Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Phóng sự của Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống - ảnh 1
Bà Đặng Hương Lan giới thiệu về những sản phẩm thủ công mà hai vợ chồng bà làm ra. Ảnh: B. Lưu

Dồn hết tâm huyết vào từng sản phẩm
Những ngày này, căn hộ trong một khu tập thể trên phố Hàng Than (Hoàn Kiến, Hà Nội) của vợ chồng bà Đặng Hương Lan - ông Nguyễn Văn Hoà bày la liệt giấy bồi, keo dán, phẩm màu… “Vợ chồng tôi thời gian này có bận rộn hơn chút vì Tết Trung thu đang tới gần, phải làm kịp hàng giao cho khách. Hai vợ chồng cũng có tuổi, không còn khoẻ như trước nên cũng bị hạn chế, không dám nhận nhiều. Mệt thì có mệt đấy nhưng mà vui, cả năm chỉ vui nhất dịp này. Còn sức khoẻ thì còn làm, phải giữ lấy nghề truyền thống”- bà Lan chia sẻ.

Vợ chồng bà Lan được coi là những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ lại nghề làm mặt nạ giấy bồi nơi phố cổ. Cả hai người gần 70 tuổi nhưng đã có 45 năm gắn bó với nghề. Ông Hoà cho biết, tất cả những chiếc mặt nạ gia đình ông sản xuất đều là thủ công bằng tay 100%. Trông một chiếc mặt nạ thì rất đơn giản, có giá chỉ 50.000 - 100.000 đồng nhưng thực tế để làm ra nó lại rất công phu, tỉ mỉ đòi hỏi người nghệ nhân phải có tính kiên trì khi mỗi sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu tạo khuôn cho tới khâu tạo nguyên liệu rồi cuối cùng là từng nét vẽ trên sản phẩm. Chính vì thế, dù cố gắng lắm nhưng mỗi ngày hai vợ chồng cũng chỉ làm được từ 4 - 5 sản phẩm.

Mỗi dáng mặt nạ sẽ có một khuôn riêng. Hai vợ chồng bà Lan có đến hơn 30 chiếc khuôn mặt nạ khác nhau, phần lớn là khuôn gia truyền, có một số khuôn là vợ chồng bà tự sáng tạo ra hoặc làm theo yêu cầu của các bạn nhỏ. Lúc xé giấy, bồi keo phải thật cẩn thận, chỉ sai sót một chút thôi thì mặt nạ sẽ không được căng, mịn. 

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, các phố nghề truyền thống trên địa bàn đã tạo nên đặc trưng cho Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó có việc bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống, gìn giữ nét văn hoá độc đáo để không bị mai một. Việc bảo tồn giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể gắn liền với nơi đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội nên chính quyền đang nỗ lực thực hiện đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô, coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo.

Ông Phạm Văn Quang cũng được coi là một trong những người cuối cùng đang giữ lại hồn Trung thu nơi phố cổ khi suốt 46 năm qua kiên trì với nghề làm khuôn bánh giữa nhịp sống thay đổi không ngừng của Thủ đô. Căn nhà của ông Quang tại số 59 Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khác biệt bởi những nét xưa cũ, trong không gian chưa đầy 10m2, bên bức tường treo la liệt các loại khuôn bánh Trung thu đủ hình, lớn bé. Nhìn từng chiếc khuôn bánh Trung thu được treo trên tường, chiếc nào ông cũng đọc vanh vách ý nghĩa, kích thước, dụng ý của chiếc khuôn ấy như hình cá chép với hàm ý “cá hóa rồng”, hay chữ Phúc - Lộc - Thọ, hình hoa cúc, hoa sen… Ông Quang tâm niệm: “Chỉ có đặt cái tâm vào nghề thì sản phẩm mới hoàn thiện được”.

Trong quãng thời gian làm nghề, ông Quang không thể nhớ chính xác mình đã làm ra bao nhiêu chiếc khuôn bánh thủ công, thời đỉnh cao, mỗi mùa Trung thu ông phải làm đến tầm 500 chiếc, các hiệu bánh lớn nhỏ từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận như Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang... đều đến tìm ông để đặt khuôn, mỗi người đến lại đưa ra một đề bài khó nhưng ông đều cố gắng tìm ra cách giải hợp lý. Thậm chí, mỗi dịp đặc biệt, ông còn được các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tới ghé thăm, tìm hiểu về nghề truyền thống. Mỗi cái đều có hình dáng riêng vì làm bằng tay 100%, không chiếc nào giống chiếc nào. 

Nói về công đoạn làm ra chiếc khuôn, ông Quang cho biết, gỗ thường dùng là gỗ thị già và gỗ xà cừ vì 2 loại gỗ này dễ gia công, có độ dẻo, độ rắn, độ bền... phù hợp với việc chạm khắc. Sau đó, nghệ nhân dùng máy cắt gỗ thành những khúc phù hợp với kích thước khuôn bánh. Khó nhất là công đoạn đục, từng khâu cần sự tỉ mỉ và độ chính xác cao của người làm, bởi nếu đục không chuẩn hoa văn sẽ bị thay đổi và trọng lượng bánh cũng thay đổi theo.

