Làng hoa Tây Tựu:

“Thức ngủ” cùng hoa vào vụ Tết

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là một trong những nơi trồng hoa lâu năm và cung cấp hoa tươi chủ yếu cho Thủ đô Hà Nội, những ngày này người dân làng Tây Tựu đang khẩn trương chăm sóc từng luống hoa đang kỳ kết nụ, nở hoa, kịp cung cấp cho dịp Tết cổ truyền. Về làng nghề trồng hoa Tây Tựu, mùa xuân đang ngập tràn…

“Thức ngủ” cùng hoa vào vụ Tết - ảnh 1
Những bông hoa nở sớm được thu hoạch, cung ứng hàng ngày cho người dân Thủ đô Hà Nội 
và các vùng phụ cận.

Tất bật vào vụ hoa Tết
Đến làng hoa Tây Tựu những ngày giáp Tết Canh Thìn 2024, mùi hương thơm ngát toả khắp mọi nơi, người dân hối hả chuẩn bị cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Cụ Nguyễn Văn Tửu - một bậc cao niên của làng hoa cho biết, Tây Tựu xưa có tên là làng Đăm, nghề trồng hoa ở đây được hình thành từ năm 1930 nhưng phải đến đầu những năm 1990, người dân Tây Tựu mới bắt đầu tập trung trồng hoa và coi đó là nguồn thu nhập chính. Những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê... thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, người dân Tây Tựu chuyển đổi sang trồng hoa. Cứ thế, làng hoa ven đô hình thành rồi phát triển. Giờ đây, hoa Tây Tựu không chỉ cung cấp cho khu vực Hà Nội, mà còn mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, phía Nam và xuất khẩu.

Nhờ chuyên canh và phát triển nhiều loại hoa có giá trị kinh tế cao nên đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, với thu nhập trung bình 550 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Những ngôi nhà cao tầng khang trang liên tiếp mọc lên, thay thế những ngôi nhà mái bằng cũ. Đặc biệt, nhiều hộ đã vươn lên tiếp cận công nghệ, thị trường, trở thành những ông chủ, bà chủ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động đến từ các vùng lân cận.

Làng Tây Tựu chủ yếu trồng hoa hồng, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bắt đầu trồng thêm nhiều loại hoa khác như: Ly, loa kèn, cúc, đồng tiền, cẩm chướng… để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Sự phong phú về chủng loại hoa đã giúp cho làng hoa Tây Tựu ngày càng phát triển mạnh, chợ hoa nằm ở hai bên đường chính dẫn vào làng, chỉ mở vào ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng. Tuy nhiên, tháng giáp Tết, chợ hoa sẽ mở liên tục từ 20 âm lịch cho tới hết ngày 30. 

“Thức ngủ” cùng hoa vào vụ Tết - ảnh 2
Ông Đỗ Đắc Chí cẩn thận chăm bón từng luống hoa cúc, chờ phân phối ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán.

Để có hoa phục vụ nhu cầu những ngày Tết, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị mùa hoa Tết. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng nhộn nhịp hơn, từ việc tưới nước, chăm sóc cho hoa, bảo đảm hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp đúng ngày Tết. Hiện, toàn bộ diện tích hoa đều sinh trưởng, phát triển rất tốt, cây khỏe, nụ mập, bông to...

Vốn gắn bó với nghề trồng hoa từ năm 1990, ngoài mấy sào hoa phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Đặng Trần Hoạch (phường Tây Tựu) còn trồng thêm 5 sào hoa cúc để thu hoạch vào dịp Rằm tháng Giêng. Chia sẻ về giá cả, ông Hoạch cho biết: “Người nông dân chỉ biết sản xuất còn giá phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Nếu thời tiết đẹp, cho năng suất cao, hoa nhiều nhưng giá cả thấp. Về mùa Hè, chăm hoa khó hơn nhưng giá cả lại cao. Vườn cúc nhà tôi nếu cho bông đẹp thì các thương lái sẽ tự tìm đến mua và chở đến các tỉnh, thành khác”.

