải mất lâu hơn nhiều mới có thể hoàn thành”- ông Xứng cho biết.

Quy trình đúc tượng đồng phải trải qua nhiều bước nhất định. Để có được một sản phẩm độc đáo, các nghệ nhân ở làng nghề Ngũ Xã phải chuẩn bị khuôn mẫu, nấu chảy đồng nguyên liệu đổ vào khuôn. Chờ một khoảng thời gian nhất định (tùy thuộc vào khối lượng sản phẩm) rồi mới có thể gỡ khuôn, lấy sản phẩm ra mài, giữa, đục tách… theo con mắt và trí tưởng tượng của người nghệ nhân. Rồng là con vật có nhiều chi tiết nhỏ nên việc chỉnh sửa của các nghệ nhân cũng vì thế mà cũng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức hơn.

Ông Xứng chia sẻ: “Đúc đầu rồng khó nhất là ở cặp mắt. Mắt rồng từ xa xưa đã được ví như ngọc, sáng quắc, vừa phải thể hiện được sự oai phong, uy vũ, thanh cao, cương trực nhưng đồng thời ẩn trong đôi mắt ấy là sự nhân ái, bao dung. Nếu không hiểu được về hình tượng rồng, không yêu nghề thì khó có thể khiến khách hàng đón nhận sản phẩm của mình. Vì thế, để đúc được hình tượng rồng ưng ý, khiến đông đảo người tiêu dùng đón nhận thì trên hết người làm ra sản phẩm  phải coi đó hơn cả một món hàng, phải coi đó là sự linh thiêng, tìm về cội nguồn của dân tộc…”.

Cũng vì làm ra được bức tượng rồng bằng đồng khó nhọc là thế nên ông Xứng không sản xuất ồ ạt bán ra ngoài thị trường mà chỉ khi có khách đặt ông mới làm. Mỗi thành phẩm mà ông Xứng bán ra có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào kích thước, độ tinh xảo, lượng đồng và vàng sử dụng của mỗi sản phẩm. Nếu khách yêu cầu dát vàng ở ngoài bức tượng thì giá thành sẽ lên cao hơn bình thường rất nhiều vì liên quan đến lượng vàng và công dát từ các nghệ nhân làng nghề khác. 
Tâm huyết với mỗi tác phẩm kỳ linh 
Tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), các nghệ nhân cũng đang hối hả tạo hình rồng nhằm cung cấp ra thị trường vào dịp Tết. Ông Phạm Việt Khoa, nghệ nhân đã có quá nửa đời gắn với gốm sứ ở làng Bát Tràng hồ hởi cho hay, năm nay lấy cảm hứng từ chiếc ấn Hoàng đế chi bảo vừa được đưa thành công từ Pháp về Việt Nam, xưởng của ông tập trung phóng tác, tạo nên những chiếc ấn rồng dát vàng độc đáo để phục vụ cho nhu cầu năm Giáp Thìn đang cận kề.

Nghệ nhân tâm huyết cùng kỳ linh năm Rồng - ảnh 2
Công đoạn chế tác linh vật Rồng vàng được thực hiện tại xưởng nhà nghệ nhân Phạm Việt Khoa.

 

“Sản phẩm được cách điệu theo hình mẫu Hoàng đế chi bảo từ thời vua Minh Mạng. Đặc biệt, hình tượng rồng phía trên chiếc ấn được tạo hình dựa trên các đường nét bí ẩn rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long. Công đoạn đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ trong từng chi tiết nhỏ đó là tạo hình. Các chi tiết nhỏ như râu, vây lưng... phải được làm thủ công bằng tay. Sau khi được hoàn thiện cơ bản và được tráng men, sản phẩm "phôi" sẽ được nung trong khoảng 5 ngày trước khi được đem đi vẽ vàng. Mỗi sản phẩm rồng sẽ được vẽ hoàn thiện trong khoảng 2 tiếng rưỡi. Mỗi ngày một thợ thủ công có thể hoàn thiện được 5 - 6 sản phẩm. Người thợ sẽ dùng dung dịch vẽ vàng 24K để trang trí cho sản phẩm sau đó sẽ được mang đi nung lần 2 ở nhiệt độ phù hợp trong khoảng 6 - 8 tiếng để tạo nên lớp mạ vàng sang trọng. Trên mặt của sản phẩm còn được điêu khắc cảnh cá chép hóa rồng thể hiện sự lột xác, vượt trội, chuyển sang một giai đoạn mới. Mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng được trải qua 99 ngày từ những nét vẽ thiết kế đầu tiên cho tới khi hoàn thiện sản phẩm, 24 công đoạn chế tác cầu kỳ, tinh xảo. Càng gần Tết, chúng tôi càng phải làm nhiều hơn để đáp ứng đơn hàng"- ông Khoa nói.

Trong chế tác tượng rồng bằng gốm, người nghệ nhân cũng cần đảm bảo các chi tiết sắc nét dù chế tác ở kích thước nhỏ. Nếu không khi phủ men các chi tiết sẽ bị che lấp, tượng thiếu đi sự tinh tế và cái hồn qua độ gồ ghề của ngọn núi, sóng lớn xô sóng nhỏ… Điều này đòi hỏi khuôn sắc nét, người thợ thạo nghề mà khéo tay. Với chất liệu gốm sứ, các nghệ nhân ở Bát Tràng có thể sáng tạo được nhiều hình tượng rồng mang tính chất cách điệu, mỗi hình tượng đều ẩn ý mong muốn khác nhau, như: Hình tượng rồng được nhân cách hóa nhằm lột tả sự nhân hậu, khóe miệng kéo dài thành nụ cười, thay vì phần hàm nhô ra như cá sấu. Thế tượng ngồi tọa mây, thay vì bay - lặn. Có bức tượng rồng tay cầm ngọc, miệng ngậm châu như ngụ ý bức tượng “nhả ngọc phun châu”, nói lời hay, gửi điều tốt đẹp đến mọi người. Rồng phun mưa đem đến mùa màng bội thu, như vị minh quân mang đến sự thái bình cho đất nước dưới mỗi triều đại của mình. Có tượng rồng chân tay vuốt xòe sắc bén, cơ bắp cuồn cuộn, cưỡi mây nhưng rất thong dong mà không e ngại, thể hiện sức khỏe dồi dào cùng kinh nghiệm dày sâu ở mọi lĩnh vực. Có bức tượng rồng kết hợp với 8 chú cá với kích thước tăng dần theo làn sóng nối đuôi nhau tạo ra hình vòng tròn như cách thế hệ trẻ kế thừa - phát huy nền tảng bậc cha anh đi trước. Chính giữa vòng tròn là viên châu dát vàng, ngụ ý cho thành tựu mỗi người có thể đạt được, viên mãn tròn đầy…

“Nhận được đơn đặt hàng làm những linh vật cho năm mới nên cũng vì thế mà không khí của cả xưởng lúc nào cũng rất hồ hởi, khác hẳn so với những khi làm các sản phẩm khác. Có những ngày xưởng phải làm đến tận đêm để kịp tiến độ, giao hàng cho khách mà không ai phàn nàn điều gì”- ông Khoa tâm sự.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.