Người lưu giữ ký ức thời gian qua những nét vẽ truyền thần
(PNTĐ) - Với sự phát triển công nghệ, điện thoại thông minh là vật bất ly thân của số đông người dân Việt Nam, việc tạo ra những bức ảnh chỉ trong tích tắc. Mặc dù vậy, ở Hà Nội, một số họa sĩ vẫn cần mẫn với những nét vẽ truyền thống, truyền thần lại những bức tranh vượt thời gian. Từng nét vẽ bằng muội than của các hoạ sĩ nơi phố cổ Hà Nội vẫn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc, khiến thời gian như lắng đọng để gợi nhớ về ký ức xưa cũ thời ông cha.

Níu giữ một nghề vẽ truyền thần
Trong ký ức của của hoạ sĩ Trần Văn Thịnh (74 tuổi, phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm), Hà Nội những năm 80 - 90 của thế kỷ XX không hiếm để bắt gặp những hoạ sĩ nhận vẽ tranh truyền thần trên phố cổ. Dạo đấy, chỉ tính riêng vài con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường cũng có đến 20 - 30 thợ vẽ tranh truyền thần. Nhiều người là thế nhưng lúc nào cũng đông khách, làm cả ngày từ sáng tới tối cũng không hết việc, khách giục nhiều quá nhưng có khi cũng đành phải đợi cả tháng trời mới được nhận tranh.
Nhưng giờ đây số người làm nghề ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo lý giải của ông Thịnh, nguyên nhân khiến nghề vẽ tranh truyền thần dần mai một chủ yếu là khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ảnh kỹ thuật số ra đời nên việc chỉnh sửa hay tạo ra một bức ảnh chỉ trong tích tắc trong khi để vẽ được một bức tranh thì người hoạ sĩ phải mất ít nhất từ 2 - 3 ngày.
Ông Thịnh vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống vẽ tranh truyền thần. Từ bé, ngắm nhìn những nét vẽ của người cha khiến ông tập tành vẽ theo rồi đam mê lúc nào không hay. Thấm thoát từ đó đến nay đã hơn 50 năm, ngày ngày ông gắn với góc quán nhỏ nơi phố Hàng Đường rộng tầm 1m. Trong không gian chật hẹp ấy, tài sản duy nhất của ông chỉ là những bức tranh và dụng cụ vẽ.
Ông Thịnh bảo: “Không giống như những bức ảnh kỹ thuật số được tạo ra bởi những người giỏi công nghệ, để bức tranh truyền thần có hồn thì từ ánh mắt đến từng chi tiết trên khuôn mặt, người vẽ cần có tư duy, tâm hồn của một nghệ sĩ thực thụ. Đó là chiều sâu tâm hồn, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng đường nét của người vẽ tranh. Để có được một bức tranh hoàn thiện và vừa lòng khách, người họa sĩ phải trải qua nhiều bước như vẽ phác họa, vẽ chi tiết... Một bức tranh có hồn thì điều quan trọng nhất chính là đôi mắt, cái thần thái của mỗi người toát lên chính là nhờ đôi mắt. Đây cũng là nét đặc biệt của tranh truyền thần khác hẳn với những thể loại tranh nghệ thuật khác. Nếu cẩu thả trong một bước nào đấy, bức tranh sẽ không thể trở nên cuốn hút được...”.
Tại một cửa hàng nhỏ số 51 phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, hoạ sĩ Nguyễn Thế Dung (77 tuổi) cũng đang cặm cụi trên từng nét vẽ truyền thần để gửi tới khách hàng vào những ngày đầu năm mới. Hộp dụng cụ của ông đầy chặt các loại bút vẽ, có loại do nhà máy sản xuất, có loại tự chế từ đũa tre, dây thép. Ông lấy bút nhẹ nhàng chấm màu vẽ mua ở cửa hàng họa cụ, phẩy tay qua lại trên bức chân dung một người đàn ông mới mất mà người nhà đặt vẽ làm tranh thờ. Đây cũng là công việc quen thuộc mà ông Dung đã gắn bó cả cuộc đời mình, dù trải qua bao thăng trầm nhưng người hoạ sĩ này vẫn cố gắng níu giữ lấy nghề bởi với ông “ngày nào không cầm bút vẽ là ngày đó thấy người bứt rứt, khó chịu”.
Ông Dung cho biết, số đông hiện nay vẫn thờ ơ với tranh truyền thần. Thế hệ trẻ ngày nay chủ yếu chỉ muốn học thiết kế đồ họa, học chỉnh sửa ảnh trên máy tính, điện thoại vài tháng rồi đi làm kiếm tiền. Ngày xưa, những người muốn hành nghề như ông phải học ở Hợp tác xã Truyền thần Hà Nội 2 năm mới dám cầm bút vẽ cho khách. Làm nghề rồi vẫn phải học, đúng tinh thần “Học, học nữa, học mãi”. Nếu không, tay nghề sẽ cũ mòn đi, không giữ được tinh hoa của vẽ truyền thần.
Yêu nghề, muốn truyền lại nghề cho con cháu nhưng chính những người con của ông Dung cũng chẳng mấy mặn mà. Ông Dung cho biết: Khách Việt Nam giờ có người đặt hàng nhưng không phải tất cả đều yêu cầu vẽ nét mặt nghiêm nghị, không cười để đặt trên bàn thờ như xưa, mà có khi là ảnh gia đình, ảnh cưới rạng rỡ treo trong phòng khách, phòng ngủ. Ngoài ra, khách nước ngoài đến Hà Nội cũng đặt vẽ chân dung bản thân, người nhà, bạn bè hoặc những người mà họ thần tượng.