Nói về thị trường hoa dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông Đỗ Đắc Chí (tổ dân phố Trung 8, thôn Thượng, xã Tây Tựu) chia sẻ, gia đình có 7 sào hoa cúc. Các thành viên trong gia đình đang thay phiên tưới nước, chăm sóc hoa để đảm bảo hoa phát triển tốt, nở đều và đẹp đúng ngày Tết. Trồng hoa ngày Tết cần phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển, tránh để hoa nở trước hoặc sau Tết quá xa, hoa sẽ không được giá. Ví dụ, cúc thường là 3 tháng sẽ thu hoạch nhưng nếu rét thì ba tháng rưỡi. Trồng hoa cúc tương đối nhàn, bởi đây là loại cây khoẻ, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, cũng chính vì thế mà muốn có được bông hoa cúc to và tươi tắn nhất thì không nên trồng trong nhà lưới, nhà kính. 

Trái ngược với hoa cúc, hoa ly lại không chịu được thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc, chính vì vậy, người trồng hoa ly muốn an toàn phải đầu tư trồng thêm nhà lưới. Ông Chu Xuân Bằng, cụm 11 phường Tây Tựu có gần 9 sào chuyên trồng hoa ly chia sẻ: Trồng hoa ly như canh bạc, may nhiều hơn tính, bởi chất lượng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hơn nữa, việc lựa chọn giống hoa ảnh hưởng quyết định tới chất lượng hoa, chăm sóc hoa cũng phải kỹ lưỡng. Hoa ly không chịu được nắng nên phải được trồng trong nhà lưới và có hệ thống phun tưới nước thường xuyên, liên tục. Cây giống năm nay ông mua với giá 19.000 đồng/củ tăng hơn so với năm ngoái 3.000 - 4.000 đồng/củ. Công chăm sóc, phân bón cũng nhiều. Nếu “trượt” Tết, chỉ nở trước hay sau dù chỉ một tuần thôi, giá hoa sẽ rất thấp, cố lắm cũng chỉ đủ tiền giống chứ không có công.  "Năm nay gia đình tôi chỉ trồng những giống ly phổ biến, dễ tiêu thụ như ly vàng, ly đỏ Profundo. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, không nồm như hiện nay, vườn hoa ly sẽ phát triển rất tốt, nụ ly đều và rất nhiều tai, khả năng cao hoa sẽ nở trúng Tết"- ông Bằng nói.
Được mùa hoa Tết: Trông chờ vào thời tiết
Gia đình bà Nguyễn Thị Yên ở Tổ dân phố 2, phường Tây Tựu trồng 2 sào thược dược, 1 sào violet. Đây là năm thứ 7 bà trồng loại hoa này. Sau mỗi vụ, gia đình bà cũng có thu nhập đáng kể. Bà chia sẻ, để có được một mùa hoa đúng vụ, người trồng hoa phải thức ngủ cùng hoa, theo sát cây từng giờ bởi diễn biến bất thường của thời tiết có thể khiến cây "trở chứng" bất cứ lúc nào.

Có kinh nghiệm trồng hoa gần 20 năm, ông Nguyễn Huy Hoàng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc chăm sóc, theo dõi sát sao để nắm rõ tình trạng hoa, yếu tố quyết định năng suất chính là thời tiết. Nếu trời nắng ấm thì hoa sẽ nở nhanh, nếu lạnh quá thì hoa sẽ chậm, dẫn đến sai vụ. Trời mưa nhiều thì hoa xấu. Theo dự báo, từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ có thêm các đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm rét hại trên diện rộng nên gia đình anh đang rất lo lắng, túc trực hàng giờ bên những luống hoa để đảm bảo có được chất lượng hàng tốt nhất tới tay mọi người. 

"Làm nghề này rất vất vả, phải canh chừng thời tiết, chăm bón, phun thuốc nếu không cẩn thận thì thân cây sẽ bị cong. Khi thu hoạch về thì phải bao bọc từng cành, từng bó hoa rồi mới giao cho khách. Mùa đông năm nay đến muộn, nhiệt độ lại xuống thấp nên ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của hoa. Để giữ ấm cho hoa, nhiều gia đình phải thắp điện sáng cả đêm lẫn ngày. Khả năng số lượng hoa nở kịp vụ Tết không cao nên dù tăng giá nhưng vẫn không đủ phục vụ khách"- ông Hoàng nói.

