Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc

Phóng sự điều tra của: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bước vào đầu mùa mưa khu vực sông Hồng lại nhộn nhịp tiếng máy móc đến từ những con tàu hút cát. Trong số này, có khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng cũng có những nơi là vùng đất của cát tặc lộng hành, khai thác xuyên đêm khiến nhiều bờ sông bị sạt lở mặc dù cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, xử lý.

Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc - ảnh 1
Cứ hút đầy tàu chứa lại chở đi và cả ngày diễn ra như thế thì đã có hàng chục nghìn khối cát được "đánh cắp" khỏi lòng sông Hồng.

Bị đe doạ vì phản ánh nạn khai thác cát
Những ngày cuối tháng 4/2024, khúc sông Hồng đoạn giáp ranh giữa TP Hà Nội và Vĩnh Phúc có nhiều con tàu khai thác cát giữa lòng sông. Đứng từ trên nhìn xuống, nhiều người cứ ngỡ như các tàu này đang neo đậu bởi không có ánh điện, tiếng máy nổ cũng chỉ vang lên khe khẽ bởi các chủ phương tiện đã lắp hệ thống giảm thanh nhằm tránh sự chú ý xung quanh. Chỉ khi quan sát thật kỹ mới có thể thấy được khung cảnh nhộn nhịp đang diễn ra giữa màn đêm hoang vắng. 

Một con tàu cần mẫn hút cát dưới lòng sông, bên cạnh là 2 chiếc tàu khác chờ cho cát đổ đầy thuyền rồi rời đi. Có khi, tàu này chưa đầy tàu khác đã đến chờ đợi tới lượt được lấy cát đầy khoang. Trên boong của các tàu không thấy bóng người, chủ yếu là tiếng hoạt động của máy móc. Thi thoảng mới thấy có ai đó ra kiểm tra tại các khoang tàu khi cát đã đổ đầy thì ra dấu hiệu dừng lại, rời đi cho tàu khác tiến vào. 

Tại khu vực chân cầu Long Biên (Hà Nội), sông Hồng đi qua chia làm hai luồng bởi một bãi bồi. Người Hà Nội thường gọi chung cho những bãi bồi này là bãi giữa sông Hồng. Theo phản ánh của người dân, cứ khoảng 18 – 19h hàng ngày, có một số tàu đến đây neo đậu, hút cát đến hết đêm rồi rời đi. Điểm neo tuy khá xa bờ sông Hồng phía quận Long Biên nhưng rất gần bãi giữa. 

“Tôi thường canh tác trên bãi giữa khúc sông này. Họ hút chán giữa sông rồi lại thò vòi hút cả vào phía bãi giữa. Bờ bãi nhiều đoạn sụt nham nhở, sắp vào đến cả phần ruộng dân trồng trọt. Dân đuổi không ăn thua, báo chính quyền cũng không thấy động tĩnh…”- một người dân gần bãi giữa sông Hồng kể. 

Tại thôn Chu Phan (xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Hà Nội), nhiều người dân nơi đây cho biết gần 15 năm qua đã gửi đơn đến nhiều cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương để phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân địa phương. 

"Trước đây, khu vực bãi ven sông Hồng địa phận thôn Chu Phan rất rộng nhưng hiện nay hàng chục hecta xung quanh khu vực này đã bị đào xới, bị khai thác cát trộm, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hồng, làm ô nhiễm môi trường quanh khu vực này. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng, từ năm 2011 đã tiếp nhận đơn, có văn bản chuyển đơn đề nghị xử lý dứt điểm, nhưng hơn 10 năm qua, chúng tôi phải sống chung với cảnh xe tải chở cát chạy suốt ngày trên đường làng, bụi bặm quanh năm"- ông Nguyễn Xuân Đính - người dân thôn Chu Phan nói. 

Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên trưởng thôn Chu Phan), khi có tình trạng khai thác cát trên địa bàn, thôn đã xảy ra rất nhiều chuyện, dân làng cũng mất đoàn kết. Năm 2014, vì quá bức xúc nên ông Thanh đã đến xã để trả lại quyết định trưởng thôn, không làm trưởng thôn nữa.