Giá vẽ tranh truyền thần khá cao so với in ảnh - khoảng 1 triệu đồng cho khổ giấy 18 x 24cm, 1,2 triệu đồng cho khổ giấy 20 x 30cm, 2 triệu đồng cho khổ giấy 30 x 40cm… Nhưng bù lại, tranh có nét đẹp riêng, sinh động, có chiều sâu, đặc tả thần thái người được vẽ. Dẫu vậy, số đông hiện nay vẫn thờ ơ với tranh truyền thần. Những nghệ sĩ như ông Dung tuổi cao sức yếu dần nhưng vẫn chưa tìm được truyền nhân để phát huy nghề truyền thống, một loại hình nghệ thuật độc đáo ở lưng chừng giữa hội họa và đồ họa. Nỗi buồn này chỉ biết giấu ngược vào trong.
Ôm mặt khóc khi nhận tranh
Cả đời người bén duyên với vẽ tranh truyền thần, ban đầu tưởng chừng như đây chỉ là công việc kiếm miếng cơm, manh áo cho cả gia đình nhưng mỗi khách hàng lại đem đến cho ông Dung những cảm xúc khác nhau, vui buồn lẫn lộn. Dừng lại nét vẽ, ông thở dài nhớ lại giai đoạn năm 1967 - 1972 khi Hà Nội trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, nhiều chiến sĩ hy sinh nên nhu cầu ảnh thờ tăng đột biến.

“Tôi vẽ cật lực. Sáng đưa chiều lấy để kịp tang ma, nhận nhiều thù lao mà thấy xót xa. Có người bị ám ảnh một thời gian dài. Ngày xưa thời chiến tranh có những người mẹ, người vợ ghé cửa hiệu ông Thịnh nhờ ông vẽ lại bức ảnh người chồng, người con đã khuất của mình. Có nhiều trường hợp do tác động của thời gian bức ảnh đã bị cũ, bị nát rất khó để hình dung lại khuôn mặt. Khi ấy, tôi phải ngồi trò chuyện với họ, gợi tả về từng đường nét trên khuôn mặt người đã khuất, vừa nói chuyện vừa vẽ phác thảo đến khi nào người thân thấy giống mới thôi. Có người còn ngồi tại chỗ hàng giờ đồng hồ để khóc, họ xúc động như được gặp lại người thân của mình. Nhiều gia đình khó khăn quá, không trả đủ tiền công tôi còn tặng họ với tâm niệm bản thân làm được điều gì đó cho những chiến sĩ hy sinh vì độc lập dân tộc”- ông Dung trầm ngâm kể.
Với hoạ sĩ Nguyễn Bảo Nguyên, dù đã bước sang tuổi 91 nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài cặm cụi bên bát muội than, chăm chút cho những bức vẽ truyền thần. Vốn là sinh viên giỏi của khoa Vật lý nguyên tử - Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong thời gian chờ thi tốt nghiệp, ông lang thang khắp phố phường Hà Nội, xem người ta vẽ tranh truyền thần rồi tự học và đam mê theo nghề tới giờ. Ông Nguyên không thể nhớ đã vẽ bao nhiêu bức tranh, mỗi bức tranh lại có những câu chuyện, kỷ niệm riêng. Một bức vẽ mà ông ấn tượng nhất là chân dung người bạn thân.
Ông Nguyên cho biết: “Đến giờ, ông bạn tôi vẫn mang tranh ra khoe mỗi khi có dịp. Ở góc bức tranh còn ghi lại ngày 15/8/1960, ngày đầu tiên tôi vào nghề và chọn tranh truyền thần là nghiệp”.
Nói về cái hồn trong ánh mắt, đến giờ ông Nguyên vẫn nhớ như in giọt nước mắt xúc động của những người đến nhận tranh vì thấy người thân của họ hiện ra sống động và gần gũi quá. Nhắc tới câu chuyện cảm động của chị Bùi Kim Chi (Hà Nội), ông của chị Chi có người em trai, vì chiến tranh mà thất lạc nhau từ bé. Trớ trêu thay đến một tấm ảnh cũ hay chỉ là những dòng thông tin cơ bản cũng không có bởi thời chiến tranh loạn lạc. Khó khăn cũng là lúc chị nhớ tới nghệ nhân Bảo Nguyên có tiếng trong nghề, với hy vọng ông có thể vẽ lại chân dung người thân của mình. Lúc đầu ông từ chối vì việc này như vẽ một người không tồn tại. Nhưng khi nghe câu chuyện, ông đã đồng ý vẽ thử dựa trên miêu tả của gia đình. Và rồi, chị Chi vỡ òa khi chứng kiến giây phút người ông của mình xúc động run run cầm trên tay bức vẽ truyền thần chân dung em trai với biểu cảm gương mặt đến nốt ruồi đều quá giống.
“Mỗi trường hợp là một câu chuyện khác nhau. Nhưng khiến cho người thân nhân vật trong tranh bật khóc, tâm trạng như vậy thì với những người làm nghề như chúng tôi là niềm vui lớn. Bởi lẽ mình đã truyền tải trọn vẹn được hình tượng nguyên mẫu vào tranh. Đó mới là thành công”, ông Nguyên bày tỏ.