Nhộn nhịp trên các công trình trọng điểm của Thủ đô

Phóng sự của: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hoà vào không khí Tết Nguyên đán đang tới gần, không khí nhộn nhịp cũng xuất hiện trên khắp các công trình trọng điểm của Thủ đô. Với phương châm “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, nhiều dự án phục vụ đời sống người dân TP Hà Nội đang “chạy đua” tiến độ để đi vào hoạt động trước Tết.

Nhộn nhịp trên các công trình trọng điểm của Thủ đô - ảnh 1
Nhiều đoạn đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã vào giai đoạn trải thảm nhựa.

“Lá phổi xanh” của Thủ đô đang dần hoàn thiện
Những ngày này trên khu đất rộng hơn 11ha nằm trên địa bàn hai quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân luôn có gần 100 công nhân làm việc hối hả để đưa Công viên hồ Phùng Khoang đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán. Đây là dự án được TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2008, khởi công vào năm 2016. Nhưng do vị trí nằm giáp với hai quận của thành phố nên gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên sau gần 10 năm xây dựng vẫn dang dở. 

Trước tình hình đó, cuối tháng 12/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân trên tinh thần không chờ đợi, dứt khoát không lùi tiến độ dự án, tập trung phối hợp với các sở, ngành thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, quyết liệt xử lý các vi phạm tái lấn chiếm. Cùng với đó, nhà đầu tư có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện, bảo trì các hạng mục đã hoàn thành, bàn giao cho quận Nam Từ Liêm quản lý, duy trì đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, các vướng mắc tại dự án Công viên hồ Phùng Khoang đã được khởi động trở lại. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, ông Đào Tự Quý - Giám đốc Ban quản lý dự án công viên hồ Phùng Khoang cho biết "Chúng tôi sẽ hoàn thành trước ngày 20/1/2025. Tất cả công nhân đều tăng ca, nhiều ngày làm việc xuyên đêm để hoàn thành tiến độ đặt ra".

Theo ông Quý, từ ngày 14/12/2024 đến nay, đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, máy móc, thi công cả ngày và đêm. "Khối lượng công việc phát sinh tại dự án rất lớn, đặc biệt nhiều hạng mục sau 10 năm thi công hiện đã xuống cấp, hỏng hóc, phải cải tạo, sửa chữa gây mất nhiều thời gian hơn xây mới. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao, sau gần 1 tháng thi công, hiện diện mạo công viên đã và đang thay đổi từng ngày, bảo đảm cảnh quan sáng đẹp. Nhiều hạng mục như hàng rào, vỉa hè, cổng chào, cổng chính và cổng phụ đường Tố Hữu; hàng rào xung quanh khuôn viên; phần quảng trường, đường giao thông bên trong đều đã được hoàn thiện", ông Quý cho biết.

Trước khối lượng công việc lớn, thời gian thi công gấp rút, đại diện đơn vị thi công đề xuất một số hạng mục như sân bóng rổ, đấu nối hạ tầng thoát nước xuyên qua đường Mễ Trì... sẽ thực hiện sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tuy nhiên, chỉ đạo sau quá trình làm việc, kiểm tra, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị thi công tiếp tục dồn toàn lực hoàn chỉnh đồng bộ các hạng mục.

Được chứng kiến không khí tấp nập chuẩn bị đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán tại Công viên hồ Phùng Khoang, ông Trần Văn Quý (63 tuổi, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) không giấu được sự phấn khởi. Ông Quý chia sẻ: “Chứng kiến dự án này gần 10 năm trước được xây dựng rồi bỏ hoang, quây tôn kín mít khiến bên trong cỏ mọc, rác thải đổ khắp nơi mà chúng tôi chưa biết khi nào mới có được không gian tập thể dục. Thế mà những ngày gần đây, khu đất đã thay đổi toàn diện với không gian trong lành, xanh - sạch - đẹp hơn. Người dân chúng tôi mừng lắm! Hy vọng khi đi vào hoạt động công tác duy tu, bảo dưỡng sẽ được thực hiện thường xuyên để chất lượng đời sống người dân Thủ đô được nâng lên tầm cao mới”.

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vườn hoa Hà Đông (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) cũng được khoác lên mình tấm áo mới sau khi được UBND TP Hà Nội đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục mang tới diện mạo xanh, sạch, đẹp cho khu vực. Vườn hoa nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, từng là biểu tượng cho không gian xanh mát của Thủ đô và được nhiều người lui tới. Nhưng sau thời gian hoạt động bị xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục đổ nát hoang sơ, không gian xung quanh bị người dân lấn chiếm kinh doanh. 

