Phận người mang thai hộ

Phóng sự của: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Phận người mang thai hộ - ảnh 1
Tâm sự của một cô gái nằm trong đường dây mang thai hộ ở huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội bị bắt giữ hồi tháng 4/2024: “Kiếm tiền về nuôi con”.

Nhờ mang thai hộ rồi không quay lại

Từ năm 2014, pháp luật chính thức cho phép mang thai hộ với quy định, người được nhờ mang thai phải có quan hệ huyết thống như chị em ruột của vợ hoặc chồng. Mặc dù vậy, không phải ai cũng đủ dũng cảm đứng ra mang thai hộ người khác. Chính vì vậy mà những năm trở lại đây xã hội xuất hiện dịch vụ mang thai hộ với chi phí lên tới hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng mỗi ca. 

Theo chân một người môi giới ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương (một trong số ít những bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ), một người phụ nữ nhận giới thiệu người mang thai hộ với giá 500 triệu đồng/ca cho biết: “Thường những người nhận là có hoàn cảnh khó khăn mới phải như vậy. Chứ mỗi lần mang thai cũng giống như một cái cây ra quả, khiến sức khoẻ đi xuống rất nhiều. Thậm chí, đó là những lần họ chấp nhận đứng trước “cửa tử” vì sinh nở chẳng biết thế nào”.

Để được mang thai hộ, người có nhu cầu phải nộp trước số tiền 100 triệu đồng cùng toàn bộ chi phí thực hiện kỹ thuật y học cho việc này. Sau đó sẽ tiếp tục đóng tiền qua từng giai đoạn từ khi sinh nở cho đến khi nhận con về nuôi. Trước lời ngỏ ý chi trước số tiền 50 triệu đồng vì hoàn cảnh khó khăn, người phụ nữ này thẳng thắn nói: “Không được! Trước đây đã có nhiều trường hợp người nhờ mang thai vì chi số tiền quá ít nên sau khi thụ tinh ống nghiệm đưa phôi thai vào tử cung người mang thai hộ rồi họ sau đó không quay lại. Không làm cách nào có thể liên lạc được nên những người nhận mang thai hộ đành phải tự bỏ tiền đi phá thai. Mỗi lần như thế không chỉ tốn chi phí mà còn ảnh hưởng tới đường sinh sản… Có người mang thai đến tháng thứ 7 rồi mà còn bị “bùng”, trong trường hợp ấy không làm thế nào được đành phải sinh ra và một mình chăm sóc đứa trẻ, thế là vừa không nhận được đủ tiền vừa phải “đèo bòng” thêm đứa trẻ”.

Từ lời giới thiệu của người phụ nữ này, người có nhu cầu mang thai hộ được kết nối qua điện thoại với một phụ nữ đứng ra nhận thực hiện dịch vụ. “Trước khi anh quyết định thì em sẽ cung cấp cho anh hồ sơ sức khoẻ của em để đảm bảo thể trạng tốt nhất trong suốt quá trình mang thai. Nếu không tin em có thể cùng anh trực tiếp đi khám. Đây là lần thứ 2 em mang thai hộ nên cũng có kinh nghiệm…”- người nhận dịch vụ nói qua điện thoại.

Nói về hoàn cảnh của mình, người nhận dịch vụ này cho biết bản thân là sinh viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng. Để có tiền mưu sinh ở Thủ đô phải trải qua nhiều nghề, sau được người quen giới thiệu nhận mang thai hộ. “Lần đầu mang thai em chưa có kinh nghiệm, lúc ấy cũng sợ lắm nhưng sau ở cùng với những người cũng như mình, được chia sẻ kinh nghiệm nên cũng đỡ hơn. Khi mang thai em sẽ ở thuê trọ ngoài, nếu anh có điều kiện thì có thể thuê cho em một phòng riêng và đến thăm để nắm tình hình sức khoẻ của thai nhi; còn không thì em tự túc, ở trọ cùng với bạn. Chi phí ăn ở thuê trọ, ăn ở trong quá trình mang thai nếu anh có lòng thì có thể hỗ trợ hoặc không thì em tự túc”- người này thẳng thắn chia sẻ.