Tại vườn hoa cúc của bà Nguyễn Thị Hằng, cứ mỗi buổi sáng bà lại tranh thủ ra vườn kiểm tra một lượt. Bà Hằng cho hay: "Nếu thời tiết cứ rét đậm như hiện nay thì hoa sẽ không nở kịp đúng dịp Tết. Dù được giá nhưng chúng tôi cũng không mấy vui vẻ vì lượng hoa bán được chẳng đáng là bao. So với thời điểm này vào năm ngoái, năm nay giá hoa cao hơn. Mỗi hoa cúc bán lẻ ra với giá 4.000-5.000 đồng/ hoa tùy vào chất lượng. Gần Tết giá cũng có thể tăng lên nếu khan hiếm. Năm nay giá hoa có nhỉnh hơn một chút so với năm trước nhưng giá phân bón và nguyên vật liệu khác lại tăng nên mỗi sào hoa cũng chẳng lãi được bao nhiêu. Thời tiết thất thường nên có luống hoa còn nở sớm, luống thì mới hé nụ không kịp Tết thì người dân chúng tôi chỉ biết lấy công làm lãi để có cái Tết ấm no”.

Theo ông Đặng Trần Phi, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, nghề trồng hoa đang đứng trước thách thức như: Đất canh tác sụt giảm, nỗi lo thời tiết. Như vụ hoa Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, một số hộ trồng hoa ly bị lỗ nặng do hoa nở không đúng thời điểm. Đặc biệt, lối canh tác manh mún nhỏ lẻ, khiến giá trị ngành hoa chưa cao. trên địa bàn phường đang có rất nhiều dự án phát triển giao thông đô thị, diện tích đất nông nghiệp dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới. Dù phường Tây Tựu đã quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất một diện tích trồng hoa ổn định, nhưng con số này chỉ còn khoảng 80ha. Diện tích hoa dự kiến sẽ còn bị thu hẹp. Bên cạnh đó, thay bằng việc áp dụng kỹ thuật trồng hoa hiện đại, nhiều hộ dân tại làng Tây Tựu vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan để có được những bông hoa đẹp chờ Tết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

Lãng phí hàng nghìn biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

(PNTĐ) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP Hà Nội ghi nhận hiện tượng giá tăng “chóng mặt”, đặc biệt ở phân khúc biệt thự, đất nền. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng có hàng nghìn căn biệt thự bỏ hoang, mặc dù treo biển rao bán nhiều năm nhưng vẫn không có giao dịch.
Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

Giải “cơn khát” không gian xanh cho người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh, nhưng Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nghịch lý nhiều công viên bị bỏ hoang, hoặc xuống cấp.
Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

Biết rồi, vẫn không ngăn được “giặc” hỏa!

(PNTĐ) - Hiện nay chưa có bất kỳ tiêu chuẩn, quy định nào về xây dựng “chuồng cọp”. Khi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), công trình này chưa được hình thành, chủ nhà sau đó tự ý xây thêm với mục đích chống trộm nhưng khi có hoả hoạn xảy ra chính những “chuồng cọp” tự chế này lại bịt lối thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC. Trách nhiệm xử lý những công trình vi phạm PCCC này thuộc về chính quyền địa phương, nhưng từ nhiều năm nay, vấn nạn này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

Gỡ khó cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang kêu khó khi triển khai đề án này.
Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc

Sông Hồng “chảy máu” tài nguyên vì nạn cát tặc

(PNTĐ) - Bước vào đầu mùa mưa khu vực sông Hồng lại nhộn nhịp tiếng máy móc đến từ những con tàu hút cát. Trong số này, có khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng cũng có những nơi là vùng đất của cát tặc lộng hành, khai thác xuyên đêm khiến nhiều bờ sông bị sạt lở mặc dù cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, xử lý.