Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Phóng sự của Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“ - ảnh 1
Cuộc sống của gần 3.000 người dân tổ 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1 đang bất an từng ngày trong những căn nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa.

Đi không được, ở cũng không xong
Hơn 3.000 nhân khẩu thuộc tổ dân phố số 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội đang giữ lại hy vọng mong manh cuối cùng về cuộc sống nơi ở hiện tại khi biết được lãnh đạo UBND Thành phố đang quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Ít ai có thể ngờ được rằng, khu vực Mỹ Đình - một trong những nơi phát triển bậc nhất của Thủ đô với nhiều lợi ích xung quanh các khu nhà cao tầng lại có khu vực nhà cửa xập xệ, đường sá nhỏ hẹp, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn. Người dân tổ 15 Tân Mỹ ví nơi mình đang sống chẳng khác gì “khu ổ chuột” giữa chốn phồn hoa đô thị. Đối với họ, quyền lợi của những người dân sống trong vùng quy hoạch hồ điều hoà thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia đang bị “bỏ quên” bởi dự án chậm tiến độ. 

Bà Ninh Thị Thơm, ngụ tại ngách 16/26 phố Đỗ Xuân Hợp thuộc tổ dân phố 15 Tân Mỹ kể, khu dân cư này được hình thành từ năm 1986. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tổ dân phố 15 Tân Mỹ nằm trong khu vực chức năng sử dụng đất là hồ điều hoà thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia. Từ đó, diện tích đất được thu hồi và giao cho Ban Quản lý dự án Khu Liên hợp thể thao quốc gia để tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư dự án. Điều này đồng nghĩa với việc gần 1.000 hộ dân nơi đây không được cấp phép xây dựng nhà kiên cố. 

Trước thực trạng dự án “treo” đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân, đầu tháng 11/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành công điện về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị báo cáo rõ nguyên nhân, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị được giao thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Đến nay, sau 25 năm dự án này vẫn “treo” khiến cuộc sống người dân lâm vào cảnh đi không được, ở cũng không xong. Hàng trăm căn nhà trải qua năm tháng bị xuống cấp mà không được sửa chữa, cải tạo. 

“Khi chúng tôi về đây sinh sống, xung quanh vẫn chỉ là những cánh đồng hoang. Nhiều hộ gia đình phấn đấu xây dựng được ngôi nhà khang trang, cải tạo đất xung quanh đúng nghĩa “đất lành chim đậu” rồi bỗng chốc có quy hoạch dự án mà chẳng gia đình nào được được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khó khăn trong việc đó đã đành, giờ chúng tôi phải đối mặt với việc nhà hỏng mà không được sửa chữa. Điều này khiến đời sống người dân trong tổ rất cơ cực, thiệt thòi đủ đường. Có gia đình mà không chịu được phải thuê nơi khác ở, còn đa phần không có điều kiện kinh tế đành phải sống chung với thực tại và những bất an”- bà Thơm lo lắng.

Nỗi lo của bà Thơm cũng là niềm trăn trở chung của gần 3.000 con người trong tổ dân phố 15 Tân Mỹ. Điều tương tự cũng đang diễn ra với hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thuộc Tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Dự án này có tổng diện tích 113,6ha được phê duyệt quy hoạch từ năm 2006 thế nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng.

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“ - ảnh 2
Một ngôi nhà xuống cấp nhưng không được sửa chữa, cải tạo buộc chủ nhà phải bỏ hoang tại Tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

 Bà Lê Thị Vân (75 tuổi) sinh sống tại Tổ dân phố Nhuệ Giang, cho biết: “Chúng tôi sinh từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Sau mấy chục năm sử dụng, những ngôi nhà cấp 4 nơi đây đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chúng tôi không thể sửa chữa, xây dựng mới. Đất ở của chúng tôi cũng không thể làm sổ đỏ hay mua bán, tặng cho. Tất cả nguyên nhân là do tổ dân phố nằm trong quy hoạch thực hiện dự án xây dựng cụm trường của thành phố. Tuy nhiên gần 20 năm đã trôi qua, dự án thì không thấy đâu trong khi nhà cửa của người dân cũ nát hết rồi. Nhiều hộ gia đình phải chuyển nhà đi nơi khác vì không còn đảm bảo an toàn để ở”.

