Sau Tết, đông đảo công nhân trở lại Hà Nội làm việc
(PNTĐ) - Sau Tết Nguyên đán, nhiều công nhân, người lao động từ các miền quê đã trở lại Hà Nội, khẩn trương vào việc ngay từ những giờ đầu, ngày đầu của năm mới. Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.

Người lao động sẵn sàng vào việc
Mùng 4 Tết Ất Tỵ, chị Đặng Thu, quê Hà Tĩnh, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, hiện đang ở trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh cùng chồng và 2 con nhỏ đã liên hệ xe để trở lại Hà Nội, chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên vào Mùng 6 Tết. Chị chia sẻ: Các công nhân quê xa như vợ chồng chị ít có điều kiện để về thăm quê. Vì vậy, gần 1 tuần Tết được sum vầy bên gia đình đã giúp anh chị “nạp” thêm năng lượng để tiếp tục phấn đấu trong năm mới.
Chị Thu hiện có thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, đã bao gồm các khoản tiền tăng thêm. Bước sang năm mới Ất Tỵ, chị Thu mang theo ước mong điều kiện kinh tế của gia đình chị sẽ được cải thiện hơn.
Chị Nguyễn Thị Nhung, quê Thanh Hóa, một nữ công nhân khác hiện đang làm việc trong lĩnh vực điện tử ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Năm qua, cuộc sống của chị và gia đình ở mức ổn định, thu nhập đủ cho chi tiêu hàng tháng và có dư một khoản dù nhỏ để tích lũy. Sau thời gian về đón Tết cùng gia đình, chị cũng đã có mặt tại Hà Nội từ Mùng 5 Tết để tiếp tục bước vào một năm làm việc mới với nhiều dự định. Trong đó, mong ước lớn nhất của chị là có điều kiện để mua nhà ở xã hội hoặc được ở trọ trong khu nhà ở xã hội của Nhà nước.

Chị Nguyễn Thị Nga, chủ nhà trọ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, nơi có đa số người thuê trọ là công nhân cho biết: Đến thời điểm này, các phòng trọ của nhà chị đều đã đón 100% công nhân từ quê ra. Nhìn chung, anh chị em đều rất phấn khởi vì đã được đón Tết đầm ấm với gia đình, trước đó được nhận đầy đủ chế độ thưởng Tết. Phía nhà trọ đã tổ chức mừng tuổi cho công nhân để động viên anh chị em bước vào năm mới làm việc hiệu quả.
Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, công nhân Công ty May K+K ở cụm công nghiệp Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ hiện cũng đã sẵn sàng đi làm trở lại. Chị cho biết: Từ khi chị làm việc tại công ty đến nay, chưa có trường hợp nào công nhân sau nghỉ Tết cũng nghỉ việc. Năm nay, công ty khai xuân vào ngày Mùng 8 Tết. Hàng năm, trong sáng làm việc đầu tiên, công nhân sẽ được quản lý của từng bộ phận chúc Tết, mừng tuổi, sau đó mọi người đều khẩn trương vào việc ngay.
Chị Quỳnh chia sẻ: Công nhân, người lao động đều mong có công việc với thu nhập ổn định để nuôi bản thân và gia đình. Hiện nay, rất ít công nhân có tư tưởng bỏ việc, “đứng núi này trông núi nọ”, nhất là khi đã tìm được môi trường làm việc phù hợp thì sẽ an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Thêm nữa, công nhân đều hiểu doanh thu của doanh nghiệp chính là “nồi cơm chung” của mọi người nên đều cố gắng góp sức làm việc tốt, đạt năng suất cao ngay từ đầu năm. Giữa năm 2024 vừa qua, chị Quỳnh và nhiều công nhân khác đã được công ty tăng lương gần 500.000 đồng/tháng, đưa thu nhập của chị ở mức khoảng 7,8 triệu đồng. Chị Quỳnh mong trong năm nay, công ty sẽ tiếp tục hoạt động tốt để tiếp tục hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho người lao động.