 "Việc Nhà nước cho phép doanh nghiệp khai thác cát, dân làng chúng tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm ban đầu, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp và chính quyền cắm mốc giới phạm vi được khai thác, phạm vi nào không được khai thác để dân còn canh tác nhưng bao nhiêu năm nay không thực hiện được. Từ khi có doanh nghiệp khai thác cát thì dân làng xảy ra mất đoàn kết, chia phe chia cánh, tôi còn bị cả xã hội đen đe doạ. Chúng tôi chỉ mong chính quyền huyện làm rõ, phân định lại đúng sai, mốc giới cho rõ ràng"- ông Thanh bày tỏ.
Dòng sông biến dạng
PGS.TS Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho hay: Quan sát hình dáng của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội từ năm 1989 đến nay nhận ra những biến đổi rõ rệt. Dòng sông teo lại. Một nhánh sông lớn ở khu vực giữa Mê Linh và Đông Anh đã biến mất. Ở khu vực phía Đông cầu Thăng Long, nơi sau này là cầu Nhật Tân, mực nước hạ tạo ra một bãi bồi khổng lồ. Đứng trên cầu Long Biên, mọi người sẽ rất dễ nhận ra sự biến đổi ở khu vực bên dưới khi mà trong thập kỷ 80 và 90, bãi giữa từng tách hẳn ra với trung tâm Thành phố bởi một nhánh sông. Nay nhánh sông đó đã biến mất, chỉ còn một vùng ngập nước xâm xấp. 

Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc - ảnh 2
Người dân ở xã Chu Phan (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) bức xúc vì nạn "cát tặc" khai thác bừa bãi nhiều năm qua trên địa bàn.

“Mực nước sông Hồng thấp tạo ra hàng loạt hệ lụy: Xói lở ven bờ; thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; các hồ chứa thủy điện phải xả nhiều nước hơn để bù đắp, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; xâm nhập mặn ven biển; ô nhiễm môi trường; giao thông đường thủy tê liệt… Vấn đề cốt lõi của sông Hồng hiện nay là đáy lòng dẫn bị hạ thấp, dẫn đến mực nước sông Hồng cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng”- PGS.TS Trần Đình Hoà cho biết. 

Thực tế, thời gian qua lực lượng chức năng cũng tích cực ra quân kiểm tra, xử lý nạn cát tặc lộng hành trên sông Hồng, có nhiều đối tượng bị bắt giữ nhưng vẫn không xuể. Đơn cử như đêm ngày 31/3/2024, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa (thuộc Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) phối hợp với công an các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội tổ chức tuần tra trên sông Hồng đoạn giáp ranh giữa xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) với xã Phú Châu (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), phát hiện 2 phương tiện đang khai thác cát trái phép. Khi cảnh sát tiếp cận, người trên tàu có dấu hiệu tháo dây neo và bỏ chạy, chống đối, không chấp hành hiệu lệnh. Trước tình hình này, tổ công tác đã nổ súng cảnh báo, yêu cầu cát tặc chấp hành và triển khai lực lượng lên các phương tiện vi phạm.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đối với công tác quản lý, khai thác khoáng sản, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu khẩn trương rà soát các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nêu trên…

Nói về nạn cát tặc trên sông Hồng, Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết, Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ thông tin, mặc dù Công an huyện đã vào cuộc quyết liệt nhằm xử lý vi phạm, nhưng thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi. Có trường hợp lợi dụng việc được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép để hoạt động ở địa bàn giáp ranh với Hà Nội. Công an huyện cũng gặp khó khăn về phương tiện đường thủy để xử lý vi phạm. “Thậm chí các đối tượng còn cử người theo dõi, khi thấy lực lượng công an thì lập tức di chuyển tàu khai thác cát sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc”- Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết nói.

Hiện tại, với chức năng bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông đang quản lý các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống… trong đó sông Hồng chảy vào Hà Nội từ xã Phong Vân (huyện Ba Vì) đến hết xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) dài khoảng 120km vẫn xảy ra nạn cát tặc. Để triệt phá hiệu quả nạn cát tặc cần có sự vào cuộc của cả chính quyền và công an phụ trách địa bàn dọc các tuyến sông. Vừa đấu tranh, vừa kết hợp tuyên truyền để mỗi người dân sinh sống ven sông chính là một “pháo đài” phòng chống cát tặc, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, giảm nỗi lo sạt lở đất ven sông.

Cùng chung quan điểm, Trung tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội) chia sẻ, hiện nay lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm do trên địa bàn thành phố có hai tuyến sông Hồng, sông Đà giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... nên các đối tượng thường lợi dụng để lẩn tránh. Muốn đấu tranh hiệu quả với các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân sinh sống ven sông cùng chung tay phối hợp trở thành “tai mắt” của lực lượng chức năng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.
Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

(PNTĐ) - Hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào về xây dựng “chuồng cọp”. Khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), công trình này chưa được hình thành, chủ nhà sau đó tự ý xây thêm với mục đích chống trộm nhưng khi có hoả hoạn xảy ra chính những “chuồng cọp” tự chế này lại bịt lối thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC. Trách nhiệm xử lý những công trình vi phạm PCCC này thuộc về chính quyền địa phương, nhưng từ nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang kêu khó khi triển khai đề án này.
“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.