Với quyết tâm lấy lại không gian xanh cho người dân, làm đẹp đô thị, từ đầu năm 2024 vườn hoa Hà Đông nằm trong danh sách 16 khu vực phải được cải tạo trong năm của TP Hà Nội. Sau 1 năm được cải tạo, cuối năm 2024 dự án đã hoàn thiện đem lại một diện mạo mới cho người dân phía Tây Thủ đô.
Làm xuyên Tết dự án giao thông trọng điểm
Sau hơn 1 năm thi công, dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã đạt gần 45% giá trị hợp đồng. Đây là năm thứ 2 các công nhân trên công trường dự án xác định làm xuyên Tết cho kịp tiến độ đã đề ra, đưa tuyến đường về đích cuối năm 2025. Nhìn từ trên cao, đường song hành đoạn qua huyện Đan Phượng đã lộ hình hài. Tại đây, khoảng 100 đầu máy, thiết bị cùng 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân được huy động làm việc ngày đêm. 

Nhộn nhịp trên các công trình trọng điểm của Thủ đô - ảnh 2
Công nhân đang hối hả làm việc tại dự án Công viên hồ Phùng Khoang để kịp tiến độ, đưa công trình đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán phục vụ người dân. 

Ông Hoàng Trọng Hải, chỉ huy mũi thi công số 1 cho biết, gói thầu số 9 do Vinaconex thực hiện đã đạt trên 43% giá trị hợp đồng. Hiện nhà thầu đã thảm bê tông được khoảng 8km trên toàn tuyến, những đoạn còn lại đang được thi công cấp phối đá dăm. Một số hạng mục cầu qua kênh cũng đang được triển khai.

Theo ông Hải, đối với các công trình trọng điểm như Vành đai 4, càng về cuối năm, khối lượng công việc càng lớn, do đó nhân sự cũng phải tăng ca. Mặc dù vất vả nhưng nhà thầu, đội ngũ công nhân, kỹ sư đều đồng lòng, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. "Tận dụng thời tiết đẹp, chúng tôi huy động công nhân, máy móc để bám sát tiến độ được giao. Dịp tết Dương lịch, hoạt động thi công trên công trường vẫn diễn ra bình thường. Tết Nguyên đán, dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng mọi người đều sẵn sàng ở lại, thi công xuyên Tết để hoàn thành dự án đường song hành trong năm 2025"- ông Hải cho hay.

Tại công trường thi công gói thầu số 8 đoạn qua huyện Sóc Sơn, Mê Linh, một phần cầu vượt đường sắt tại địa phận xã Kim Hoa đã thi công xong phần trụ. Nhiều đoạn tuyến qua địa phận huyện Mê Linh đã được thảm nhựa tạo nên diện mạo mới cho khu vực. Đại diện nhà thầu Tổng Công ty Trường Sơn cho biết, đến thời điểm này gói thầu đã hoàn thành khoảng 64% khối lượng thi công, đảm bảo tiến độ so với kế hoạch. Đơn vị đang tăng tốc, phấn đấu vượt tiến độ để có khoảng dự trữ đề phòng thời tiết bất lợi diễn ra trong thời gian xây dựng. 

Về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đang triển khai thi công, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 78,52% giá trị hợp đồng. Trong đó đã hoàn thành thi công, lắp đặt và đang vận hành thử từ ngày 11/3/2024. Đối với đoạn đi ngầm, nhà thầu đang tập trung thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý 2/2024.

Để phục vụ thi công đúng tiến độ và giải quyết công việc khoan hầm, nhà thầu đã đưa robot vào thực hiện quá trình đào hầm. Đây là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới với việc sử dụng dòng máy cân bằng áp lực rất phù hợp với điều kiện địa chất tại Hà Nội. Bộ đôi máy robot được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Đức), dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.

Theo đơn vị nhà thầu thi công, trong quá trình thi công hầm, gặp một số khó khăn do phải khoan trong lớp sét bó cứng, nên tốc độ phải giảm. Sau khi điều chỉnh tỷ lệ chất điều hòa đất (là chất phun ra phía trước đầu robot có tác dụng làm lớp địa chất mềm hơn, giúp đầu cắt của robot dễ cắt lớp đất này hơn) thì tốc độ đào của robot đã trở về bình thường là khoảng 35 - 40 mm/phút. Với cánh tay robot hiện đại, thời gian lắp vỏ hầm sẽ khoảng 30 đến 35 phút cho một đốt hầm gồm 6 miếng. Khối lượng phế thải trong quá trình đào hầm sẽ được tập kết và đưa ra khỏi công trường.

Hiện tại, công trường tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang làm việc 24/24h, với mỗi ca từ 15 - 17 nhân sự. Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt Hà Nội cho biết, việc khởi công khoan hầm bằng robot là một cột mốc quan trọng đối với đoạn tuyến ngầm của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong việc kiến tạo hệ thống giao thông công cộng Thủ đô hiện đại, an toàn và hiệu quả.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo những phiên chợ quê ngày giáp Tết

Độc đáo những phiên chợ quê ngày giáp Tết

(PNTĐ) - Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, mọi mặt hàng đều được bán trên không gian mạng tiện lợi, nhanh chóng thì nhiều nơi ở Hà Nội vẫn giữ lại những phiên chợ quê truyền thống, nhất là những phiên chợ quê Tết. Đây không chỉ là nơi trao đổi buôn bán mà còn là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí Tết đang đến gần, tái hiện bức tranh văn hoá của vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.
Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.