Công đoàn đồng hành với công nhân quay lại làm việc sau Tết
Sáng 2/2 (tức Mùng 5 Tết Ất Tỵ), Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức 7 chuyến xe đón 400 người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa trở lại Hà Nội để đi làm vào ngày 3/2 (tức Mùng 6 Tết Ất Tỵ). Các điểm đón đều được bố trí thuận tiện nhất cho đoàn viên, người lao động như tại Nghệ An là Nhà Văn hoá Lao động tỉnh. Tại Thanh Hoá là trước cổng UBND huyện Hà Trung, sân cơ quan Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện Hoằng Hoá…
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, đây là năm thứ 17 liên tiếp, các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân trong dịp Tết. Riêng Tết Ất Tỵ 2025 đã có hàng nghìn chuyến xe được Công đoàn cơ sở phối hợp với các đơn vị đồng hành đưa công nhân về quê đón Tết và đón công nhân quay trở lại làm việc sau Tết. Những hoạt động ý nghĩa này góp phần tạo sự yên tâm, khích lệ, động viên công nhân lao động gắn bó với doanh nghiệp, với tổ chức Công đoàn, làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô trong năm mới.
Chị Nguyễn Thị Thu, quê Thanh Hóa, nữ công nhân KCN Bắc Thăng Long cho biết: Dịp Tết đến, một trong những nỗi lo lớn nhất của công nhân là tìm xe về quê ăn Tết và trở lại thành phố sau Tết. Với các công nhân khó khăn quê xa, có con nhỏ... tiền xe đi lại tốn khoảng 3-4 triệu đồng với 2 lượt di chuyển. Nay, được Công đoàn thành phố Hà Nội hỗ trợ xe, còn tổ chức đưa đón, mừng tuổi gia đình công nhân trước khi lên đường, các công nhân được thụ hưởng chương trình đều phấn khởi, an tâm.
Theo Liên đoàn Lao động Thành phố, tính đến 9h00 ngày 3/2/2025 (tức Mùng 6 Tết Ất Tỵ) đã có 91,68% doanh nghiệp đã mở xưởng sản xuất với 95,18% số CNLĐ trở lại làm việc (số CNLĐ trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất). Trong đó, số doanh nghiệp tại KCN và CX Hà Nội mở xưởng sản xuất là 356/365 DN (đạt 97,53%) với 147.872/154.033 CNLĐ trở lại làm việc (đạt 96%). Tỷ lệ này còn tiếp tục tăng trong những ngày tới theo thời gian hoạt động trở lại sau Tết của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết thêm, tại các KCN trên địa bàn thành phố, trong suốt thời gian nghỉ Tết vừa qua không phát sinh hoạt động gây mất an ninh trật tự tại các KCN, không xảy ra vụ việc phát sinh về cháy, nổ, không phát hiện vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các vi phạm khác tại doanh nghiệp và không xảy ra dịch bệnh trong các KCN. Một số doanh nghiệp trong các KCN đăng ký duy trì hoạt động sản xuất xuyên Tết Nguyên đán. Ban Quản lý và Công đoàn Khu đã hướng dẫn và đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi về lương thưởng, chế độ cũng như giờ làm cho cán bộ, người lao động theo quy định.
Năm 2025: Dự báo thị trường lao động có nhiều khởi sắc
Năm 2025, thị trường lao động Thủ đô dự báo sẽ có nhiều khởi sắc cho cả doanh nghiệp và người lao động. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2021 - 2025 của Thành phố, đồng thời, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động Thủ đô toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu trong năm 2025 sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, Thành phố đã đề ra các giải pháp trọng tâm như: Hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.
Để góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thủ đô trong năm 2025, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức 255 phiên giao dịch việc làm. Trong đó, các phiên giao dịch việc làm sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức như hàng ngày, hàng tuần, lưu động tại các quận, huyện, online kết nối Hà Nội và các tỉnh, thành bạn, phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho từng đối tượng đặc thù. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng phương án và kế hoạch tổ chức các hoạt động về khảo sát, thu thập thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, việc làm và dạy nghề trên địa bàn Thành phố; xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích dự báo thị trường lao động...