Ông Nguyễn Chí Thành sinh sống tại số nhà 83 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những nghệ nhân ít ỏi còn lại duy trì được nghề chạm vàng bạc truyền thống. Dù ở độ tuổi 75, cái tuổi mà đáng lẽ nên nghỉ ngơi dưỡng sức, ở nhà chăm cháu chắt, nhưng hàng ngày ông Thành vẫn giữ thói quen làm việc trên chiếc bàn làm việc từ đời ông nội ông để lại bày la liệt những dụng cụ, từ những chiếc búa, cho đến hàng loạt kéo, kìm,… tất cả đều nhỏ xíu, nhuốm màu thời gian. Để làm ra một sản phẩm bạc thủ công rất phức tạp. Ðầu tiên, người thợ phải nấu bạc cho chảy ra, dùng búa tán cho kích thước như dự kiến, rồi uốn, khắc các họa tiết. Nếu sản phẩm bạc công nghiệp như bây giờ thì có khuôn, đúc xong có sẵn một số chi tiết, thì với sản phẩm thủ công, ông phải tự tay cắt, uốn, hàn… rất nhiều công đoạn. 

Có những họa tiết trên chiếc vòng, chiếc nhẫn nhỏ li ti, dù mắt không còn tinh tường như trước, ông vẫn tỉ mẩn tạo hình hoàn toàn thủ công. Có những món đồ trang sức cầu kỳ, phức tạp, ông Thành phải làm đến hai, ba ngày mới xong. Nhưng cũng vì thế, rất nhiều khách quốc tế khi đến phố Hàng Bạc thích thú khi được ngắm nhìn ông thợ đầu bạc miệt mài bên chiếc bàn làm việc. Những sản phẩm làm bằng tay luôn có những điểm đặc trưng mà những sản phẩm đúc sẵn không có được. Tùy vào độ chi tiết của sản phẩm mà thời gian hoàn thành một sản phẩm cũng khác nhau, có cái 1 ngày đã xong, nhưng có cái phải đến vài tuần mới xong. Vì vậy giá của sản phẩm cũng khác nhau, dao động từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng.
Lo sợ kinh tế đi lên, tay nghề đi xuống
Khi cuộc sống người dân ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của mọi người càng tăng cao. Cũng vì vậy mà các nhà máy "mỹ nghệ công nghiệp" mọc lên san sát. Bây giờ, khách hàng muốn sửa một món đồ cầu kỳ một chút là không có người làm, phải gửi lại cửa hàng mấy hôm sau mới lấy được. Chế tác công nghiệp khiến các gia đình kinh doanh những mẫu hầu hết là giống nhau, ít thấy sự kỳ công, sáng tạo trong những sản phẩm. Kinh tế đi lên, nhưng tay nghề đi xuống là điều có thực. 

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống - ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Hoà miệt mài bên những sản phẩm mặt nạ giấy bồi để kịp giao cho khách trước Tết Trung thu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nghề thủ công mỹ nghệ của ông Thành dần bị mai một theo thời gian. Ông Thành trăn trở: "Cả con phố này chỉ còn mỗi tôi theo cái nghề này, bây giờ không còn thợ nào theo nghề truyền thống này cả. Nhiều người sử dụng máy móc, nhất là đúc công nghiệp hay dùng kỹ thuật laze để khắc lên sản phẩm kim hoàn nên sản phẩm nào mẫu mã cũng khá giống nhau, không đa dạng. Nếu chỉ dừng lại ở kinh doanh, thì ở đâu người ta cũng có thể làm được. Nếu như vậy thì phố Hàng Bạc không còn đặc trưng riêng của nó nữa. Tôi luôn mong rằng những hộ kinh doanh hướng nghiệp cho con em làm nghề kim hoàn. Như thế con phố sẽ duy trì được sức hấp dẫn”.

Cùng chung tâm trạng, ông Phạm Văn Quang nhớ lại: Vào thế kỷ trước, cứ đến mùa Trung thu, phố Hàng Quạt lúc nào cũng rộn ràng những tiếng đục, tiếng đẽo, tiếng dập khuôn. Xung quanh cửa hàng ông, đâu đâu cũng là các tiệm làm khuôn bánh, những người thợ làm quanh năm không hết việc. Nhưng những năm trở lại đây, thị trường bánh Trung thu đang dần theo hướng công nghiệp hoá, sự đa dạng kiểu mẫu, những khuôn bánh nhựa rẻ tiền xuất xứ từ Trung Quốc, hay một số nước trong khu vực dường như đang làm mai một nghề khuôn bánh truyền thống.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

Nâng tầm Thủ đô từ những công trình giao thông huyết mạch

(PNTĐ) - Chiến lược xây dựng các tuyến vành đai đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội cơ hội phát triển, không những trở thành hạt nhân của Vùng Thủ đô mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế rõ nét, sâu rộng. Mỗi tuyến giao thông mới của Hà Nội xây dựng đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển đô thị, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, từ đó ngày một nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.
Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

(PNTĐ) - Hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào về xây dựng “chuồng cọp”. Khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), công trình này chưa được hình thành, chủ nhà sau đó tự ý xây thêm với mục đích chống trộm nhưng khi có hoả hoạn xảy ra chính những “chuồng cọp” tự chế này lại bịt lối thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC. Trách nhiệm xử lý những công trình vi phạm PCCC này thuộc về chính quyền địa phương, nhưng từ nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.