Câu chuyện qua điện thoại với người nhận mang thai hộ diễn ra chóng vánh thì người môi giới tiếp tục nói thêm: “Em gặp xem người thì cứ gặp, nhưng làm việc là phải thông qua chị để tránh những trường hợp sau này chúng nó giở giọng vòi vĩnh là chị không chịu trách nhiệm”.

Điều nuối tiếc…
Một cô gái quê Nghệ An (nhân vật xin được giấu tên – PV) từng 2 lần mang thai hộ nhưng hiện đã về quê sinh sống chia sẻ: “Điều nuối tiếc nhất của em là 2 lần sinh nở nhưng chưa một lần được ẵm đứa bé trên tay, cũng chưa được nhìn thấy mặt chúng”.

Phận người mang thai hộ - ảnh 2
Nhiều người tìm đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương với hy vọng “tìm con” vì mắc chứng vô sinh, hiếm muộn.

Cô gái này kể, nhờ số tiền từ mang thai hộ mà có chút vốn liếng về quê mở cửa hàng kinh doanh, cuộc sống hiện tại không giàu có nhưng cũng tạm ổn định. “Bản thân em chưa khi nào thôi day dứt về những đứa trẻ mình sinh ra từ quá trình mang thai hộ. Khi xác định nhận mang thai hộ, em nghĩ mình chỉ kiếm tiền chứ sẽ chẳng có tình cảm gì. Nhưng khi đứa trẻ quẫy đạp trong bụng em, lúc ấy bản năng của một người mẹ trong em đã trỗi dậy. Có lúc, em định bỏ trốn khỏi nơi mà em đang “an phận” trong sự chăm sóc của những “người dưng” kia khi tất cả cùng chờ một đứa trẻ ra đời. Em đã từng tâm niệm, mình mang nó trong cơ thể, nó là con của mình chứ không thể là một “người dưng”- cô gái tâm sự. 

TS Đào Đại Cường - nguyên giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, xét về mặt sinh học, người mang thai hộ hoàn toàn không phải là mẹ của đứa bé, mà chỉ là người giúp cho phôi thai phát triển rồi khi đủ ngày đủ tháng, nó ra đời mà thôi. Nhóm máu, cũng như bộ gen di truyền của đứa trẻ được hình thành ngay khi tinh trùng của người cha kết hợp với trứng của người mẹ. Thế nên tính cách của đứa trẻ hoàn toàn không bị tác động bởi người mang thai hộ. Nếu có tác động thì do nguyên nhân bên ngoài, chẳng hạn người mang thai hộ bị tai nạn, phải chụp X quang. Khi ấy, tia X có thể ảnh hưởng đến bộ gen của thai nhi. Hiện nay có rất nhiều phụ nữ có nhu cầu nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên, Việt Nam quy định chặt chẽ, chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm vì thương mại.

Tháng 4/2024, lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn - TP Hà Nội triệt phá ổ nhóm tổ chức "mang thai hộ" vì mục đích thương mại do 2 đối tượng Triệu Thị Kim Thảo (33 tuổi) và Phạm Quốc Tuấn (34 tuổi) cầm đầu. Theo lời khai của đối tượng, thông qua mạng xã hội, các đối tượng tìm các gia đình hiếm muộn, những phụ nữ không có khả năng làm mẹ để môi giới với giá từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ca mang thai hộ. Sau đó, các đối tượng lấy phôi rồi liên hệ với các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đặt vấn đề mang thai hộ với giá khoảng 300 triệu đồng/ca. Mọi hoạt động được Thảo và Tuấn sắp xếp từ chăm nuôi, thăm khám và làm các thủ tục tại bệnh viện để hợp thức hóa cho hoạt động mang thai hộ…

Người mang thai hộ cho biết: ''Ai cũng khó khăn. Người thì kiếm tiền về nuôi con, người thiếu nợ… mỗi người mỗi cảnh. Mang thai hộ được 280 - 300 triệu đồng''. Một trong những phụ nữ mang thai hộ này đã phải bỏ trốn khỏi nhóm đối tượng khi rất nhiều lần cấy phôi không thành công trong khi tình trạng sức khỏe không còn đảm bảo.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại không chỉ xảy ra trong nước mà đường dây này còn tuyển chọn, đưa nhiều phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép ra cả nước ngoài để mang thai hộ. Từ đây có thể biến tướng tội phạm mua bán người rất phức tạp. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.