Dự án xây dựng khu đô thị mới Dịch Vọng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) “treo” hơn 20 năm qua khiến rất nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch sống trong khốn khổ. Cũng vì vướng quy hoạch nên hơn 20 năm qua người dân tại ngách 184/41/18, phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội không thể cải tạo, sửa chữa nhà cửa, công trình xuống cấp. Môi trường khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. 

Bà Đào Thị Minh Hương (phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Chúng tôi sống tạm bợ qua ngày đã hơn 20 năm qua, cứ mưa là ngập, có thời điểm ngập tới nửa nhà. Người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ốm, mắc các bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết… do môi trường ở khu vực bị ô nhiễm. Nhà xuống cấp, xập xệ, muốn sửa cho đỡ lo thì không được cho vì nằm trong vùng quy hoạch”.

 Tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, gần 600 hộ dân cũng đang mắc kẹt trong dự án Công viên hồ điều hoà từ năm 2002 đến nay. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, trong khu đất thuộc dự án ở ngõ 192 phố Hạ Đình đang tồn tại nhiều căn nhà cũ xuống cấp được xây dựng từ trước năm 2000. Người dân phải sống trong cảnh tạm bợ nhưng không dám sửa chữa, không được phép xây lại và không thể thế chấp vay vốn làm ăn khiến cuộc sống của họ càng thêm bí bách.

Trong nội đô là vậy nhưng khi ghi nhận tại một số dự án chậm tiến độ ở các huyện ngoại thành, phóng viên cũng nhận được thông tin tương tự. Đơn cử như dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư có quy mô hơn 1.200ha nằm trên địa bàn hai xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất và Đông Xuân, huyện Quốc Oai chậm tiến độ 17 năm qua cũng đang khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Huế, ở thôn 4, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất chỉ tay về phía đồng ruộng cho biết, toàn bộ 6 sào ruộng nhà bà đều nằm trong quy hoạch nên không sử dụng gì được, thỉnh thoảng cấy vụ lúa cho khỏi hoang hóa đất.

 Tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Phi (ngụ thôn 6, xã Tiến Xuân) vừa có ruộng, vừa có đất nằm trong quy hoạch dự án. Ruộng bỏ hoang đã đành, đất ở cũng không thế chấp ngân hàng, không xây dựng được nên cũng chỉ để đấy. 
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2024, toàn thành phố có 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai với tổng quy mô khoảng trên 11.300ha đất. Trong số những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, bỏ hoang có nhiều khu đất được giao cho doanh nghiệp hơn 10 năm nhưng không được xây dựng, đưa vào sử dụng. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố cũng không hiếm gặp công trình xây xong bỏ hoang nhiều năm. Nguyên nhân do quy hoạch, đất đai, xây dựng còn thiếu, không đồng nhất, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô. Việc thực hiện quy hoạch chung Thủ đô phải tạm dừng các dự án đang triển khai để khớp nối... Một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư, quản lý dự án; một số dự án đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh tổng thể mặt bằng làm cho kéo dài thời gian triển khai.

TS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, dự án “treo” tồn tại là do vẫn còn lẩn khuất đâu đó cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm... Để xảy ra việc này có trách nhiệm của cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm quản lý Nhà nước là đặc biệt quan trọng.
Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, các dự án chậm triển khai có nguyên nhân từ công tác quản lý. Công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các mô hình đô thị hiện đại, đồng bộ, có chất lượng cuộc sống cao. Ông Nghiêm đánh giá việc thu hồi các dự án “treo” là không dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là cần có sự cương quyết của chính quyền. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.
Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.
Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

Những nghệ nhân cuối cùng lưu giữ nghề truyền thống

(PNTĐ) - Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nét văn hoá đặc trưng nơi phố cổ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ, của công nghệ máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người khiến những người thợ thủ công lành nghề đang dần mai một.